Vấn đề 1: Bạn không lên lịch đăng bài thống nhất
Những nội dung đăng tải lên blog phải là món quà chắt lọc từ trí tuệ được bạn chuẩn bị kỹ càng gửi tới người đọc. Họ sẽ luôn hy vọng rằng mỗi lần vào blog của bạn lại được thưởng thức các bài đăng chất lượng và hữu ích. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn thất bại trong việc duy trì nguồn nội dung đồng nhất và đăng bài thường xuyên, người đọc sẽ cảm thấy thất vọng và cân nhắc cho khả năng quay lại vào lần kế tiếp.
Dấu hiệu cảnh báo: Bạn nên chú ý nếu gặp tình trạng như sau:
- Thiếu tính kỷ luật: Bạn chưa thiết lập một lịch viết và đăng bài thường xuyên hoặc ghi lại những công việc cần thiết để xây dựng nội dung thống nhất.
- Thiếu nguồn: Bạn cần đến nhiều người viết hay nhiều ý tưởng sáng tạo hơn nữa. Hoặc rất có thể bạn đang chưa có khả năng biến ý tưởng thành hiện thực.
Những giải pháp khả thi:
- Thiết lập lịch đăng bài: Duy trì một lịch đăng bài bao gồm những chủ đề cần thiết sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu trước mắt và khiến việc sáng tạo nội dung luôn song hành cùng các mục tiêu marketing.
- Brainstorming tìm ý tưởng: Brainstorming được coi là một cách thức đơn giản để tìm kiếm ý tưởng cho chiến lược Content Marketing của bạn. Bất cứ những ý tưởng nào, đến từ bất cứ ai trong nhóm đều được ghi lại, hoàn thiện và phát triển thêm.
- Tăng năng suất: Càng có nhiều thứ phải làm, bạn càng có xu hướng trở nên quá tải và nhanh chóng chán nản, dẫn đến giảm hiệu quả công việc. Lúc này, bạn cần phải quản lý thời gian hiệu quả và tập trung hết sức vào công việc trong một khoảng thời gian nhất định.
- Nhờ đến sự trợ giúp: Lãnh đạo, thành viên cùng nhóm hay thậm chí những đồng nghiệp ngoài phòng Marketing đều có thể trở thành nguồn động lực tăng ý tưởng sáng tạo nội dung cho bạn.
Vấn đề 2: Nội dung blog không đặc trưng
Muốn những nội dung được đăng tải trên blog của bạn vượt xa khỏi các đối thủ cạnh tranh về tầm ảnh hưởng, bạn cần phải cung cấp những giá trị khác biệt: nguồn thông tin mà người đọc không thể tìm thấy ở bất cứ đâu, hướng đến một phân khúc khách hàng chưa có người khai thác hay cam kết chất lượng tốt nhất đến từ thương hiệu của bạn.
Dấu hiệu cảnh báo: Nếu bạn không cho người đọc một lý do cần thiết để tìm đọc blog của bạn, họ sẽ dễ dàng tìm đến những nguồn khác và blog lúc này sẽ không phát huy tối đa tiềm năng marketing. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy nội dung của bạn đang không hấp dẫn được người đọc:
- Bạn không biết cách khiến thương hiệu trở nên đặc biệt. Bạn cần trả lời câu hỏi: “Thương hiệu của mình khác gì so với những đối thủ cạnh tranh?”. Từ điểm khác biệt này, bạn có thể tạo ra những nội dung đặc trưng với một phong cách riêng, một “giọng” riêng hay một cách thức tương tác chỉ bạn mới có.
- Bạn đang nhắm đến mục tiêu quá rộng. Nếu nội dung của bạn có ý nghĩa với tất cả mọi người, nó sẽ không còn thực sự quan trọng đối với riêng một ai.
Những giải pháp khả thi:
- Làm tốt công việc biên tập. Điều này sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời cho việc xác định phong cách viết bài và những giá trị mà blog cung cấp tới người đọc.
