Co-Branding là gì? Các case study thành công của chiến lược hợp tác thương hiệu

Co-branding hay hợp tác thương hiệu (đồng thương hiệu) đang dần trở thành một chiến lược không thể thiếu trong hoạt động marketing của nhiều công ty. Bằng cách kết hợp sức mạnh của hai hoặc nhiều thương hiệu, các doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị gia tăng không chỉ cho sản phẩm mà còn cho cả trải nghiệm của khách hàng. Tìm hiểu ngay co-branding là gì, lợi ích và các yếu tố để chiến dịch co-branding thành công.

Co-branding là gì?

Co-branding hay còn gọi là hợp tác thương hiệu, là một chiến lược hợp tác thương hiệu tiếp thị phổ biến trong đó hai hoặc nhiều thương hiệu cùng hợp tác để phát triển và quảng bá một sản phẩm, dịch vụ hoặc chiến dịch mới. 

Sự hợp tác đồng thương hiệu nhằm mục đích tận dụng lợi thế về uy tín, tầm ảnh hưởng và cơ sở khách hàng của từng thương hiệu để tạo ra giá trị chung. Điều đặc biệt của co-branding là các thương hiệu tham gia phải bổ trợ lẫn nhau, mang lại lợi ích đồng thời cho cả hai bên mà không làm ảnh hưởng đến hình ảnh hay giá trị cốt lõi của từng thương hiệu.

Co-branding là gì? (Nguồn: Internet)

Co-branding là gì? (Nguồn: Internet)

Lợi ích của co-branding

Chiến lược co-branding mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, bao gồm: 

  • Tăng cường nhận diện thương hiệu: Theo báo cáo của Hubspot, 54% công ty cho biết quan hệ hợp tác tiếp thị mang lại hơn 20% tổng doanh thu của công ty. Khi hai thương hiệu lớn hợp tác với nhau, họ tận dụng được sự chú ý mà mỗi thương hiệu mang lại, từ đó thu hút sự quan tâm của khách hàng trên quy mô rộng lớn hơn, tăng cường nhận diện thương hiệu và doanh thu một cách nhanh chóng. 
  • Mở rộng tệp khách hàng: Co-branding cho phép thương hiệu tiếp cận đến những đối tượng khách hàng mà trước đó họ chưa có cơ hội tiếp cận. Theo khảo sát của Prnewswire, 71% người tiêu dùng thích và quan tâm các mối quan hệ đối tác đồng thương hiệu và 43% người tiêu dùng sẽ dùng thử sản phẩm co-branding từ một công ty mà họ đã thích.
  • Tạo ra sự khác biệt trên thị trường: Co-branding không chỉ giúp tạo ra những sản phẩm độc đáo mà còn tạo ra cảm giác mới mẻ, đặc biệt là khi hai thương hiệu đến từ các lĩnh vực khác nhau kết hợp với nhau. Ví dụ, sự hợp tác giữa Adidas và Parley for the Oceans trong việc sản xuất giày từ nhựa tái chế là một bước đi sáng tạo, giúp cả hai thương hiệu khẳng định cam kết với vấn đề môi trường.
  • Tăng cường giá trị thương hiệu: Khi hai thương hiệu hợp tác, họ có thể tận dụng lẫn nhau để tạo ra giá trị cao hơn cho khách hàng. Sự kết hợp này có thể giúp tăng cường hình ảnh thương hiệu và tạo sự tin tưởng hơn trong mắt người tiêu dùng.
Hợp tác thương hiệu co-branding đem lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích (Nguồn: Internet)

Hợp tác thương hiệu co-branding đem lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích (Nguồn: Internet)

Các kiểu chiến lược đồng thương hiệu

Chiến lược đồng thương hiệu (co-branding) là cách thức hai hoặc nhiều thương hiệu hợp tác để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, hoặc chiến dịch mới nhằm khai thác thế mạnh của nhau và tiếp cận đối tượng khách hàng rộng hơn. Dưới đây là các loại chiến lược đồng thương hiệu phổ biến:

  • Đồng thương hiệu sản phẩm: Hai thương hiệu hợp tác để tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới. Ví dụ nổi bật là sự hợp tác giữa Microsoft và Nokia với dòng điện thoại Lumia, tận dụng danh tiếng và khả năng công nghệ của cả hai.
  • Đồng thương hiệu thành phần: Một thương hiệu tích hợp thành phần hoặc sản phẩm của thương hiệu khác vào sản phẩm của mình. Ví dụ điển hình là Intel, bộ xử lý của Intel xuất hiện trong nhiều sản phẩm máy tính để nâng cao hiệu suất và giá trị.
  • Đồng thương hiệu liên doanh: Đây là sự hợp tác khi các thương hiệu thành lập một thực thể hoặc liên doanh mới. Ví dụ như sự hợp tác giữa Sony và Ericsson, tạo nên thương hiệu điện thoại Sony Ericsson.
Các kiểu hợp tác co-branding phổ biến (Nguồn: Internet)

