Trong thị trường kinh doanh biến đổi liên tục và ngày càng cạnh tranh, mô hình Agile không chỉ là một phương pháp quản lý dự án, mà còn là một trợ thủ đắc lực giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu suất và linh hoạt, tăng khả năng cạnh tranh. Tìm hiểu thêm về mô hình Agile Project Management ngay trong bài viết này.
Mô hình Agile là gì?
Agile Project Management là một phương pháp quản lý dự án linh hoạt, tập trung vào việc chia nhỏ dự án thành các giai đoạn nhỏ để sản phẩm được phát triển một cách linh hoạt và có thể kịp thời điều chỉnh. Phương pháp này đặt sự tập trung lớn vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng thông qua việc cung cấp các phiên bản sản phẩm định kỳ và thu thập phản hồi từ người dùng để cải thiện liên tục.
Các điểm đặc trưng của mô hình quản lý dự án bao gồm:
- Phân chia dự án thành các phần nhỏ hơn, linh hoạt và có thể điều chỉnh.
- Phát triển sản phẩm dựa trên ưu tiên của khách hàng và phản hồi liên tục từ người dùng.
- Các quyết định được đưa ra dựa trên thông tin và tương tác thường xuyên giữa các thành viên trong nhóm.
- Sự linh hoạt để thay đổi yêu cầu và kế hoạch khi cần thiết trong suốt quá trình phát triển.
- Tính tương tác và cộng tác cao giữa các thành viên trong nhóm và với khách hàng.
Lợi ích của mô hình Agile
Mô hình Agile mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức như:
- Tăng cường thành công và sự phát triển: Mô hình Agile giúp tổ chức thích ứng nhanh chóng với thay đổi và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng một cách linh hoạt. Theo Zippia, có 71% công ty đang triển khai phương pháp Agile và có 98% công ty trở nên thành công hơn nhờ phương pháp này.
- Tăng năng suất: Các tổ chức áp dụng quy trình Agile thường thấy năng suất làm việc tăng lên đáng kể. Theo một nghiên cứu toàn cầu, các doanh nghiệp áp dụng phương pháp Agile Project Management có thể kỳ vọng sẽ giảm được 20-30% thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, năng suất tăng trung bình 25% và giảm 60% lỗi sản phẩm.
- Tăng doanh thu và lợi nhuận: Một cuộc khảo sát toàn cầu gần đây do CA Technologies thực hiện đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các công ty áp dụng và tận dụng mô hình Agile cao hơn 60% so với các công ty khác trong cùng lĩnh vực.
- Nâng cao sự hài lòng của khách hàng và gắn kết của nhân viên: Nghiên cứu của McKinsey và Co. cho thấy 93% tổ chức sử dụng Agile báo cáo mức độ hài lòng của khách hàng tốt hơn, 76% báo cáo sự gắn kết của nhân viên tốt hơn và 93% báo cáo hiệu suất hoạt động tốt hơn.
Các nguyên tắc mô hình Agile Project Management
Mô hình Agile Project Management bao gồm 12 nguyên tắc sau:
- Tập trung vào nhu cầu của khách hàng và thị trường mục tiêu.
- Chấp nhận thay đổi và sẵn lòng thích ứng để tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm hoặc dịch vụ.
- Phát triển sản phẩm thường xuyên.
- Đảm bảo sự liên kết giữa các bộ phận để đạt được sự phù hợp giữa sản phẩm và đối tượng mục tiêu.
- Tạo môi trường hỗ trợ để các thành viên trong nhóm có thể phát triển và hoạt động hiệu quả.
- Thúc đẩy giao tiếp trực tiếp và phản hồi thường xuyên.
- Sử dụng phiên bản đang hoạt động để đánh giá tiến độ và điều chỉnh kế hoạch nếu cần.
- Đảm bảo sự tiến triển liên tục và bền vững trong dự án.
- Tập trung vào thiết kế và triển khai sản phẩm với chất lượng cao.
