Ngoài việc nâng cao nhận diện thương hiệu trong tâm trí của khách hàng, Giá trị thương hiệu (Brand Value) được xem là thước đo để đánh giá sự thành công của doanh nghiệp và đánh giá về mức độ cạnh tranh của thương hiệu trên thị trường. Theo báo cáo Global 500 của Brand Finance, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã tăng 23% trong năm 2022, lên 7,4 nghìn tỷ USD. Vậy giá trị thương hiệu là gì và được cấu thành dựa trên những yếu tố nào?
Giá trị thương hiệu là gì?
Giá trị thương hiệu (Brand Value) là giá trị tài chính của thương hiệu được xác định bằng cách định giá thương hiệu đó.
Ví dụ, Apple là thương hiệu có giá trị nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt 355,1 tỷ USD.
Giá trị thương hiệu có thể được xem là thước đo độ thành công của một thương hiệu. Xác định giá trị thương hiệu giúp biết được vị thế cạnh tranh của thương hiệu đó trên thị trường, xác định giá để phục vụ các mục đích như mua bán hay định giá cổ phiếu, giá nhượng quyền…
Ngoài ra, còn có cách hiểu khác về giá trị thương hiệu là giá trị được cộng thêm vào sản phẩm, dịch vụ thương hiệu cung cấp. Người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng và sẵn sàng chi trả cao hơn cho cùng một sản phẩm đối với doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao hơn. Điều này có thể được thể hiện thông qua mức độ nhận biết, lòng trung thành và sẵn sàng chi trả của khách hàng đối với thương hiệu đó.
Ví dụ, một sản phẩm kem đánh răng thông thường có giá 5 đô la trên thị trường. Nếu cùng sản phẩm này được tung ra thị trường bởi một thương hiệu nổi tiếng với giá 7 đô la thì người tiêu dùng sẵn sàng chi thêm 2 đô la cho sản phẩm này, thì sự tăng giá này chính là nhờ được cộng thêm giá trị thương hiệu.
Quan điểm về giá trị thương hiệu sẽ khác nhau khi xét ở khía cạnh người tiêu dùng và doanh nghiệp:
- Giá trị thương hiệu theo quan điểm của khách hàng: Là những lợi ích mà khách hàng nhận được từ thương hiệu như lợi ích về chất lượng sản phẩm/dịch vụ, giá cả, trải nghiệm, giá trị cảm xúc,…
- Giá trị thương hiệu theo quan điểm của doanh nghiệp: Là những lợi ích mà doanh nghiệp nhận được từ thương hiệu như lợi thế cạnh tranh, khả năng tăng doanh thu, lợi nhuận,…
Lợi ích của việc nâng cao giá trị thương hiệu
Một thương hiệu mạnh có giá trị thương hiệu cao sẽ giúp doanh nghiệp:
- Tăng doanh thu và lợi nhuận: Một thương hiệu mạnh sẽ thu hút nhiều khách hàng hơn. Các thương hiệu có giá trị thương hiệu cao thường được biết đến rộng rãi hơn, có được lòng trung thành của khách hàng hơn, tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp.
- Giảm chi phí marketing: vì khách hàng đã có sẵn niềm tin, lòng trung thành với thương hiệu
- Tăng khả năng cạnh tranh: Một thương hiệu mạnh sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác nhờ vào niềm tin, chỗ đứng trên thị trường của doanh nghiệp.
Những yếu tố tạo nên giá trị thương hiệu
Nhìn chung giá trị thương hiệu được xác định dựa vào hai yếu tố chính đó là chi phí xây dựng và chi phí dựa trên giá trị thị trường.
Cost-Based Brand Valuation (Giá trị thương hiệu dựa trên chi phí xây dựng)
Giá trị thương hiệu dựa trên chi phí xây dựng (Cost-Based Brand Valuation) dựa trên chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để xây dựng và phát triển thương hiệu đó, Nó cũng bao gồm tổng chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để tạo dựng nhận thức, lòng trung thành và những chi phí bỏ ra từ khi thương hiệu mới thành lập để gầy dựng danh tiếng như:
- Chi phí nghiên cứu và phát triển những sản phẩm/dịch vụ
- Chi phí marketing và truyền thông
- Chi phí thiết kế và xây dựng thương hiệu
- Chi phí đăng ký và bảo hộ thương hiệu.
