Xếp hàng đi nhé!
Tôi thường xuyên đến một quán cơm trên phố Nguyên Hồng để ăn trưa và đôi khi ăn tối, quán cơm này đắt hơn quán bình dân một chút, nhưng ngon. Ngon thì cả đống quán, nhưng ăn ở đây sẽ có trải nghiệm thú vị:
- Bà chị chủ quán nhớ tên khách. Mặc dù rất đông.
- Mỗi lần tôi đến, câu chào cửa miệng là: “Đức à, dạo này gày thế” hoặc đại loại vậy… tôi quan trọng mà!
- Tôi thì vốn quen uống 2 cốc trà đá khi ăn cơm, và chả bao giờ chị chủ quán bưng ra một cốc cả.
Một quán khác, bánh xèo ở Đội Cấn, cũng nhớ tên tôi, nhưng không bao giờ ưu tiên khách quen thân hết. Ông bà chủ ở đây được chứng nhận của mấy cái tổ chức nào đó hẳn hoi về việc món ngon bổ rẻ! Cũng chả ai quan tâm ai chứng nhận cái gì đâu, điều quan trọng là tất cả đều phải gọi đồ theo thứ tự đến trước đến sau, ăn ở đây lần đầu sẽ nhớ mãi vụ đó.
Vui nhất là hôm trước có một nhóm mới đến, tỏ ra nguy hiểm gọi này gọi nọ dù đến sau, lão chủ quán sau khi nhắc đợi mà vẫn bị nhóm này gọi gọi kiểu khó chịu thì đã bị ông ấy đuổi về luôn! Kèm theo việc chửi đểu rất “văn” của ông chủ dành cho lũ khách choai choai vô văn hoá và “ca ngợi” sự kiên nhẫn và văn minh của mấy người đang ngồi đói mốc ở đó đợi đến lượt.
Khách đã quen rồi cực kì thích cách làm việc này của quán, mặc dù vỉa hè, nhưng người ta thấy mình được tôn trọng, còn hơn ối quán làm ăn theo cái kiểu khách nào bon chen thì được gọi sớm, mặc dù đến sau!
Thế mới biết, kỉ luật với khách hàng sẽ dạy họ trung thành với bạn! Tất nhiên, sản phẩm tốt thì mới làm vậy được nhé.
Quyết tâm trả lại một nghìn
Ai cũng biết Royal Vincom có phong cách phục vụ tốt, nhưng có lẽ các bạn trông xe ở đây đã tạo ra ấn tượng tốt nhất với tôi và nó mang đến một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với một nơi khác cũng nổi tiếng không kém là rạp chiếu phim Quốc Gia. Chuyện là vầy:
Hàng tuần tôi có 3 ca dạy kèm trong Royal, vào hầm gửi xe từ sáng đến tối cũng đều có giá gửi, quẹt thẻ cái là nó hiện giá lên màn hình. Thường thì là 3 nghìn/lượt. Hôm đó tôi đưa 2 đồng 2 nghìn, và đi luôn, nhưng nhân viên gọi lại và đuổi theo quyết tâm đưa lại 1 nghìn tiền thừa. Chuyện chỉ có vậy, nhưng tôi ấn tượng tốt với cách làm đó. Nó không đơn giản là 1 nghìn, nó thể hiện sự tôn trọng với khách hàng.
Giờ thử nghĩ xem: Giả sử hôm đó bạn có gì đó chưa hài lòng ở bên trong khu đó, bạn ấm ức cả buổi đến tận lúc đi về, và chuyện quyết tâm trả lại 1 nghìn đó xảy ra. Nó có thể rất nhỏ nhưng biết đâu lại xoá bỏ hoàn toàn chuyện ấm ức kia thì sao!
Cũng là bảo vệ, nhưng ở rạp Quốc gia, giá gửi xe ban ngày là 3 nghìn/lượt, hôm đó tôi xem phim trưa, lúc về là 3h chiều, đưa tờ 10 nghìn, nhân viên trả lại 5 nghìn. Tôi hỏi lại: Gửi xe 5 nghìn hả em? Nó đáp chắc nịch: 5 nghìn anh ạ.
OK! Chuyện đó dù sao thì cũng cũ rích rồi, nhưng vẫn luôn hiệu quả. Với cái rạp này thì xin chúc mừng, bạn vừa đuổi khách sộp thành công, tôi gần như tuần nào cũng đi xem phim!
Đùa cợt chút chút cũng hay
Tôi vào một website bán hàng, định mua một món đồ, đang tham khảo đi tham khảo lại một sản phẩm thì chợt có một cửa sổ hiện lên với nội dung rất ngớ ngẩn: “Anh ơi đừng mua cái này…”
Cuối cùng, đúng là tôi không mua loại đó thật, thay vào đó tôi mua loại khác và rất vừa ý! Thế quái nào ấy, như là có ma ấy, cho đến lúc làm thanh toán online xong tôi vẫn chưa hiểu sao nó biết được:
- Chào bằng anh, sao ko phải là chị hay ông, hay bà?
- Sao nó lại khuyên tôi là “không nên mua”, chả giống các nhân viên bán hàng khác toàn đâm đầu vào xúi “mua cái này, mua cái kia đi”. Cứ như đùa ấy.
- Sao tôi lại chat với nó nhỉ? Các web khác cả tỉ cái pop-up tôi có thèm quan tâm đâu!?
- Có quan trọng không? Cuối cùng, cảm giác của tôi khi ghi lại những dòng này và nhớ lại cái lúc đó vẫn là vừa ý!
Cách tư vấn kiểu như thế này cũng không mới, khi thấy các hành động của tôi khi lướt web của mình, bạn nhân viên kia đoán ra được tất cả, và một yếu tố then chốt quyết định khiến cho tôi quan tâm đó là câu chào ấn tượng. Cái cửa sổ chat đó nó hiện ra và trả lời trúng phóc câu hỏi của tôi lúc đó: có nên mua cái này không?
Thật sự là rất ấn tượng, rất hiệu quả, nhanh và không có gì mới cả.