Dropshipping là gì?
Dropshipping là mô hình mà người bán không cần vận chuyển hàng hóa cho khách hàng và không cần lưu kho hàng. Mô hình Dropshipping này có sự tham gia của ba bên là người làm Dropshipping, khách hàng và nhà cung cấp.
Sau khi khách hàng mua và thanh toán hoá đơn cho người làm Dropshipping, người Dropship sẽ chuyển thông tin và giá nhập sản phẩm tới nhà cung cấp. Nhà cung cấp sẽ chuẩn bị, đóng gói và gửi lại cho khách hàng. Cuối cùng, người làm Dropship sẽ nhận được số tiền chênh lệch giữa mua từ nhà cung cấp và giá bán cho khách hàng.
Ưu điểm
Một số ưu điểm của hình thức Dropshipping là:
- Chi phí ban đầu thấp: Bạn không cần nhập sản phẩm hoặc chi trả phí nhà kho. Bên cạnh đó, phương thức có ít rủi ro về tiền bạc nếu mô hình không thành công. Người dùng hầu như không cần chi trả quá nhiều chi phí khi mới tham gia Dropshipping. Nếu lập cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, bạn chỉ cần trả phí thành lập và sử dụng các tính năng cao cấp. Nếu lập website riêng, bạn sẽ phải mua tên miền và domain.
- Bán đa dạng sản phẩm: Người bán có thể cung cấp nhiều sản phẩm từ nhiều nguồn cấp. Điều này đảm bảo bạn có khả năng linh hoạt thử nghiệm sản phẩm để tìm ra đúng đối tượng mục tiêu.
- Có khả năng mở rộng: Dropshipping cho phép bạn mở rộng mô hình kinh doanh dễ dàng. Nếu nhận được số đơn đặt hàng lớn đột ngột, bạn không cần loay hoay tìm nơi lưu trữ hoặc nhập thêm sản phẩm.
- Linh hoạt: Người bán dễ dàng điều hành công việc kinh doanh bằng hình thức Dropshipping tại bất cứ đâu có kết nối internet.
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm trên, mô hình này cũng tồn tại các nhược điểm cụ thể:
- Mức độ cạnh tranh cao: Theo Market Data Forecast, thị trường Dropshipping toàn cầu đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo dự đoán, quy mô của thị trường Dropshipping sẽ đạt 344,04 tỷ USD vào 2024 và tăng lên 984,4 tỷ USD vào 2029. Với sự phát triển nhanh chóng qua từng năm, người tham gia Dropshipping sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ. Bên cạnh đó, sự giống nhau về mặt hàng bán trên cùng kênh, cạnh tranh khi tìm nguồn hàng hay chiến lược marketing cũng là những rào cản với người làm Dropship.
- Phụ thuộc vào nhà cung cấp: Người làm Dropshipping phụ thuộc vào nhà cung cấp của mình để vận chuyển sản phẩm đúng thời hạn và cung cấp dịch vụ khách hàng tốt. Các rắc rối gây ra bởi nhà cung cấp cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của bạn.
- Không kiểm soát được thời gian vận chuyển: Người bán không thể kiểm soát thời gian gửi hàng do toàn bộ quá trình vận chuyển đều phụ thuộc vào nhà cung cấp.
Affiliate marketing là gì?
Affiliate marketing hay tiếp thị liên kết, là một hình thức tiếp thị trực tuyến trong đó bạn có thể tham gia quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của một hoặc nhiều nhà cung cấp và nhận được hoa hồng khi khách hàng thực hiện hành động chuyển đổi như mua hàng, đăng ký, điền form,…
Ưu điểm
Affiliate marketing được nhiều người kinh doanh online lựa chọn vì:
- Khả năng lựa chọn nhiều nhà cung cấp: Người tham gia tiếp thị liên kết có thể tự do lựa chọn nhà cung cấp phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Bên cạnh đó, Affiliate Marketing không giới hạn về số lượng nhà cung cấp. Điều này cho phép bạn trở thành đối tác tiếp thị cho nhiều đơn vị cùng lúc, chỉ cần bạn tuân thủ các cam kết của họ.
- Thỏa thuận rõ ràng: Hầu hết các chương trình tiếp thị liên kết hiện nay đều cung cấp các điều khoản và quy định minh bạch giúp người tham gia hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
- Tự do về thời gian và địa điểm: Người tham gia có thể làm việc linh hoạt, không bị ràng buộc về thời gian và địa điểm.
- Tham gia miễn phí: Quá trình tham gia tiếp thị liên kết không yêu cầu trả phí hoặc trả rất ít. Một số trường hợp thu phí như: khii người tham gia affiliate có nhu cầu dùng các gói dịch vụ để tìm kiếm thêm nhà cung cấp chất lượng, hay tăng khả năng tiếp cận khách hàng, hoặc thu phụ phí khi rút tiền…
- Linh hoạt và không có áp lực: Người tham gia tiếp thị liên kết được phép làm việc trực tuyến mà không cần trở thành nhân viên chính thức. Đồng thời, họ không phải đối mặt với áp lực về doanh số bán hàng như các mô hình kinh doanh khác.
