#1: Kể một câu chuyện hay
Mọi người luôn ưa thích các câu chuyện, đó là lý do tại sao chúng ta nên kể chuyện cho khách hàng. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bài viết đang dở dang trên bàn phím có vẻ nhàm chán hoặc chìm đắm trong những sự thực ai cũng biết, hãy thêm vào đó một chuyện kể hấp dẫn có liên quan.
Hãy tạo ra một câu chuyện vừa có tính giải trí lại vừa phục vụ mục tiêu bài viết. Nhớ đó, bạn sẽ giữ chân người đọc ở lại lâu hơn. Trong một bài blog trên trang Be a Better Blogger, Kevin Duncan đưa ra ví dụ về việc 1 câu chuyện có thể thu hút sự chú ý đến mức nào. Kevin giải thích: “Khi được sử dụng đúng lúc đúng chỗ, các câu chuyện kể có thể thu hút sự chú ý của độc giả nhanh chóng và khiến họ đặt bước chân đầu tiên trên con đường khám phá toàn bộ các bài viết. Bạn không nên làm việc này quá thường xuyên. Với “liều lượng” phù hợp, các câu chuyện kể sẽ trở thành người bạn tốt nhất của blogger và thổi hồn khiến nội dung lôi cuốn tuyệt đối với người đọc”.
#2: Khơi dậy sự phản hồi về mặt cảm xúc
Jonah Berger – tác giả của cuốn sách Contagious, đã nghiên cứu về những nhân tố phổ biến trong các bài viết được chia sẻ rộng rãi nhất trên mạng xã hội. Khi trình bày chi tiết trong bài báo về Hành trình Nghiên cứu Marketing, ông đã phân tích khoảng 7000 bài báo từ The New York Times. Cùng với việc nhận thấy rằng những tin tốt được chia sẻ nhiều hơn hẳn so với các tin xấu, Jonah đồng thời khám phá ra những sự thực thú vị. Các câu chuyện khơi dậy được sự hồi đáp về cảm xúc, thậm chí là những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, muộn phiền hay lo lắng có xu hướng được chia sẻ hơn các nội dung trung tính và không đem lại bất cứ trạng thái nào cho người đọc.
Khơi gợi cảm xúc nơi người đọc là một phần quan trọng tạo nên nội dung lôi cuốn. Để làm được điều này, hãy:
- Sử dụng từ ngữ có khả năng tác động tới cảm xúc
- Kể các câu chuyện với mục đích khiến người đọc phản hồi theo hướng nhất định
- Định hình được tông giọng phù hợp của bài viết để khớp với dạng cảm xúc bạn muốn truyền tải.
Kết quả, nội dung mang tính cá nhân hơn mà còn kích thích chia sẻ nhiều hơn, theo như nghiên cứu của Berger.
#3: Dùng câu hỏi tu từ
Các câu hỏi tu từ khiến người đọc tự suy nghĩ và đặt mình trong mối cảnh của câu hỏi đó ngay tại khoảnh khắc đọc bài hơn là chỉ tiếp nhận thông tin đơn thuần.
Đối với các câu hỏi tu từ, hãy chú ý sử dụng một cách vừa phải, ít nhưng có hiệu quả. Dùng quá nhiều câu hỏi tu từ trong bài viết có thể khiến người đọc cảm thấy bực bội bởi họ không nhận được bất cứ câu trả lời nào hoặc họ sẽ cảm thấy như bị tra khảo bởi hàng đống câu hỏi liên tiếp.
Printwand.com, một website giúp đỡ các marketer về copywriting cho rằng: trong viết lách, hội thoại chỉ mang tính một chiều bởi người đọc không có cơ hội hồi đáp. Do đó, các câu hỏi tu từ sinh ra với một mục đích chính là khiến độc giả suy nghĩ về thông điệp của thương hiệu và thuyết phục họ hành động.
Các câu hỏi đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp bằng lời nói hàng ngày của chúng ta. Mặc dù viết lách chỉ là giao tiếp 1 chiều, bạn vẫn cần thu hút độc giả trong các bài viết. Trong trường hợp bạn băn khoăn không biết có sử dụng quá nhiều câu hỏi tu từ hay không, hãy làm theo một cách an toàn: không có nhiều hơn 2 câu hỏi tu từ tính trên mỗi 500 từ (bạn nên phân tán chúng). Nắm chắc mức độ sử dụng này, các câu hỏi tu từ sẽ trở nên công cụ đắc lực trong tay người viết.
#4: Nghĩ về định dạng
Sử dụng tốt giãn dòng giữa các đoạn, bôi đen ở những ý quan trọng, phông chữ in nghiêng khi cần thiết và các công cụ khác như đánh đề mục hay đánh số có thể giúp cho nội dung bài viết thân thiện với mắt người đọc hơn, khiến họ cảm thấy thứ họ đang đọc thú vị hơn hẳn dù cho ngôn từ không có gì thay đổi.
Thông thường, bạn không nên viết đoạn văn dài quá 7 dòng bởi đây là số lượng dòng vừa đủ trước khi người đọc cảm thấy mệt mỏi với quá nhiều chữ dàn trải trên trang. Sử dụng cách viết in nghiêng để nhấn mạnh từ chìa khóa, đặc biệt là khi phải đưa ra sự khác biệt giữa 2 từ. Tương tự, in đậm từ quan trọng là một cách hữu hiệu để khiến người đọc chú ý và nhớ in đậm tiêu đề/ tiêu đề phụ.
