Để bắt đầu hoạt động kinh doanh với mục đích lâu dài, bài bản và có định hướng phát triển mạnh mẽ thì nhất thiết bạn phải thành lập doanh nghiệp. Vì như vậy, bạn sẽ được bảo hộ về pháp luật và hưởng những ưu đãi, quyền lợi khác theo quy định của pháp luật. Vậy chính xác thì doanh nghiệp là gì? Đặc điểm nhận biết của các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay?
Doanh nghiệp là gì?
Theo khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp được định nghĩa như sau:
“Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ có những quyền lợi và đặc điểm chung như sau:
- Được thành lập, đăng ký kinh doanh và lựa chọn loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, doanh nghiệp sẽ được bảo hộ các quyền lợi liên quan đến luật pháp.
- Được tham gia các hoạt động kinh doanh như sản xuất, mua bán, cung cấp dịch vụ,… nhằm thu lợi nhuận.
- Được quyền điều hành, tham gia tổ chức, cơ cấu nhân sự,.. bên trong doanh nghiệp.
- Tạo dựng niềm tin, xây dựng uy tín đối với khách hàng và các đối tác
Đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay theo Điều 1 Luật Doanh nghiệp 2020 thì có 4 loại hình doanh nghiệp sau:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn
- Công ty cổ phần
- Công ty hợp danh
- Doanh nghiệp tư nhân
Nhưng để hiểu rõ hơn về các loại hình doanh nghiệp cũng như những dự định để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp cho hoạt động kinh doanh của bạn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khái niệm, ưu điểm và nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp dưới đây:
Công ty TNHH 1 thành viên
Đây là loại hình doanh nghiệp được thành lập bởi một tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu.
Ưu điểm:
- Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Chỉ chịu trách nhiệm về hoạt động của công ty (các khoản nợ, nghĩa vụ về tài sản,..) trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Do đó, rất ít rủi ro cho chủ sở hữu vì không phải chịu trách nhiệm vô hạn.
- Được phép phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật
- Chủ sở hữu có quyền đưa ra quyết định và quản lý toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp
Nhược điểm:
- Hạn chế huy động vốn do chỉ có 1 thành viên
- Không được phép phát hành cổ phiếu, trừ trường hợp chuyển thành công ty cổ phần
Công ty TNHH 2 thành viên trở lên
Đây là loại hình doanh nghiệp được thành lập chỉ khi có từ 2 thành viên là cá nhân hoặc tổ chức trở lên và đảm bảo số lượng thành viên không vượt quá 50.
Ưu điểm:
- Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Tương tự, các thành viên chỉ chịu trách nhiệm trong khoản số vốn được góp vào công ty
- Được phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật
- Chế độ chuyển nhượng vốn được quy định chặt chẽ. Do đó, các thành viên dễ dàng kiểm soát lẫn nhau, tránh hạn chế sự thâm nhập của người ngoài vào công ty
Nhược điểm:
- Việc huy động vốn của loại hình doanh nghiệp này cũng bị hạn chế do không được phép phát hành cổ phiếu
- Chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật hơn là các loại hình doanh nghiệp khác
Công ty cổ phần
Đây là loại hình doanh nghiệp góp vốn để trở thành cổ đông, có thể là một cá nhân hay tổ chức nhưng phải có tư lý pháp luật và việc tham gia góp vốn cũng phải tuân theo quy định của pháp luật. Khi thành lập công ty thì số cổ đông tham gia phải tối thiểu là 3 và không hạn chế số cổ đông tham gia doanh nghiệp.
Ưu điểm:
- Tương tự, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã được góp vào công ty
- Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi
- Được phép phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác. Do đó, khả năng huy động vốn rất cao
Nhược điểm:
- Cơ cấu tổ chức công ty khá phức tạp, do đó việc quản lý và điều hành công ty cũng rất khó khăn thậm chí các cô đông sẽ tranh giành nhau về quyền lợi, về lợi ích
- Bị ràng buộc chặt chẽ về các quy định của pháp luật, đặc biệt là về tài chính và kế toán
- Khi chuyển nhượng cổ phần vẫn bị áp thuế thu nhập cá nhân (dù công ty không có lãi) theo quy định chuyển nhượng chứng khoán là 0,1%
Công ty hợp danh
Đây là loại hình doanh nghiệp có ít nhất 2 thành viên hợp danh và các thành viên khác có thể tham gia góp vốn. Hơn nữa, ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể thêm thành viên góp vốn khác nhưng phải là cá nhân và có uy tín.
Ưu điểm:
- Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- Dễ dàng tạo được sự tin cậy với các đối tác, do các thành viên hợp danh đều uy tín và có trình độ
- Các thành viên chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ trong phạm vi đã góp vốn vào công ty
Nhược điểm:
- Không được phép phát hành các loại chứng khoán
- Các thành viên góp vốn không có quyền quản lý doanh nghiệp
- Thông thường chỉ áp dụng cho công ty trong lĩnh vực Luật
Doanh nghiệp tư nhân
Đây là loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ. Họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về pháp lý và tài sản của họ đối với doanh nghiệp.
Ưu điểm:
- Chủ sở hữu có quyền quyết định tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có thể sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và các nghĩa vụ khác
- Có thể thuê người khác quản lý điều hành hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh trước pháp luật
- Ít bị sự quản lý của pháp luật hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác
Nhược điểm:
- Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô thời hạn đối với doanh nghiệp và chỉ thành lập được 1 doanh nghiệp tư nhân
- Không được tham gia góp vốn, mua cổ phần ở các loại hình doanh nghiệp khác
- Chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ các loại hình doanh nghiệp khác
Như vậy, ở bài viết này bạn cũng đã hiểu rõ hơn về các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay cũng như những khái niệm, đặc trưng của từng loại hình. Hy vọng với bài viết này bạn cũng đã có cho mình những lựa chọn, dự định mới để xây dựng và phát triển mô hình doanh nghiệp của mình.