Marketing mix thường là một công cụ hữu ích để khai thác và là căn cứ cho các quyết định tiếp thị trước khi đưa ra thị trường. Bằng cách xem xét sản phẩm và nghiên cứu thị trường, marketing mix có thể xác định các yếu tố đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng, xác định vị trí thương hiệu, sự cạnh tranh, xác định được các công cụ thu hút sự chú ý của đối tượng mục tiêu. Điều này giúp các nhà tiếp thị đưa ra một kế hoạch toàn diện liên quan đến việc tiếp thị sản phẩm.
Marketing mix là gì?
Theo Phillip Kotler, “Marketing mix là tập hợp các công cụ tiếp thị mà doanh nghiệp sử dụng để theo đuổi các mục tiêu tiếp thị của mình trên thị trường mục tiêu.”
Tại sao marketing mix quan trọng?
Thông thường, các mô hình marketing sẽ đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh về doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần dựa vào các yếu tố trong mô hình để đưa ra các quyết định như: những sản phẩm sẽ cung cấp, mục tiêu nhắm đến, địa điểm bán sản phẩm và cách quảng bá sản phẩm, … Dựa vào thông tin được thu thập trong marketing mix, doanh nghiệp có thể:
- Nâng cao vòng đời sản phẩm trên thị trường với các phân tích dự đoán
- Tạo uy tín thương hiệu bằng cách thiết lập USP (điểm bán hàng độc nhất) mạnh để đánh bại đối thủ
- Tạo ra các dịch vụ sản phẩm thành công với các chiến lược tiếp thị và phân phối hiệu quả
- Tăng nhu cầu và lòng trung thành của khách hàng với nhận thức về giá trị sản phẩm
- Tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng và lợi nhuận kinh doanh khi phân bổ nguồn lực hợp lý
Các mô hình marketing mix
Các mô hình trong marketing mix tập hợp các công cụ tiếp thị mà doanh nghiệp thường sử dụng để đạt được các mục tiêu tiếp thị của mình.
Mô hình 4P
Mô hình 4P trong marketing mix là phiên bản đơn giản, thường được sử dụng trong các ngành có ít tài nguyên và ngân sách nhỏ. Mô hình 4P sử dụng và kết hợp bốn yếu tố khác nhau bao gồm: sản phẩm, giá cả, địa điểm và khuyến mãi.
Sản phẩm (Product): Sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, mang dấu ấn, cá tính riêng của doanh nghiệp hoặc là các sản phẩm khách hàng và thị trường đang có nhu cầu
Giá (Price): Giá bán sản phẩm phản ánh giá trị sản phẩm, chiến lược giá cả tốt sẽ hấp dẫn khách hàng nhiều hơn
Quảng cáo (Promotion): Các doanh nghiệp thường kết hợp nhiều hình thức quảng bá khác nhau để tăng khả năng nhận diện thương hiệu hoặc kết hợp quảng bá cùng các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng, thúc đẩy gia tăng doanh số.
Địa điểm (Place): Đây là nơi mà doanh nghiệp bạn có thể trực tiếp tư vấn, bán hàng, trao đổi, … với khách hàng
Mô hình 7P
Mô hình 7P là một trong những mô hình marketing mix được mở rộng từ mô hình 4P. Nó được phát triển và thay đổi để thích ứng và bắt kịp các nhu cầu của khách hàng trong thị trường. Bảy chữ P của mô hình là sản phẩm, giá cả, địa điểm, khuyến mãi, con người, quy trình và cơ sở vật chất.
Sản phẩm (Product): Sản phẩm là cốt lõi. Nó bao gồm đầy đủ các thuộc tính của sản phẩm (bao bì, giá cả, chiến lược phát triển sản phẩm, …). Quan trọng nhất, sản phẩm phải có đối tượng mục tiêu đã được xác định rõ ràng.
Địa điểm (Place): Địa điểm đề cập đến nơi và cách thức doanh nghiệp bạn muốn bán sản phẩm. Địa điểm có thể ảnh hưởng đến việc bạn lựa chọn kênh phân phối (online, offline, …), trải nghiệm khách hàng, giá cả, …
Quảng cáo (Promotion): Mọi người mua hàng vì nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, trước tiên, bạn cần quyết định xem bạn muốn tiếp cận tệp khách hàng như thế nào, sản phẩm của bạn tập trung đáp ứng nhu cầu nào, … Sau đó, bạn cần chọn các phương thức quảng cáo phù hợp để thúc đẩy khách hàng ra quyết định mua hàng nhanh hơn.
