Để đảm bảo rằng các hoạt động của doanh nghiệp đang được vận hành một cách hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cũng như đối mặt với những thách thức mới trong tương lai, không thể không kể đến sự hỗ trợ của SWOT. Vậy mô hình SWOT là gì? Các yếu tố quan trọng và một số ví dụ. Cùng tìm hiểu ngay.
Mô hình SWOT là gì?
Mô hình SWOT là một chiến lược phân tích nhằm đo lường, đánh giá hiệu suất tổng thể hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đối thủ cạnh tranh một cách khách quan.
SWOT là cụm từ được viết tắt của:
- Strengths (Điểm mạnh)
- Weaknesses (Điểm yếu)
- Opportunities (Cơ hội)
- Threats (Rủi ro)
Mục tiêu chính của việc phân tích mô hình SWOT là giúp doanh nghiệp nhanh chóng đưa ra quyết định hoặc chiến lược kinh doanh mới từ những hiểu biết về:
- Những gì doanh nghiệp đang hoạt động và đang làm tốt nhất, khai thác triệt để tiềm lực doanh nghiệp;
- Những hoạt động đang cản trở công việc kinh doanh hoặc dự đoán những thiếu sót, rủi ro cần cải thiện;
- Hiểu rõ hơn về đối thủ cạnh tranh và dự báo trước những thách thức cần phải đối mặt.
Nói cách khác, việc phân tích mô hình SWOT sẽ bao gồm cả những yếu tố bên trong lẫn bên ngoài cũng như cách thức mà các yếu tố này đã và đang tác động lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp chỉ nên xem mô hình SWOT như một người bác sĩ dẫn đường chứ không phải là một phương thuốc.
Xem thêm: Mô hình PESTEL là gì? Ứng dụng mô hình PESTEL phân tích môi trường kinh doanh
Các yếu tố trong mô hình SWOT
Với mô hình SWOT, các thành phần sẽ được phân thành 2 loại như sau:
- Các yếu tố môi trường bên trong doanh nghiệp bao gồm: điểm mạnh và điểm yếu
- Các yếu tố môi trường bên ngoài doanh nghiệp bao gồm: cơ hội và rủi ro
Các yếu tố môi trường trong
*Strengths (điểm mạnh)
Điểm mạnh là những gì mà doanh nghiệp của bạn vượt trội hoặc đang làm tốt nhất so với các đối thủ cùng ngành. Ví dụ: độ nhận diện thương hiệu cao, sở hữu cộng đồng lớn khách hàng trung thành, công nghệ kỹ thuật độc quyền,…
Dưới đây chính là một số câu hỏi gợi ý giúp bạn xác định được điểm mạnh trong mô hình SWOT:
- Điều gì khiến doanh nghiệp của bạn thu hút được khách hàng?
- Các sản phẩm hay dịch vụ khách hàng có thực sự mang lại trải nghiệm khác biệt?
- Lợi thế cạnh tranh của bạn là gì?
- Bạn có đang dẫn đầu thị trường không? Nếu có, đó là nhờ những nguồn lực, yếu tố nào đang vận hành?
Hãy nhớ rằng, dù ở bất kì một khía cạnh nào, điểm mạnh chỉ được xem xét nếu nó mang lại cho doanh nghiệp một lợi thế rõ ràng (doanh thu tăng, chỉ số nhận diện cao,…) Như vậy, nếu tất cả các doanh nghiệp đều có thể cung cấp được những yếu tố đó, thì đây sẽ không được xem là điểm mạnh mà nó sẽ là “điều cần thiết” để bạn có thể cạnh tranh và giữ vững vị thế trên thị trường.
*Weaknesses (điểm yếu)
Điểm yếu là những điều đang ngăn cản một doanh nghiệp phát huy tối đa các nguồn lực hiện có. Đó có thể là những hoạt động đang cần được cải thiện như: thường xuyên đứt gãy chuỗi cung ứng, không thể tìm kiếm đối tượng khách hàng tiềm năng mới, sản phẩm lỗi thời, dịch vụ khách hàng kém,…
Dưới đây chính là một số câu hỏi gợi ý giúp bạn xác định được điểm yếu trong mô hình SWOT:
- Làm thế nào và tại sao đối thủ cạnh tranh có thể làm tốt hơn bạn? Bạn đang thiếu điều gì?
- Những sản phẩm nào đang hoạt động không tốt hoặc kém hiệu quả?
- Khách hàng đã phàn nàn những gì về bạn?
- Bạn có đang thiếu những nguồn lực nào không? Những nguồn lực nội tại mà công ty đang có nhưng chưa thể phát huy?
Trên thực tế, bạn cần nhìn nhận và đối mặt với những điểm yếu, điểm còn thiếu sót bên trong doanh nghiệp. Hãy đi thu thập ý kiến từ nhiều người, vì rất có thể những gì họ đã và đang nhìn thấy thì bạn lại không hề nhìn thấy. Chỉ khi bạn thực sự nhìn rõ ràng vấn đề, nhận ra những mấu chốt dẫn đến tình trạng như vậy, bạn sẽ có những hướng đi chính xác và an toàn hơn.