- Tìm “ngách” mới: Nếu bạn không tin bạn có thể là nhà cung cấp thông tin hàng đầu trong thị trường ngách, bạn sẽ không nỗ lực hết sức để tạo ra những nội dung thật chất lượng cho blog và các công cụ truyền thông khác. Hãy thử là một người đi tiên phong: tìm một thị trường mới đầy thử thách để đặt những bước chân đầu tiên chinh phục khách hàng thật thuyết phục.
- Tiếp cận một cách sáng tạo. Đôi khi, sức mạnh của blog không nằm ở việc bạn nói điều gì mà là bạn nói điều đó như thế nào. Đừng quên tìm kiếm cơ hội để đưa người đọc blog tới một con đường bất ngờ, tiếp cận các chủ đề từ góc độ độc đáo hay khám phá các lợi ích đặc biệt mà khách hàng có thể có được nếu tiêu dùng sản phẩm từ thương hiệu của bạn.
Vấn đề 3: Blog không hướng tới khách hàng và nhu cầu của họ
Dấu hiệu cảnh báo: Bạn đã bao giờ gặp một người mà anh ta luôn luôn chỉ nói về bản thân và không hề biểu lộ một chút quan tâm nào tới những người mà anh ta đang trò chuyện cùng? Nếu thương hiệu của bạn là “anh chàng” đó, người đọc sẽ dần cảm thấy mệt mỏi với việc lắng nghe bạn nói về chính mình và tìm cách thoát khỏi cuộc trò chuyện nhàm chán này.
Những giải pháp khả thi:
- Làm nổi bật việc khách hàng có thể đóng góp cho thương hiệu như thế nào và ghi nhận công sức của họ. Đừng chỉ nói rằng bạn quan tâm đến độc giả, hãy chứng minh rằng bạn đánh giá cao sự tham gia và phản hồi của họ bằng cách trả lời ý kiến, tạo cơ hội để họ để đóng góp ý kiến, và có thể trao thưởng cho những người giúp bạn lan tỏa thương hiệu.
- Chứng minh sự thấu hiểu nhu cầu khách hàng bằng việc nêu các “điểm đau” và cách giải quyết.Tạo nội dung có giá trị hữu hình như lời khuyên, templates (các mẫu có sẵn) và bộ công cụ; trả lời câu hỏi của khách hàng hay cung cấp các giải pháp thực tế để giải quyết công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn sẽ giúp thương hiệu đứng đầu trong tâm trí người dùng.
Vấn đề 4: Nội dung có tuổi thọ thấp và lượt tiếp cận hạn chế
Nội dung có thể là một món quà của sự cho đi dành cho thương hiệu của bạn cũng như những khách hàng yêu thích nó. Nội dung tốt – thương hiệu được quảng bá rộng rãi. Nội dung tốt – khách hàng tìm thấy cách giải quyết cho những vấn đề mà họ đang vướng mắc. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, bạn cần biết cách tạo giá trị từ những mảnh ghép nội dung dù là nhỏ nhất và truyền tải trọn vẹn tới người đọc.
Dấu hiệu cảnh báo: Có 1 số lý do khiến cho nội dung blog của bạn đang bị hạn chế thay vì lan tỏa:
- Nội dung không bắt kịp xu hướng. Xu hướng là thứ rất dễ dàng để cuốn độc giả đi theo những nội dung bạn đăng tải. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng xu hướng thường không tồn tại lâu. Chính vì thế, bạn cần tận dụng xu hướng thật nhanh, biến hóa khéo léo sao cho phù hợp với sản phẩm.
- Bạn chưa tạo động lực chia sẻ ở khách hàng: Nếu việc chia sẻ nội dung blog đang khiến khách hàng cảm thấy khó khăn và chưa có đủ động lực để làm, sẽ thật khó để nội dung của bạn nâng tầm ảnh hưởng.