Giá (Price): Giá là một trong ba yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ chuyển đổi. Nếu doanh nghiệp bạn đang bán những mặt hàng đắt tiền, bạn có thể cân nhắc giảm giá hoặc tặng kèm quà tặng để tăng doanh thu. Nếu sản phẩm bạn đang bán có giá cả vừa phải, bạn nên đầu tư thêm để cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Khách hàng sẽ chỉ mua những sản phẩm có chất lượng và giá thành cạnh tranh so với thị trường.
Con người (People): Đây là yếu tố tiếp xúc và ảnh hưởng trực tiếp tới ấn tượng của khách hàng về doanh nghiệp. Yếu tố con người bao gồm toàn bộ nhân sự của doanh nghiệp, trong đó nhân viên bán hàng và nhân viên phục vụ thường là những người tiếp xúc, trao đổi trực tiếp và tiếp nhận phản hồi của khách hàng. Một doanh nghiệp tốt sẽ có yếu tố con người tốt và đem đến trải nghiệm mua sắm tuyệt vời cho khách hàng.
Quy trình (Process): Yếu tố này đề cập đến các quy trình bạn cung cấp cho khách hàng trong hệ thống dịch vụ của bạn. Bởi vì quy trình là một yếu tố quan trọng nên hãy đảm bảo doanh nghiệp bạn đang vận hành các quy trình cơ bản sau một cách liền mạch, thống nhất:
- Giao hàng tận tay khách hàng: Quá trình khách hàng nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, cho dù sản phẩm đó được đặt hàng trực tuyến và được giao qua chuyển phát nhanh, mua tại cửa hàng, tải xuống từ trang web của bạn hay truy cập thông qua quy trình đăng ký trực tuyến
- Chăm sóc khách hàng: Các quy trình, hệ thống và kênh chăm sóc khách hàng sau mỗi lần mua hàng
- Giải pháp: Các quy trình để xử lý sự cố khi có lỗi vận chuyển, sản phẩm hoặc trong trường hợp khách hàng không hài lòng với quy trình/dịch vụ nhận được.
- Trả hàng & hoàn tiền: Quy trình xử lý việc trả hàng, hủy, hoàn tiền cho khách hàng
- Phản hồi: Quy trình thu thập phản hồi của khách hàng và áp dụng các phản hồi để cải tiến sản phẩm/dịch vụ.
Bạn cần phải xây dựng các quy trình một cách cẩn thận và có chiến lược để đạt được những hiệu quả cho quá trình kinh doanh. Bạn cũng có thể phát triển các quy trình riêng biệt cho doanh nghiệp của mình. Các quy trình liền mạch và nhanh chóng sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp và trở nên thành công.
Cơ sở vật chất (Physical evidence): Trang web, các bài báo quảng cáo, cơ sở hạ tầng cửa hàng, bao bì, thiệp cảm ơn … tất cả đều là thuộc yếu tố cơ sở vật chất. Nó đóng vai vai trò như một lời nhắc nhở với khách hàng về sự hiện diện, tồn tại của doanh nghiệp. Ngoài ra, thông qua bài báo quảng cáo, trang web, thiệp cảm ơn, … các khách hàng tiềm năng mới cũng sẽ tìm thấy doanh nghiệp của bạn dễ dàng hơn mà không cần mất thêm nhiều thời gian tra cứu, tìm kiếm.
Mô hình 4C
Mô hình 4C bao gồm 4 bốn yếu tố chính: Khách hàng (Customer), Chi phí (Cost), Truyền thông (Communication) và Kênh (Channels). Mặc dù các yếu tố đều là những khía cạnh khác nhau nhưng giữa mỗi khía cạnh đều có mối quan hệ, liên kết mà các nhà tiếp thị cần xem xét để đạt được mục tiêu của mình.
Khách hàng (Customer): Khách hàng là một yếu tố rất quan trọng trong bất kỳ tổ hợp tiếp thị nào. Thông thường, họ muốn mua các sản phẩm rẻ và đáp ứng được nhu cầu một cách nhanh chóng. Vì vậy, bạn không thể đưa ra quyết định tiếp thị mà không dành thời gian để tìm hiểu khách hàng của mình.
- Hãy nghiên cứu khách hàng (độ tuổi, giới tính, sở thích, … ) để biết nhu cầu mua sắm của họ.
- Tìm ra sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ muốn.