Các yếu tố môi trường ngoài
*Opportunities (cơ hội)
Cơ hội chính là những điều kiện thuận lợi bên ngoài hoặc một lợi thế, thời điểm thích hợp nào đó sắp xảy ra mà bạn cần phải nhận thấy và nắm bắt ngay. Cơ hội đều có thể dành cho bất kỳ ai, nhưng ai là người biết nắm bắt cơ hội hơn thì người đó có nhiều khả năng thành công và chiếm lợi thế cao hơn. Ví dụ: nắm bắt được tiềm năng to lớn của công nghệ AI (cụ thể là chat GPT), Microsoft đã đầu tư 10 tỷ đô vào công cụ này với mong muốn đưa Bing “soán ngôi Google” bằng chat GPT.
Dưới đây chính là một số câu hỏi gợi ý giúp bạn xác định được cơ hội trong mô hình SWOT:
- Xu hướng mới nhất hiện nay là gì?
- Có những lỗ hổng nào trong thị trường của bạn không? Bạn sẽ tận dụng những cơ hội nào để khắc phục?
- Những giá trị nào sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển?
- Bạn có thể sử dụng công nghệ mới nào?
- Bạn đã bao giờ có thêm ý nghĩ mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường nước ngoài hay chưa?
- Có một sự kiện hay triển lãm nào khiến khách hàng biết đến thương hiệu của bạn nhiều hơn?
*Threads (rủi ro)
Các mối đe dọa hay rủi ro bao gồm những tác động có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp từ bên ngoài, khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái tiêu cực. Do đó, việc xác định trước rủi ro sẽ giúp bạn giảm thiểu và ngăn chặn những vấn đề lớn hơn trong tương lai. Ví dụ: một vài tin đồn xấu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, nhận biết được chúng sớm, bạn sẽ có những biện pháp ngăn chặn tin đồn này càng nhanh càng tốt.
Dưới đây chính là một số câu hỏi gợi ý giúp bạn xác định được rủi ro trong mô hình SWOT:
- Doanh nghiệp của bạn đang phải đối mặt với những thách thức nào trong tương lai và những rủi ro của chúng là gì? (chuyển đổi mô hình công nghệ hay mở rộng tài chính,…)
- Đối thủ cạnh tranh đang làm gì? Có ảnh hưởng đến vị thế của bạn trong tương lai hay không?
- Xu hướng tiêu dùng có đang dần thay đổi? Người tiêu dùng đang dần quan tâm đến điều gì?
- Sự ra đời của các ngành hàng mới, sản phẩm thay thế có tác động gì đến bạn không?
Các ví dụ ứng dụng mô hình SWOT hiệu quả trong kinh doanh
Dưới đây là một số ví dụ giúp bạn hình dung cách mà doanh nghiệp sẽ lên chiến lược cũng như phân tích mô hình này:
Ví dụ 1: Value Line phân tích về đối thủ là Coca – Cola vào năm 2015
- Điểm mạnh: sở hữu thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, mạng lưới phân phối rộng lớn, giá cả hợp lý
- Điểm yếu: người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề sức khoẻ và sự canh tranh từ các nhà cung cấp sản phẩm đồ uống liên quan đến sức khoẻ
- Cơ hội: mở rộng và phát triển tại các thị trường mới nổi, quốc gia đang phát triển
- Rủi ro: biến động ngoại tệ ở các quốc gia, tỷ lệ các sản phẩm thay thế ngày càng tăng
Ví dụ 2: Phân tích SWOT của Home Depot
- Điểm mạnh: độ nhận diện thương hiệu cao, dịch vụ khách hàng chất lượng, có mối quan hệ tích cực với các nhà cung cấp thiết bị
- Điểm yếu: chuỗi cung ứng hạn chế và thường xuyên bị đứt gãy, phụ thuộc khá nhiều vào thị trường chủ chốt là Hoa Kỳ, mô hình kinh doanh đơn giản dễ dàng bị sao chép, áp dụng thương mại điện tử muộn
- Cơ hội: mở rộng các mối quan hệ với các đối tác khác, cơ hội bán hàng trực tuyến, đa dạng hóa dịch vụ
- Thách thức: các sản phẩm thay thế ngày càng nhiều, sự xuất hiện của các đối thủ tiềm năng mới
Với phân tích mô hình SWOT, buộc bạn phải xem xét hoạt động kinh doanh của mình một cách tổng thể theo những tiêu chí về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro. Chính sự phân tích này sẽ giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng về tinh thần và cả nguồn lực để đối mặt với những thách thức, rủi ro tiềm tàng trong thị trường bên cạnh việc phát huy và khai thác những thế mạnh sẵn có của doanh nghiệp.
Xem thêm:
Mô hình marketing là gì ? Top 5 loại mô hình marketing phổ biến
Marketing mix: Khái niệm và 3 mô hình marketing mix phổ biến