- Không tiếp tục đăng bài: Chiến lược nội dung không dành cho những người lười, chỉ tạo ra mà không duy trì nó. Trước, trong và sau chiến dịch nội dung đều đòi hỏi bạn cần phải dành nhiều thời gian và công sức mới có thể đi đến thành công.
Những giải pháp khả thi:
- Làm mới những bài đăng cũ: Để tận dụng tối đa nguồn nội dung, bạn nên kéo dài “vòng đời” của nó bằng cách làm mới lại những nội dung đã đăng tải từ lâu. Hãy thử cập nhật chúng với các lời khuyên mới, liên kết đến những nguồn thông tin mới hay thêm những công cụ trực quan như infographic hoặc video. Sau đó, đăng bài lại một lần nữa, đảm bảo rằng nó có giá trị mới với người đọc và không quên đính kèm link bài đăng gốc.
- Kích hoạt chia sẻ: Làm nổi bật nút “Chia sẻ”, đưa ra những câu hỏi mở để người đọc để lại bình luận và thiết lập CTA tại blog sẽ khích lệ người đọc chia sẻ nội dung theo cách mà bạn định sẵn.
- Quảng bá nội dung: Mạng xã hội và Email Marketing là 2 kênh quan trọng bạn không thể bỏ qua để lan tỏa thông tin trên blog. Bạn có thể sẽ cần tới những công cụ quảng cáo trên các kênh này để đẩy mạnh sức ảnh hưởng của blog.
Vấn đề 5: Bạn không sử dụng blog để thu hút người đăng ký theo dõi
Hãy đối mặt với thực tế: Một blog được chứng minh là hiệu quả khi nó giúp bạn đạt được những mục tiêu kinh doanh. Tăng lượt đăng ký theo dõi blog là bước quan trọng nhằm xác định lượt khách hàng trung thành và sẵn sàng cam kết với thương hiệu.
Dấu hiệu cảnh báo: Tại sao blog của bạn lại không thu hút lượt đăng ký theo dõi? Có thể nội dung của bạn đang vướng phải những chiếc bẫy sau đây:
- Bạn không hướng người đọc tới đúng nơi. Kéo khách hàng truy cập vào blog vốn đã không đơn giản, vậy tại sao bạn lại để họ đi lang thang khi họ đã tới cửa nhà bạn? Hãy khiến cho việc đăng ký theo dõi blog trở nên trực quan.
- Không đủ thuyết phục. Đôi lúc người đọc sẽ cần đến một chút thuyết phục để họ xác định rằng nội dung của bạn đáng giá đối với họ.
Những giải pháp khả thi:
- Kèm CTA để người đọc biết họ phải làm gì tiếp theo. Hãy khiến việc bạn muốn người đọc làm trở nên thật rõ ràng và nhấn mạnh vào những lợi ích họ sẽ nhận được.
- Khuyến khích hành động. Hãy tạo cho những người đăng ký theo dõi một số quyền lợi nhất định như quyền truy cập các nội dung đặc biệt hay giảm giá có hạn.
- Đa dạng hóa cách tiếp cận: Người đọc có thể không muốn nghe bạn nói hàng ngày, nhưng không có nghĩa là họ không muốn nhận được tin nhắn hàng tháng hay nghe về những ưu đãi đặc biệt. Bằng cách tương tác linh hoạt và cho người đọc quyền lựa chọn, bạn sẽ khiến khách hàng trở nên thoải mái hơn, hài lòng hơn và đem lại lợi nhuận cao hơn.
Tạm kết
Không khó để xây dựng blog nhưng làm sao để có được một blog hiệu quả lại không phải là việc dễ dàng. Những bí kíp trên đây sẽ khiến bạn một phần trong việc sử dụng blog như là một công cụ chinh phục khách hàng tối ưu và chứng minh rằng: Nội dung luôn là Vua!
Theo Contentmarketinginstitute
Bài liên quan: Cách hữu hiệu để chuyển đổi người xem blog thành khách hàng