Nếu bạn đang tìm hiểu về tổng đài ảo, chắc hẳn bạn sẽ thường xuyên bắt gặp các thuật ngữ như SIP Trunk (hay SIP Trunking) và VoIP. Nhiều bài viết sử dụng SIP Trunk và VoIP thay thế lẫn nhau, dẫn đến người đọc dễ hiểu nhầm hai thuật ngữ này là một. Trên thực tế, SIP Trunk và VoIP quả thực có mối liên hệ đặc biệt nhưng vẫn tồn tại nhiều điểm khác biệt. Do đó, bài viết này sẽ giúp bạn dễ dàng phân biệt hai thuật ngữ này.
SIP Trunk là gì?
SIP là viết tắt của Session Initiation Protocol, nghĩa là giao thức khởi tạo phiên. Đây là một giao thức chứa hệ thống các quy tắc kỹ thuật, giúp các thiết bị giao tiếp hay liên lạc với nhau. Nói cách khác, SIP là giao thức giúp khởi tạo và kết thúc một phiên liên lạc.
Trunk là một đường dây hoặc một liên kết có thể mang nhiều tín hiệu cùng lúc, nhằm kết nối các thành phần trong một hệ thống truyền thông.
Ghép lại với nhau, SIP Trunk (hay SIP Trunking) là dịch vụ đường dây trung kế thoại dùng giao thức SIP (Session Initiation Protocol), được cung cấp bằng việc dùng kênh truyền để kết nối đầu số tổng đài với tổng đài IP PBX (có hỗ trợ giao thức SIP).
VoIP là gì?
VoIP là viết tắt của Voice Over Internet Protocol, nghĩa là âm thanh truyền qua internet. VoIP là một công nghệ chuyển đổi giọng nói thành tín hiệu kỹ thuật số có thể được truyền qua các gói dữ liệu kỹ thuật số internet.
Nhờ đó, dịch vụ VoIP cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi từ các thiết bị có khả năng kết nối internet như điện thoại bàn, desktop, laptop, smartphone…
Mối liên hệ giữa SIP Trunk và VoIP
SIP là giao thức cho phép VoIP hoạt động.
Bạn có thể hình dung mối quan hệ giữa SIP Trunk và VoIP giống như mối quan hệ giữa HTML và Website. Website tập hợp các trang có thể truy cập bằng trình duyệt Web, còn HTML là ngôn ngữ dùng để xây dựng Website. Nếu không dùng HTML, Website vẫn có thể được xây dựng bởi các ngôn ngữ lập trình khác như Java, Python, C++…
Tương tự, để hoạt động, VoIP có thể sử dụng giao thức SIP hoặc các giao thức khác như PRI, H.323, RTP (Real-time Transport Protocol), MGCP (Media Gateway Control Protocol)…
Phân biệt SIP Trunk và VoIP
Hiện nay, SIP là giao thức được sử dụng khá phổ biến trong dịch vụ VoIP do đây là tiêu chuẩn công nghiệp.
Do đó, nhiều người lầm tưởng Sip Trunk và VoIP là một, nên thường sử dụng các thuật ngữ thay thế nhau như tổng đài VoIP – tổng đài SIP Trunk, mobile SIP Trunk hay SIP phone – VoIP phone, dịch vụ SIP Trunk – dịch vụ VoIP… Thực tế, các thuật ngữ này sẽ có nghĩa tương tự nhau nếu dịch vụ VoIP sử dụng giao thức SIP.
Tuy nhiên, SIP Trunk và VoIP vẫn có một số điểm khác nhau nhất định:
Giới hạn truyền dữ liệu
Trung kế SIP Trunk có khả năng truyền các gói dữ liệu đa phương tiện qua internet như giọng nói, văn bản, video. Trong khi đó, VoIP chỉ truyền giọng nói. Do đó, nếu doanh nghiệp chỉ dùng dịch vụ VoIP để nghe-gọi thì có thể cân nhắc sử dụng giao thức khác SIP để tiết kiệm chi phí hay cơ sở dữ liệu.
Phương tiện truyền tải thông tin
Cả SIP Trunk và VoIP đều sử dụng công nghệ chuyển mạch gói. Tuy nhiên, các cuộc gọi VoIP chỉ có thể truyền tải qua internet hoặc mạng nội bộ riêng. Trong khi đó, SIP Trunk có thể truyền gói dữ liệu qua bất kỳ mạng nào như internet, ISDN (mạng điện thoại vật lý) hay VPN.
Sự khác biệt này là do VoIP khi hoạt động trên các thiết bị yêu cầu phần mềm hoặc kết nối của dịch vụ VoIP trong khi các thiết bị SIP có thể hoạt động riêng biệt.
Vai trò trong một hệ thống tổng đài
Trung kế SIP Trunk là một phần của nhà mạng, được lưu trữ trong tổng đài điện thoại mà bạn sẽ có trong tòa nhà của mình và trên thiết bị của nhà cung cấp mạng. Do đó, khi dùng SIP Trunk, bạn có thể kết nối trực tiếp với nhà mạng để thêm lớp bảo mật khi xử lý dữ liệu.
Trong khi đó, các cuộc gọi VoIP đều được điều khiển từ một vị trí trung tâm, bởi một nhà cung cấp riêng biệt kiểm soát lưu lượng. Điều này có thể dẫn đến rủi ro tiềm ẩn trong vấn đề bảo mật dữ liệu.
Như vậy, việc so sánh SIP Trunk và VoIP thực sự không có nhiều tác dụng. Điều doanh nghiệp nên quan tâm là có nên sử dụng giao thức SIP khi dùng dịch vụ VoIP hay không. Nếu như bạn chỉ muốn liên lạc thông qua giọng nói thì có thể sẽ không cần dùng SIP để tiết kiệm chi phí lắp đặt và vận hành.