Hiện nay, hình thức livestream bán hàng đang là xu hướng mới của ngành thương mại điện tử. Thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử đã dần tăng tần suất livestream trên các nền tảng giao dịch. Theo công ty nghiên cứu thị trường Adsota viết trong ấn phẩm Thích ứng với COVID19: Bán lẻ và Thương mại điện tử đã nhận định: “Có vẻ như livestream bán hàng đang thực sự trở thành xu hướng tiếp thị hàng đầu về khả năng thực thi và hiệu quả trong ngành TMĐT”.
Livestream là gì ?
Livestream (hay còn gọi là phát trực tiếp) là hình thức quay video và phát trực tiếp những gì đang diễn ra trong thời gian thực (người, cảnh, sự kiện,…) có thể xem qua Internet thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram, TikTok hay cả những trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tik Tok shop. Nhưng phổ biến nhất là các nền tảng Livestream chuyên biệt như Bigo Live, Twitch, NimoTV, Nonolive, …
Trong video Livestream, tất cả người xem có thể tương tác trực tiếp với nhau thông qua nút like, biểu tượng cảm xúc, bình luận. Các nền tảng phát trực tiếp thường sử dụng khung hình tương thích với hầu hết thiết bị giúp người xem có thể theo dõi livestream bán hàng trên nhiều thiết bị, từ điện thoại thông minh, máy tính bảng đến PC và máy tính xách tay,…
Sự phát triển của hình thức livestream bán hàng
Đời sống xã hội bị gián đoạn vào năm 2020 do đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp và người dùng đã chuyển sang các lựa chọn thay thế trực tiếp, chẳng hạn như trực tuyến.
Tại Trung Quốc, bán hàng thông qua video trực tiếp đã trở thành “mạch máu” của ngành bán lẻ nước này. Trong năm 2019, có tới 80% doanh số kinh doanh bán lẻ đến từ hệ thống cửa hàng. Tuy nhiên, đợt bùng phát COVID-19 đã đẩy kênh bán hàng trực tuyến lên ngôi, trở thành “cứu cánh” cho nhiều chủ cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc, giúp họ tiếp cận người mua sắm trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Tại Việt Nam, hình thức livestream bán hàng đã có mặt trên nền tảng Facebook từ rất lâu, nhưng gần đây vào cuối năm 2021 mới bắt đầu phổ biến, đặc biệt đầu năm 2022 có sự góp mặt của một sàn thương mại điện tử mới thuộc nền tảng Tik Tok – Tik Tok Shop, thì livestream như một cơn sốt cho việc doanh nghiệp quảng bá và mua bán sản phẩm, hàng hoá.
Các thành tựu của livestream
Theo thống kê của Ecomobi – một nền tảng hỗ trợ bán hàng qua mạng xã hội (Social Selling Platform – SSP), Livestream tăng 72,4% trong khoảng thời gian từ 2018 đến 2019 và tiếp tục tăng lên 99% từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 4 năm 2020.
Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy ngành công nghiệp Livestream dự kiến sẽ đạt giá trị 184,27 tỷ USD vào năm 2027. Báo cáo của nghiên cứu này cho thấy, có khoảng 34% Thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2015) đã thể hiện sự quan tâm khá lớn đến hình thức livestream, đặc biệt là trên các nền tảng xã hội.
Tính đến năm 2019, có 55% doanh nghiệp hiện đang ứng dụng hình thức livestream bán hàng cho các chiến dịch bán hàng của họ trên các sàn thương mại điện tử. Hình thức bán hàng thông qua livestream giúp các doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và công sức cho việc gọi điện và tư vấn cho khách hàng thông qua điện thoại hoặc bán hàng trực tiếp.
Lý do đằng sau sự thành công của livestream bán hàng
Dự kiến, livestream sẽ là một kênh đầy tiềm năng và mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp đầu tư vào nó. Vậy, tại sao hình thức livestream bán hànglại phát triển và tiềm năng như vậy?
Giúp doanh nghiệp rút ngắn quá trình mua hàng: với cách thức truyền thống ban đầu thì các doanh nghiệp sẽ quay video giới thiệu sản phẩm và chạy quảng cáo trên các nền tảng xã hội. Thì ngày nay hình thức livestream xuất hiện, người xem có thể tương tác trực tiếp với người bán, xem và đặt mua sản phẩm ngay trong lúc phát trực tiếp. Như vậy, từ biết đến thương hiệu đến đặt hàng nay chỉ còn 1 bước, giúp người bán tối ưu các liên kết trung gian.