Các kiểu hợp tác co-branding phổ biến (Nguồn: Internet)

  • Đồng thương hiệu bổ sung: Các thương hiệu hợp tác từ các ngành khác nhau để tạo ra các sản phẩm bổ sung cho nhau. Ví dụ tiêu biểu là Apple và Nike hợp tác với sản phẩm Nike+ iPod Sport Kit, phục vụ cho người dùng yêu thích thể thao và công nghệ. Nike+ iPod Sport Kit bao gồm một cảm biến nhỏ gắn vào giày và kết nối được với iPod (hoặc iPhone). Khi chạy, cảm biến ghi lại các thông tin như khoảng cách, tốc độ và số calo đã đốt cháy, sau đó truyền dữ liệu này đến thiết bị đã được kết nối.
  • Đồng thương hiệu địa lý: Các thương hiệu từ nhiều khu vực khác nhau hợp tác để tiếp cận thị trường mới hoặc các công ty quốc tế lớn hợp tác với các thương hiệu địa phương nhỏ hơn. Ví dụ: Lime và Uber hợp tác để người dùng xe tay ga điện Lime có thể đặt xe trực tiếp bằng ứng dụng Uber tại Châu Âu (Prague, Warsaw và Stockholm). Điều này giúp cả hai thương hiệu gia tăng doanh số đáng kể.

Các yếu tố tạo nên một chiến dịch co-branding thành công

Để chiến dịch co-branding thành công cần có những yếu tố cốt lõi như sau:

Sự phù hợp giữa hai thương hiệu

Sự thành công của một chiến dịch co-branding phụ thuộc rất lớn vào sự phù hợp giữa hai thương hiệu về giá trị, tầm nhìn, và đối tượng khách hàng mục tiêu. Khi hai thương hiệu có chung những giá trị cốt lõi và mục tiêu phát triển, chiến dịch hợp tác sẽ trở nên tự nhiên và dễ dàng được khách hàng chấp nhận. 

Sáng tạo và độc đáo

Sự sáng tạo là yếu tố then chốt trong một chiến dịch co-branding thành công. Hai thương hiệu không chỉ cần tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mới mẻ mà còn phải đảm bảo rằng sản phẩm này thực sự mang lại giá trị cho khách hàng. 

Sự sáng tạo và độc đáo giúp chiến lược co-branding thành công hơn (Nguồn: Internet)

Sự sáng tạo và độc đáo giúp chiến lược co-branding thành công hơn (Nguồn: Internet)

Sự tương thích về đối tượng khách hàng

Một yếu tố quan trọng khác là sự tương thích về đối tượng khách hàng. Khi hai thương hiệu có cùng tệp khách hàng hoặc đối tượng khách hàng có sự giao thoa, chiến dịch co-branding sẽ dễ dàng đạt được thành công. 

Case study thực tế về co-branding

Dưới đây là một số case study thực tế về co-branding đã thành công trong việc tạo ra giá trị cho cả hai thương hiệu tham gia:

GoPro và Red Bull

Sự hợp tác giữa GoPro (thương hiệu nổi tiếng với camera hành trình nhỏ gọn) và Red Bull (một trong những thương hiệu nước tăng lực hàng đầu thế giới) là một ví dụ điển hình về việc kết hợp hai thương hiệu mạnh trong ngành thể thao mạo hiểm và công nghệ.

  • Mục tiêu: Tạo ra nội dung độc đáo và hấp dẫn liên quan đến thể thao mạo hiểm.
  • Sản phẩm: Sự kiện thể thao mạo hiểm “Stratos” – khi Felix Baumgartner nhảy từ độ cao 39.000 mét – đã được GoPro ghi lại và phát trực tiếp bởi Red Bull.
  • Kết quả: Chiến dịch này đã thu hút hơn 23 triệu lượt xem trên YouTube, giúp cả hai thương hiệu tăng cường nhận diện và sự kết nối với đối tượng yêu thích thể thao mạo hiểm. Đồng thời co-branding đã đem lại cho cả hai thương hiệu nhiều lợi ích khác như: Red Bull tăng 7% doanh số trong 6 tháng tiếp theo và cổ phiếu GoPro tăng 5,4% đồng thời tạo ra 32,26 triệu đô la Mỹ lợi nhuận vào cuối năm đó.
Sự hợp tác co-branding thành công vang dội của GoPro và Red Bull (Nguồn: Internet)