- Xem xét cách cung cấp cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ mà họ mong muốn
- Định vị sản phẩm hoặc dịch vụ bạn đang cung cấp trên thị trường
Một khi bạn hiểu rõ các yếu tố trên, nghĩa là bạn đã xây dựng thành công chân dung khách hàng tiềm năng và bạn có thể cung cấp cho họ các sản phẩm, dịch vụ mà bạn tin rằng nó sẽ đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.
Chi phí (Cost): Chi phí tạo ra sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến giá mà khách hàng phải trả. Nếu bạn cung cấp một sản phẩm chất lượng tốt với số tiền ít hơn so với đối thủ cạnh tranh thì khả năng khách hàng tìm đến bạn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nhận thức của khách hàng về giá trị sản phẩm sẽ quyết định liệu họ mua hàng của bạn hay của người khác. Khi một khách hàng đánh giá cao mức độ tin cậy và chất lượng của một sản phẩm hoặc công ty, họ có nhiều khả năng sẽ mua sản phẩm đó. Theo cuộc khảo sát của Akeneo, người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những thương hiệu nổi tiếng về chất lượng. Điều đó có nghĩa là khách hàng có thể sẽ dè dặt với những sản phẩm có giá rẻ hơn thị trường vì lo sợ chất lượng của chúng không được đảm bảo.
Vì vậy, ngoài việc tối ưu chi phí cho nguyên liệu, vận hành, nhân công, … để tạo ra sản phẩm chất lượng với chi phí tiết kiệm nhất, thì doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng danh tiếng cho chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp có thể tham khảo một số cách sau để nâng cao danh tiếng chất lượng cho sản phẩm:
- Cho khách hàng dùng thử và trải nghiệm: Một doanh nghiệp cho khách hàng dùng thử nghĩa là họ chắc chắn với chất lượng sản phẩm đang bán. Khách hàng thường có tâm lý e ngại khi mua một sản phẩm chưa bao giờ sử dụng. Vì vậy, dùng thử miễn phí là một cơ hội làm giảm sự e ngại và loại bỏ những rủi ro về sản phẩm mà khách hàng lo lắng.
- Đăng tải công khai đánh giá của khách hàng cũ: Đây là một cách giúp tăng uy tín về chất lượng sản phẩm trong tâm trí khách hàng. Thông qua việc đọc những đánh giá, phản hồi tích cực từ những khách hàng đã mua, một khách hàng tiềm năng có thể tin tưởng rằng nếu họ mua dịch vụ hoặc sản phẩm, họ cũng sẽ hài lòng với sản phẩm nhận được. Vì quảng cáo ngày càng bão hòa và thường được cho là không đáng tin cậy thì những lời đánh giá, phản hồi là một cách hợp lý để đưa thương hiệu của bạn đến với khách hàng tiềm năng.
- Hợp tác với các công ty khác: Đây là một cách khác để làm tăng mức độ tin cậy của khách hàng. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn các công ty đối có một danh tiếng lâu năm và vững chắc, có cùng giá trị với bạn và thu hút tệp khách hàng tương tự như của bạn. Sự hợp tác này sẽ giúp bạn có thêm các khách hàng tiềm năng mới nhờ danh tiếng của công ty hợp tác.
Sự tiện lợi (Convenience): Sản phẩm của bạn càng dễ tiếp cận với khách hàng thì khả năng khách hàng mua hàng càng cao. Đây là lý do tại sao sự thuận tiện là điều cần thiết trong chiến lược marketing mix của doanh nghiệp của bạn. Nếu bạn không có các cửa hàng trực tiếp, hãy đảm bảo các trang web trực tuyến của bạn thân thiện với người dùng, có đầy đủ các sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Truyền thông (Communication): Truyền thông là các nội dung, thông tin mà doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng. Nội dung có thể được truyền tải thông qua văn bản, video, âm thanh, hình ảnh, … Tuy nhiên, nội dung cần phải phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn. Không phải ai cũng thích đọc, xem hoặc nghe cùng một nội dung. Hãy đảm bảo rằng nội dung của bạn phù hợp với tệp khách hàng bạn hướng đến.
Marketing mix là một khái niệm được các doanh nghiệp sử dụng để đưa ra các quyết định tiếp thị. Thuật ngữ này thường bao gồm 4P, 7P, 4C – những mô hình điển hình của marketing mix. Cho dù doanh nghiệp của bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm hay vừa mới thành lập, việc cân bằng các yếu tố trong marketing mix là điều cần thiết. Một chiến lược tiếp thị tốt sẽ xem xét các yếu tố trong môi trường cạnh tranh để định hướng cho các hoạt động tiếp thị. Những chiến lược như vậy sẽ giúp doanh nghiệp giành được khách hàng một cách thông minh.