Khi áp lực từ cuộc sống hàng ngày tăng cao, retail therapy (mua sắm để giải toả stress) đã trở thành xu hướng và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tìm hiểu thêm về retail therapy, những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực và cách doanh nghiệp có thể tận dụng xu hướng này để thu hút khách hàng, thúc đẩy doanh thu.
Retail therapy là gì?
Retail therapy (Liệu pháp bán lẻ) là một thuật ngữ mô tả việc mua sắm nhằm giảm áp lực, căng thẳng, mang lại cảm giác hạnh phúc và thư giãn.
Theo nhiều nghiên cứu, việc mua sắm có thể kích thích sản xuất dopamine – một loại hóa chất vừa là hoóc môn, vừa là chất dẫn truyền thần kinh trong não liên quan đến cảm giác thoải mái và hạnh phúc tạm thời. Tuy nhiên, không nên sử dụng mua sắm như một phương pháp duy nhất để giải quyết vấn đề tâm lý hay căng thẳng, vì nó chỉ là một biện pháp tạm thời và không giải quyết căng thẳng gốc rễ.
Các ảnh hưởng tích cực của retail therapy
Một số lợi ích của retail therapy tác động tích cực đối với con người, bao gồm:
Cải thiện tâm trạng: Việc mua sắm có thể tạo ra cảm giác hứng khởi, vui vẻ, thoải mái và hạnh phúc ngắn hạn. Sở hữu một sản phẩm mới có thể tăng cường niềm vui và sự hào hứng. Theo một báo cáo gần đây của nền tảng Klaviyo cho thấy hơn 60% người dân sử dụng ảnh hưởng của retail therapy để cải thiện tâm trạng của họ.
Tự thưởng bản thân: Liệu pháp bán lẻ có thể được coi là một cách để tự thưởng cho bản thân sau những cố gắng và làm việc vất vả. 18,9% người Mỹ tham gia liệu pháp bán lẻ để nâng cao tinh thần sau một ngày làm việc tồi tệ (Stylecaster). Việc mua sắm đôi khi cũng giúp cải thiện hình ảnh bản thân và tăng cường sự tự tin.
Tạo cảm giác kiểm soát: Người mua sắm có thể cảm thấy họ có quyền quyết định và kiểm soát trong việc lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ muốn mua. Một báo cáo của Tạp chí Tâm lý Người tiêu dùng năm 2014 cho biết việc chi tiêu tiêu dùng không chỉ khiến con người hạnh phúc hơn mà còn có thể giảm bớt nỗi buồn. Báo cáo này cho biết nỗi buồn thường liên quan đến việc mất kiểm soát. Nói một cách đơn giản, bằng cách đưa ra quyết định mua sắm, con người có cảm giác lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Điều này có thể tạo ra cảm giác tự tin tạm thời.
Gây kích thích cho tinh thần: Mua sắm có thể kích thích tinh thần và tạo ra cảm giác mới mẻ. Việc khám phá và chọn lựa các sản phẩm, dịch vụ mới có thể mang lại sự thích thú và sự hứng khởi. Theo Stylecaster, khi mua sắm giải tỏa căng thẳng chỉ với một giao dịch mua sắm thành công khiến 80,7% người Mỹ cảm thấy thoải mái.
Tạo cơ hội cho việc tương tác xã hội: Đôi khi, việc mua sắm có thể trở thành cơ hội để kết nối với bạn bè hoặc người thân. Việc chia sẻ và thảo luận về sở thích mua sắm có thể tạo ra một môi trường giao tiếp và tương tác xã hội tích cực.
Những nguy cơ và hậu quả của retail therapy
Việc sử dụng retail therapy không kiểm soát có thể gây ra những nguy cơ và hậu quả tiêu cực sau:
Căng thẳng tài chính: Mua sắm không kiểm soát có thể dẫn đến chi tiêu quá mức, làm suy giảm nguồn tài chính cá nhân. Nếu không quản lý tốt, nó có thể gây ra nợ nần, vấn đề về tài chính cá nhân và có thể dẫn đến áp lực tài chính.
Gây nghiện: Việc dựa vào mua sắm để giải tỏa stress có thể trở thành một thói quen gây nghiện. Người ta có thể phụ thuộc vào việc mua sắm để tạo cảm giác hạnh phúc tạm thời, gây ra một chu kỳ lặp đi lặp lại và cần ngày càng nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ mới để đáp ứng.
Vấn đề tâm lý: Nếu việc mua sắm trở thành một phần quan trọng của việc quản lý cảm xúc, nó có thể ẩn chứa các vấn đề tâm lý sâu hơn như lo lắng, trầm cảm… Ngoài ra, sau khi mua sắm, một số người có thể trải qua cảm giác hối hận khi nhận ra họ đã chi tiêu quá mức hoặc mua những đồ vật không cần thiết.
Mất kiểm soát và tự điều khiển: Việc mua sắm không kiểm soát có thể dẫn đến mất kiểm soát về quyết định, khiến bạn dần mất khả năng tự điều khiển trong việc quản lý chi tiêu cá nhân.
Doanh nghiệp có thể khai thác retail therapy như thế nào?
Doanh nghiệp có thể khai thác retail therapy thông qua nhiều cách khác nhau để thu hút và giữ chân khách hàng như:
Tạo trải nghiệm mua sắm tích cực: Xây dựng không gian mua sắm thoải mái và thân thiện, tạo trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Các phòng thử đồ, không gian trưng bày sản phẩm hay dịch vụ phụ trợ như spa, cafe, sự kiện đặc biệt,… có thể tạo ra trải nghiệm mua sắm tích cực hơn.
Tích hợp cảm xúc vào chiến lược marketing: Sử dụng các chiến lược marketing nhằm tạo kích thích cảm xúc cho khách hàng. Việc sử dụng câu chuyện (storytelling), video, hình ảnh để kể về trải nghiệm của người dùng sau khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ có thể kích thích cảm xúc và gắn kết với thương hiệu.
Cung cấp giải pháp cho nhu cầu cảm xúc của khách hàng: Hiểu và đáp ứng nhu cầu cảm xúc của khách hàng thông qua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Hãy tập trung vào việc cung cấp giải pháp cho các vấn đề cá nhân, tâm lý mà họ đang trải qua. Có thể tạo các nội dung chú trọng vào sự phát triển và thay đổi tích cực sau khi sử dụng sản phẩm. Mô tả cách sản phẩm có thể làm thay đổi cuộc sống, tăng cường sự tự tin và sự hài lòng cá nhân.
Tích hợp cảm xúc vào trải nghiệm trực tuyến: Nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến bằng cách tạo ra nội dung cảm xúc hấp dẫn, sử dụng hình ảnh và video chất lượng cao để tạo ra trải nghiệm tương tự như môi trường mua sắm trực tiếp.
Retail therapy không chỉ đơn giản là việc mua sắm, mà nó là một phần của cuộc sống hiện đại, đem lại sự thoải mái và giải tỏa tâm trí khi áp lực cuộc sống ngày càng gia tăng. Việc hiểu rõ liệu pháp bán lẻ giúp doanh nghiệp tận dụng thói quen mua sắm này để xay dựng chiến lược tiếp thị tập trung vào cảm xúc, liên kết sâu hơn với khách hàng và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Xem thêm:
Nắm bắt thói quen mua sắm của gen Z – khách hàng chủ lực trong tương lai gần
Liệu pháp bán lẻ: Cảm xúc khiến khách hàng chi tiêu nhiều hơn