Thật không may là hầu hết những người mới sử dụng PPC không nhận ra ưu điểm đằng sau các nhược điểm của PPC. Họ “nói lời tạm biệt” với PPC trước khi nhận ra PPC có thể trở thành vũ khí marketing lợi hại nhất. Chúng tôi nghe cùng một câu hỏi từ những người mới kinh doanh: “Tại sao tôi phải bỏ tiền ra để mua click khi mà khách hàng không chịu mua hàng sau khi click? Tôi đang tốn tiền một cách vô ích.”
Nguyên nhân có thể là một trong những yếu tố sau:
1. Click gian lận
Theo kinh nghiệm của tôi thì một số các công cụ tìm kiếm nhỏ tạo ra các click nhưng không có hành động mua hàng theo sau. Bạn hãy kiểm tra các số liệu các hành động mua hàng theo sau click của từng công cụ tìm kiếm, tiếp theo hãy ngừng sử dụng những công cụ tìm kiếm có kết quả kém hơn so với các công cụ tìm kiếm còn lại.
Google không phải là công cụ tìm kiếm duy nhất. Google lớn nhất, vì vậy cũng cạnh tranh nhiều nhất. Những công cụ tìm kiếm khác tốn ít chi phí hơn và vẫn tạo ra được hành động mua hàng. Hãy nhớ, nếu kết quả không tốt thì hãy ngừng sử dụng công cụ tìm kiếm đó.
2. Mạng lưới website liên quan
Nếu bạn đang sử dụng Google Adwords, quảng cáo của bạn sẽ được thấy trên trang kết quả tìm kiếm, trên các website liên quan (content network), hoặc cả hai. Mỗi chiến dịch quảng cáo phù hợp với một content network. Vì vậy, bạn nên chọn lựa content network cho từng chiến dịch ngay từ lúc đầu.
3. Không nghiên cứu kỹ các từ khóa
Bạn có biết những từ khóa mà khách hàng tiềm năng đang sử dụng để tìm kiếm những sản phẩm giống như sản phẩm mà bạn đang bán không? Nếu bạn chỉ ngồi một chỗ và đoán thì bạn đang “ném tiền qua cửa sổ” đấy. Mỗi từ khóa tốt thường chỉ có hai ba chữ nhưng nó lại nói lên một cách rõ ràng ý định của người dùng ẩn sau từ khóa đó. Khi bạn muốn tìm ra một từ khóa, hãy tự hỏi chính mình, “Vấn đề mà người dùng đang muốn giải quyết là gì?” Nếu bạn không thể trả lời rõ ràng thì tức là từ khóa đó quá rộng và bạn sẽ mất tiền oan ức đấy.
Với công cụ miễn phí Google Adword, bạn sẽ biết được các từ khóa nhắm “trúng” khách hàng mục tiêu với chi phí hợp lý, từ đó, các khách hàng đang gặp phải những vấn đề mà sản phẩm của bạn có thể giải quyết được sẽ “bị” kéo về phía bạn.
Ví dụ: với từ khóa “tìm mua sổ tay”, để nằm trong top ba kết quả tìm kiếm thì phải bỏ ra trung bình là $2.73 cho một click. Nhưng chỉ với 8 cent là website của bạn đã có thể nằm trong top 3 tìm kiếm của các từ khóa “tìm mua sổ tay điện tử” hoặc “mua giấy làm sổ tay”. Chi phí lưu lượng truy cập cho các từ khóa này thấp hơn nhưng chúng lại nhắm đến đúng nhóm khách hàng mục tiêu.
Cùng một số tiền nhưng một bên mua được 34 click, còn một bên chỉ mua được một click nhưng hiệu quả tương đương. Không cần phải cân nhắc thêm nữa đúng không?
4. Quảng cáo không tập trung
Mỗi quảng cáo nên được xây dựng dựa trên những từ khóa liên quan đến một vấn đề nhất định. Nếu quảng cáo quá rộng, cơ hội khách hàng click vào các quảng cáo đó cũng ít hơn.
Dĩ nhiên là sản phẩm của bạn có thể có rất nhiều chức năng, làm được nhiều thứ nhưng mỗi quảng cáo chỉ nên nói đến một chức năng mà thôi.
Khi viết quảng cáo, bạn cần bỏ ra nhiều thời gian. Trước hết hãy nghĩ xem ai sẽ là người tìm từ khóa có trong quảng cáo của bạn. Liệu quảng cáo của bạn có đủ rõ ràng để khi người dùng đọc chúng, họ sẽ nhận ra ngay đây đúng là giải pháp cho vấn đề mà họ đang gặp phải. Nếu vẫn chưa làm được điều đó thì hãy “xách” bàn phím lên và viết lại.
Để từ khóa xuất hiện ngay trong tiêu đề và cả trong phần nội dung. Đừng quên nói về lợi ích của sản phẩm thay vì chỉ đề cập đến các đặc điểm của sản phẩm.
5. Kết nối với những website không liên quan
Bạn nên để đường link quảng cáo xuất hiện ở những trang web có liên quan hoặc tương tự với website của bạn, như vậy người dùng sẽ dễ nhìn thấy hơn.
6. Không cải tiến nội dung quảng cáo
Cuối cùng, nếu quảng cáo của bạn không hiệu quả, hãy thử thay đổi một yếu tố rồi cho các quảng cáo cùng chạy để kiểm tra. Tiếp tục làm như vậy, thay đổi tiêu đề, nội dung quảng cáo rồi cho chạy thử đến khi nào tìm ra quảng cáo hay nhất, hiệu quả nhất và tạo ra nhiều hành động mua hàng nhất. PPC chính là cách đơn giản nhất để kiểm tra tính hiệu quả của một quảng cáo.
Với quảng cáo PPC phải luôn nhớ rằng: bạn bỏ tiền ra để mua click và click tạo ra tiền cho bạn. Vì thế, hãy luôn đảm bảo rằng không có điều gì cản trở các cú click chuột biến thành hành tiền cho bạn.
Bài liên quan: Tâm lý học màu sắc ảnh hưởng đến hành vi mua hàng
Nguồn: Entrepreneur.com