- Tạo ra sản phẩm cơ bản nhất có thể để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tránh lãng phí.
- Tạo điều kiện cho các nhóm tự tổ chức và tự quản lý.
- Liên tục đánh giá và cải thiện quá trình làm việc của dự án.
Cách triển khai mô hình Agile Project Management thành công
Quản lý dự án Agile từ đầu đến cuối bao gồm năm giai đoạn riêng biệt, mỗi giai đoạn tương ứng với các bước và hoạt động cụ thể như sau:
Giai đoạn hình dung hoặc khởi đầu:
- Xác định nhu cầu của khách hàng và mục tiêu kinh doanh.
- Phác thảo các kết quả mong muốn và xác định các bên liên quan.
- Phân công vai trò trong nhóm dự án.
Giai đoạn đầu cơ hoặc lập kế hoạch:
- Chia dự án thành các cột mốc quan trọng và thiết lập các mốc thời gian.
- Hiểu biết chung về yêu cầu chức năng của dự án.
- Ưu tiên các tính năng và ước tính thời gian cần thiết cho việc phát triển chúng.
- Tạo kế hoạch thực hiện linh hoạt để thích ứng với thay đổi.
Giai đoạn thăm dò:
- Tìm kiếm các cách giải quyết yêu cầu dự án và đảm bảo tuân thủ thời gian và ngân sách.
- Lựa chọn giải pháp tốt nhất và thêm vào kế hoạch lặp lại để phát triển và thử nghiệm.
- Thăm dò song song với giai đoạn thích ứng để xem xét phản hồi của khách hàng và học hỏi từ kinh nghiệm trước đó.
Giai đoạn thích ứng:
- Xem xét kết quả từ các lần lặp trước, đánh giá tình hình hiện tại và thu thập phản hồi từ khách hàng.
- Kiểm tra hiệu suất so với kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch và cách tiếp cận nếu cần thiết.
- Thực hiện tất cả các thay đổi cần thiết và yêu cầu mới.
Giai đoạn kết thúc:
- Đảm bảo dự án hoàn thành và đáp ứng tất cả các yêu cầu.
- Thảo luận về các sai sót và cải thiện có thể áp dụng trong tương lai.
- Rút ra bài học từ dự án để áp dụng cho các dự án tương lai.
Ví dụ ứng dụng Agile Project Management thành công
VistaPrint là công ty tiếp thị dành cho các doanh nghiệp nhỏ. VistaPrint đã ứng dụng Agile Project Management thành công trong việc cải thiện hiệu suất và tối ưu hóa quy trình làm việc.
- Phân tích vấn đề: VistaPrint đã nhận ra rằng quy trình làm việc hiện tại của họ mất hơn 60 ngày để chuyển từ ý tưởng sang sản phẩm cuối cùng. Thời gian thực hiện kéo dài, và quyết định không rõ ràng đã dẫn đến công việc không hiệu quả.
- Áp dụng Agile Project Management: VistaPrint quyết định chuyển sang mô hình Agile Project Management để giảm thiểu thời gian thực hiện dự án. Họ lên các hoạt động dự kiến hàng ngày và xem xét lên quy trình ý tưởng sau đó.
- Kết quả: Bằng cách tối ưu hóa quy trình và áp dụng các nguyên tắc Agile Project Management, VistaPrint đã giảm thời gian thực hiện dự án xuống còn 15 ngày so với trước đây là 45-60 ngày. Điều này không chỉ giúp công ty tiết kiệm thời gian mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh và linh hoạt của họ trong thị trường.
Tiếp cận quản lý dự án theo mô hình Agile đã thay đổi hoàn toàn về cách thức làm việc và tư duy trong quản lý dự án. Áp dụng mô hình Agile Project Management giúp doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt và sáng tạo, giúp các nhóm dự án có thể đối mặt với các thách thức và thay đổi một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Xem thêm:
Thay đổi để thành công: Chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp (BPR)
Mô hình quản trị TQM là gì? Quy trình ứng dụng mô hình TQM vào doanh nghiệp