Giúp người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm chân thật và tăng độ tin cậy: Khi mua hàng online chắc hẳn người tiêu dùng sẽ gặp phải những câu chuyện dở khóc dở cười, ảnh một đằng nhưng hàng về tới nhà thì một nẻo, khiến nhiều người tiêu dùng không còn niềm tin vào những bộ ảnh mô tả lộng lẫy, chuyên nghiệp. Nhưng với hình thức livestream bán hàng thì khác. Khi sản phẩm được rao bán trên livestream, người bán sẽ quay cận và test thử các đặc tính của sản phẩm như độ co giãn, chất vải hay độ bền của một số vật dụng,… giúp nâng cao niềm tin khách hàng.
Giúp “chốt đơn” bằng cảm xúc người xem: Thông qua các buổi livestream người bán sẽ thể hiện sự hóm hỉnh, độc đáo và nét nổi bật trong sản phẩm của mình nhằm thu hút khách hàng. Có thể người bán sẽ kể một câu chuyện hay review về sản phẩm của mình một cách chân thật nhất, nhằm tăng sự yêu thích và tin tưởng khách hàng.
Khuyến khích người mua thông qua mã giảm giá trong livestream : Thay vì thức khuya theo khung giờ để săn mã giảm giá trên các sàn thương mại điện tử với tỷ lệ cạnh tranh cao, thì với livestream, người bán sẽ trực tiếp giảm giá và tung ra các voucher dành riêng cho buổi phát trực tiếp đó.
Tiếp xúc gần hơn với khách hàng: Thay vì khách hàng phải chờ đợi người bán trả lời thông qua boxchat hoặc messenger của website. Thì với hình thức livestream người bán có thể trả lời và tư vấn trực tiếp cho khách hàng thông qua công cụ bình luận, ở đó khách hàng có thể gửi thắc mắc về sản phẩm của mình lên và người bán sẽ đọc bình luận, giải đáp, trò chuyện với khách hàng dựa trên thắc mắc đó.
Doanh số bán hàng tăng khi kết hợp cùng influencer : Cùng với sức ảnh hưởng mạnh mẽ của influencer, các sản phẩm và cả hình ảnh thương hiệu đều có thêm cơ hội đến gần hơn với người dùng thông qua buổi livestream.
Điển hình ta có thể bắt gặp hình ảnh khẩu trang KF94 Bông sen vàng của Hot TikToker Phạm Thoại đang được khá nhiều người xem quan tâm và đặt mua. Với sức hút của mình, Phạm Thoại đã bán được hơn 120.000 thùng (300 cái/thùng) thông qua các buổi livestream trên nền tảng Tik Tok.
Khoảng 80% các nhà Marketing nói rằng nội dung video ngày càng trở nên quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh. Các chiến dịch sử dụng hình thức livestream bán hàng kết hợp với Influencer, KOLs giúp tăng gấp đôi mức độ tương tác của video.
Ảnh hưởng của xu hướng livestream bán hàng:
Theo thống kê, so với việc đọc blog khoảng 4/5 người dùng mạng xã hội có xu hướng xem nhiều video hơn. Tuy nhiên, theo thời gian các video được tạo ra không còn thu hút như trước nữa, bởi chất lượng các video đôi khi bị “quá ảo” và không còn chân thật. Cho đến khi Livestream xuất hiện. Livestream như một cơn sốt của các doanh nghiệp và những nhà bán hàng. Vậy xu hướng livestream có sức ảnh hướng đến xung quanh như thế nào ?
Từ khi có hình thức livestream, người tiêu dùng đã ngày càng thay đổi thói quen và quyết định mua sắm khác hơn so với 20 năm trước. Người tiêu dùng hiện đại muốn biết rõ về thương hiệu và có sự tin tưởng thông qua các buổi livestream thì mới quyết định chi tiền. Họ không chỉ muốn tìm hiểu về sản phẩm liệu có giống quảng cáo hay không mà cả cách người bán tương tác với khách hàng, chăm sóc khách hàng như thế nào. Và thay vì phải đến tận cửa hàng để khảo sát, người tiêu dùng thường sẽ lựa chọn xem các video livestream dù họ ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Bên cạnh đó, khi livestream xuất hiện, đã tạo ra nhiều ngành nghề hơn trong xã hội, như livestreamer – người bán hàng/người livestream, content livestream – xây dựng kịch bản livestream, trợ lý livestream, quay dựng livestream, thiết kế góc livestream, đào tạo livestream… Góp phần mở ra những cơ hội cho các bạn trẻ, người thất nghiệp và những người có đam mê với bán hàng hay sáng tạo nội dung.
Hiện tại, các thương hiệu đang tập trung vào việc tận dụng tiếp thị trực tuyến, livestream là cách phổ biến nhất để tiếp cận người dùng. Không chỉ là một buổi phát trực tiếp đơn thuần, mà các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng để đạt được hiệu quả kinh doanh. Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như Facebook, YouTube, Tik Tok …), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo …) cũng được nhiều thương hiệu áp dụng. Có thể nói, Livestream đang là một xu hướng mới đem lại thành công cho lĩnh vực thương mại điện tử.