Giá trị thương hiệu dựa trên giá thị trường
Brand Value dựa trên giá trị thị trường là một phương pháp định giá thương hiệu dựa trên giá trị thị trường hiện tại của doanh nghiệp.
Phương thức định giá này yêu cầu bạn thực hiện nghiên cứu, phân tích sâu về các khoản chi phí và giá trị của thương hiệu rồi so sánh với các doanh nghiệp khác trên thị trường. Từ đó, đưa ra các dự đoán và ước tính về giá trị của thương hiệu trên thị trường là nên ở mức nào so với các công ty cùng lĩnh vực.
Để dự đoán được chính xác, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường từ nhiều nguồn để có căn cứ định giá phù hợp với từng thời điểm.
Những cách giúp gia tăng giá trị thương hiệu hiệu quả
Để gia tăng giá trị thương hiệu hiệu quả, các doanh nghiệp có thể thực hiện các cách sau
Tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu
Giá trị thương hiệu ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng khi họ phải lựa chọn giữa sản phẩm của thương hiệu và các sự lựa chọn thay thế. Nghiên cứu Millward Brown chỉ ra rằng người tiêu dùng thường mua các thương hiệu mà họ tin tưởng, có sự nổi bật và khác biệt. Xây dựng cảm xúc tích cực của khách hàng đối với thương hiệu bằng cách tạo sự khác biệt có ý nghĩa so với các đối thủ cạnh tranh có thể mang lại lợi ích lớn hơn đến 13%, và tăng gấp bốn lần so với các thương hiệu không có sự khác biệt đáng kể.
Để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, thương hiệu cần phải xác định và thể hiện sự khác biệt một cách tốt như:
- Luôn thể hiện được tính minh bạch, chính trực
- Tạo ra sản phẩm/ dịch vụ độc đáo
- Xây dựng hình ảnh thương hiệu độc đáo giúp thương hiệu tạo ấn tượng tốt và khó quên trong mắt khách hàng
- Tập trung đáp ứng nhu cầu của một phân khúc thị trường cụ thể
Nâng cao trải nghiệm khách hàng liền mạch
Trải nghiệm khách hàng liền mạch được coi là khi khách hàng có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các kênh và điểm tiếp xúc mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.
Ví dụ như Amazon được biết đến với trải nghiệm khách hàng liền mạch. Khách hàng có thể dễ dàng tìm và mua các sản phẩm họ muốn, đồng thời quy trình vận chuyển và trả lại của Amazon diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Amazon cũng cung cấp nhiều tùy chọn dịch vụ khách hàng như trò chuyện trực tiếp 24/7 và hỗ trợ qua điện thoại. Trải nghiệm khách hàng liền mạch này đã giúp Amazon nâng cao giá trị thương hiệu.
Cân bằng giữa giá trị kỳ vọng và giá trị thực tế của thương hiệu
Giá trị kỳ vọng của thương hiệu là những gì khách hàng mong đợi từ thương hiệu.
Giá trị thực tế của thương hiệu là những gì thương hiệu thực sự cung cấp cho khách hàng.
Cân bằng giữa giá trị kỳ vọng và giá trị thực tế của thương hiệu là yếu tố quan trọng để xây dựng và phát triển một thương hiệu thành công. Nếu giá trị thực tế của thương hiệu thấp hơn giá trị kỳ vọng của khách hàng, thì khách hàng sẽ thất vọng và có thể rời bỏ thương hiệu của bạn. Ngược lại, nếu giá trị thực tế của thương hiệu cao hơn giá trị kỳ vọng của khách hàng, thì khách hàng sẽ hài lòng và có thể trở thành khách hàng trung thành của bạn.
Để cân bằng giữa giá trị kỳ vọng và giá trị thực tế của thương hiệu, doanh nghiệp cần:
- Xây dựng kỳ vọng phù hợp như sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin đến khách hàng
- Cung cấp trải nghiệm khách hàng tích cực như tập trung vào nhu cầu khách hàng, tạo ra sự khác biệt thương hiệu
- Lắng nghe phản hồi của khách hàng: Doanh nghiệp cần lắng nghe phản hồi của khách hàng thông qua khảo sát, gửi email, gọi điện thoại,.. Sau đó rút kinh nghiệm để cải thiện sản phẩm, dịch vụ để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của KH.
Những chiến lược này có thể giúp tạo và tăng giá trị thương hiệu cho một doanh nghiệp, giúp thu hút và duy trì khách hàng trung thành và cạnh tranh trên thị trường.