Nhược điểm
Mặc dù có nhiều ưu điểm, tiếp thị liên kết cũng đi kèm với nhược điểm:
- Thu nhập không ổn định: Thu nhập từ Affiliate Marketing phụ thuộc vào số lượng liên kết mua hàng thành công bạn tạo ra. Chính vì vậy, thu nhập khi tham gia mô hình này sẽ không ổn định.
- Lợi nhuận thấp, cần nhiều thời gian xây dựng mạng lưới: Tỷ lệ hoa hồng tiếp thị liên kết thường không cao. Bên cạnh đó, người làm tiếp thị liên kết cần nỗ lực xây dựng mạng lưới khách hàng trong thời gian đầu.
- Khó thuyết phục người mua: Việc thuyết phục người mua để nhấp vào liên kết và thực hiện mua hàng có thể là một thách thức. Nhiều người chỉ truy cập vào liên kết và rời bỏ trang sản phẩm ngay lập tức.
Phân biệt Dropshipping và Affiliate Marketing?
Để phân biệt Dropshipping và Affiliate Marketing chi tiết, bạn có thể theo dõi nội dung dưới đây.
Giống nhau
Dropshipping và Affiliate Marketing có 4 điểm giống nhau cơ bản là:
- Chi phí khởi động thấp: Cả hai mô hình đều yêu cầu người làm không cần bỏ ra số vốn lớn so với các hình thức kinh doanh truyền thống.
- Hình thức kinh doanh: Dropshipping và Affiliate Marketing đều cho phép kinh doanh trực tuyến linh hoạt.
- Đa dạng sản phẩm: Người thực hiện Dropshipping/Affiliate Marketing không bị giới hạn sản phẩm. Từ đây, bạn có thể khám phá sản phẩm ngách hoặc sản phẩm hợp xu hướng để thu lợi cao hơn.
- Khả năng mở rộng: Cả hai mô hình đều có thể dễ dàng tăng hoặc giảm quy mô dựa trên tài nguyên và nhu cầu của người làm.
Khác nhau
Dưới đây là các yếu tố cơ bản giúp bạn phân biệt Dropshipping và Affiliate Marketing rõ ràng hơn:
- Lợi nhuận: Lợi nhuận của Dropshipping có thể cao hơn so với Affiliate Marketing vì người bán có thể tùy chỉnh giá bán tới khách hàng và thu lợi nhuận chênh lệch so với nhà cung cấp. Trong khi đó, người làm Affiliate Marketing chỉ được thu lợi nhuận theo phần trăm hoa hồng đã quy định từ nhà cung cấp.
- Dịch vụ khách hàng: Người làm Dropshipping sẽ phải tự làm việc với khách hàng từ lúc quảng bá, tư vấn cho đến khi họ đã nhận được sản phẩm và hài lòng. Tuy nhiên, với tiếp thị liên kết, nhà cung cấp sẽ đảm nhiệm vấn đề này. Bạn không cần tham gia vào quá trình tư vấn trước mua hay chăm sóc sau mua.
- Thanh toán: Làm Dropshipping sẽ nhận được lợi nhuận ngay sau khi hàng được giao thành công tới khách hàng. Tuy nhiên, chính sách affiliate marketing sẽ quy định thời gian nhận dao động từ 1-3 tháng hoặc khi đủ mức tối thiểu.Kinh doanh theo mô hình Dropshipping hay Affiliate Marketing phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nên kinh doanh theo Dropshipping hay Affiliate Marketing?
Sau khi đã phân biệt Dropshipping và Affiliate Marketing, bạn có thể dựa vào một số đặc điểm dưới đây để lựa chọn hình thức kinh doanh:
Dropshipping sẽ phù hợp nếu bạn muốn:
- Kinh doanh online với số vốn ban đầu thấp.
- Thích tự mình kiểm soát phần lớn quá trình bán hàng
- Có khả năng marketing và bán hàng tốt.
Nếu bạn có những đặc điểm dưới đây, hình thức kinh doanh Affiliate Marketing sẽ phù hợp hơn:
- Có khả năng tạo nội dung hấp dẫn: Nội dung của bạn cần thu hút sự chú ý của khách hàng và giúp họ hiểu được giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng bá.
- Có thể xây dựng mối quan hệ với khách hàng: Người làm Affiliate Marketing cần xây dựng mối quan hệ với khách hàng để họ có thể tin tưởng và mua sản phẩm.
Với những thông tin trên đây, ắt hẳn bạn đọc đã biết phân biệt Dropshipping và Affiliate Marketing. Hiện nay và trong tương lai, xu hướng kinh doanh trực tuyến qua Dropshipping và Affiliate Marketing sẽ còn phát triển hơn nữa. Nắm bắt được yếu tố này, bất cứ ai cũng có cơ hội thành công khi bước chân vào thị trường chung.