Sự hợp tác co-branding thành công vang dội của GoPro và Red Bull (Nguồn: Internet)

H&M và Balmain

Vào năm 2015, H&M (thương hiệu thời trang lớn với giá tầm bình dân) đã hợp tác với nhà thiết kế nổi tiếng Balmain (thương hiệu thời trang cao cấp của Pháp) để ra mắt bộ sưu tập giới hạn, mang lại sự chú ý lớn từ giới truyền thông và người tiêu dùng.

  • Mục tiêu: Cung cấp sản phẩm thời trang cao cấp với mức giá phải chăng cho khách hàng đại chúng.
  • Sản phẩm: Bộ sưu tập bao gồm các trang phục và phụ kiện thời trang cao cấp với thiết kế tinh tế và phong cách độc đáo, được bán với giá thấp hơn nhiều so với các sản phẩm Balmain thông thường.
  • Kết quả: Bộ sưu tập đã thu hút hàng nghìn khách hàng trên toàn thế giới, chiến dịch co-branding ghi nhận 312 triệu lượt hiển thị và hastag #HMBalmaination có 93.000 lượt đề cập trên Twitter.
Sự hợp tác thương hiệu giúp H&M và Balmain tiếp cận nhóm khách hàng mới (Nguồn: Internet)

Sự hợp tác thương hiệu giúp H&M và Balmain tiếp cận nhóm khách hàng mới (Nguồn: Internet)

Nike và Apple

Sự hợp tác giữa Nike (thương hiệu hàng đầu trong ngành thể thao) và Apple (một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới) vào năm 2006 để phát triển sản phẩm Nike+ là một trong những ví dụ tiêu biểu về co-branding trong ngành thể thao và công nghệ.

  • Mục tiêu: Kết hợp công nghệ với thể thao, nhằm giúp người dùng theo dõi hoạt động thể chất của họ.
  • Sản phẩm: Bộ sản phẩm Nike+ bao gồm giày chạy Nike với chip cảm biến được tích hợp và ứng dụng trên iPod và iPhone cho phép người dùng theo dõi quãng đường chạy, tốc độ và lượng calo tiêu thụ.
  • Kết quả: Sự kết hợp này không chỉ giúp Nike tăng cường vị thế trong thị trường thể thao mà còn đưa Apple vào thị trường sức khỏe.
Chiến lược hợp tác thương hiệu Nike và Apple tạo ra sản phẩm mới độc đáo (Nguồn: Internet)

Chiến lược hợp tác thương hiệu Nike và Apple tạo ra sản phẩm mới độc đáo (Nguồn: Internet)

Starbucks và Spotify

Sự hợp tác giữa Starbucks (chuỗi cà phê lớn nhất và nổi tiếng trên thế giới) và Spotify (nền tảng phát nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới) vào năm 2015 nhằm tạo ra một trải nghiệm âm nhạc độc đáo cho khách hàng của Starbucks.

  • Mục tiêu: Kết hợp trải nghiệm nghe nhạc với không gian thưởng thức cà phê tại Starbucks.
  • Sản phẩm: Khách hàng có thể nghe các bản nhạc phát trong quán cà phê qua ứng dụng Starbucks và có thể tạo danh sách phát trên Spotify.
  • Kết quả: Sự kết hợp này đã giúp cả hai thương hiệu tăng cường trải nghiệm của khách hàng và củng cố vị thế trên thị trường, Starbucks đã ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu và Spotify đã thu hút thêm khối lượng lớn người dùng mới.
Chiến lược Starbucks và Spotify giúp cả hai tiếp cận nhiều khách hàng hơn (Nguồn: Internet)

Chiến lược Starbucks và Spotify giúp cả hai tiếp cận nhiều khách hàng hơn (Nguồn: Internet)

Co-branding là một chiến lược tiếp thị mạnh mẽ giúp các thương hiệu tạo ra giá trị lớn hơn, mở rộng tầm ảnh hưởng và giảm thiểu rủi ro. Sự hợp tác này không chỉ giúp tạo ra giá trị cho khách hàng mà còn tăng cường vị thế và sự hiện diện của cả hai thương hiệu trên thị trường. Để đạt được thành công trong co-branding, các thương hiệu cần xác định được mục tiêu chung, lựa chọn đối tác phù hợp và phát triển chiến lược truyền thông hiệu quả.

Share this

October 8, 2024 - Marketing