Cuối cùng, hãy tận dụng các dấu câu, ký tự đặc biệt hay biểu tượng cảm xúc để khiến nội dung lôi cuốn và truyền tải ý nghĩa tốt hơn. Dấu gạch ngang và dấu ngoặc đơn là một cách tốt để bổ sung thêm thông tin (mặc dù về mặt cảm quan, dấu ngoặc đơn tạo cảm giác đó chỉ là thông tin ngoài lề, không mấy cần thiết). Dấu gạch ngang bắt mắt hơn do đặt các thông tin quan trọng vào trung tâm.
Chú ý rằng, nếu bạn cần chọn 1 loại định dạng duy nhất cho mỗi bài blog, đó nên là sử dụng tiêu đề phụ. Các tùy chọn về định dạng cho phép bạn tự do trong việc nội dung nhìn ra sao và trôi chảy đến mức nào khi đọc, do đó hãy lựa chọn một cách khôn ngoan.
#5: Mở rộng vốn từ
Bạn không cần phải trở thành bậc thầy về từ ngữ mới có thể tạo ra những bài viết xuất sắc, tuy nhiên, hãy nâng cấp vốn từ lên tới một mức mà bạn có thể lựa chọn các từ vượt xa khỏi những từ ngữ thông thường mà mọi người vẫn nghe mỗi ngày. Đó là một cách tốt để khiến nội dung lôi cuốn, có tính cá nhân hóa và hiện lên có tính cách thuyết phục người dùng hơn. Nếu như “ngấu nghiến” một cuốn từ điển cỡ bự không phải là ý hay về mặt thời gian, bạn có thể đơn giản là lên mạng và tìm kiếm các từ đồng nghĩa và sau đó lựa chọn từ gây hứng thú hơn cả.
Tuy nhiên, nguyên tắc “bất di bất dịch” là: Đừng bao giờ sử dụng quá nhiều từ khó hiểu. Bài viết của bạn khi đó sẽ chỉ nhằm phục vụ mục đích duy nhất là thể hiện khả năng ngôn ngữ của tác giả mà không phục vụ người đọc, khiến người đọc cảm thấy dễ hiểu, dễ tiếp thu. Điểm quan trọng ở đây là sản phẩm cuối cùng phải tương thích với kỳ vọng về mức độ chuyên sâu của bài viết của khách hàng mục tiêu.
#6: Chủ đề gây hứng thú với bạn
Bạn có thể kỳ vọng độc giả cảm thấy thích thú với những gì bạn viết nếu như bạn không hề cảm thấy hào hứng trong việc viết nó? Nội dung lôi cuốn phải đến từ chủ đề gây hứng thú với chính bản thân tác giả. Trong trường hợp bạn cảm thấy chủ đề khô khan và nhàm chán, hãy nghiên cứu cho đến khi bạn tìm được yếu tố khiến chủ đề đủ sức hấp dẫn với người đọc.
The Oxford Royale Academy gợi ý rằng hãy tìm những người mà bạn biết chắc rằng sẽ vô cùng đam mê chủ đề bạn viết với mục tiêu sự hào hứng quan tâm của họ sẽ “lây lan” tới những người xung quanh. Hãy chắc chắn rằng bạn có hứng thú và hiểu được tầm quan trọng của chủ đề trước khi ngồi xuống trước bàn phím để bắt tay vào viết lách. Kết quả của bài viết tác động lên người đọc chính là thứ phản ánh rõ nhất nỗ lực làm việc của bạn.
#7: Đọc các nội dung từ nhiều nguồn
Khiến nội dung của bạn có phong cách riêng không nhất thiết là phải đem vào đó tính cách của tác giả. Bằng cách đọc những nội dung lôi cuốn, mang tính chất giải trí kể cả là giả tưởng hay thực tế, bạn sẽ sớm nhận ra phong cách viết của bạn được gây cảm hứng từ các phong cách và tông giọng khác nhau.
Nếu bạn đặt toàn tâm toàn ý vào công việc để biến những nội dung “thường thường bậc trung” trở nên hấp dẫn, hãy đăng ký đặt mua dài hạn một vài cuốn tạp chí, đọc xuyên suốt một quyển tiểu thuyết và nhấn “Theo dõi” những trang blog đăng tải các bài viết chất lượng. Những việc này sẽ giúp bạn trở thành một người viết tốt hơn mỗi ngày mà không cần phải phí công vào viết nội dung kém chất lượng.
Jeff Goins, tác giả của 4 quyển sách bán chạy nhất nói rằng: Người viết cần phải đọc rất nhiều, từ tạp chí, sách cho tới các tờ báo thường kỳ. Họ cần nắm chắc nghệ thuật tạo ngôn từ, trân trọng từng từ ngữ tốt. Trong lúc đọc, họ cũng nên tốc ký lại các ý tưởng và đánh giá cá nhân phục vụ cho việc viết lách sau này.
#8: Thêm các sự thực hấp dẫn
Độc giả tìm đến các bài viết của bạn vì 2 lý do: giải trí hoặc học hỏi, hãy luôn ghi nhớ điều này. Sẽ rất khó để bạn phổ biến một điều gì đó mới nếu bạn đang khiến người đọc cảm thấy nhàm chán. Mặt khác, sẽ không dễ để họ cảm thấy được giải trí nếu chính bản thân họ không tự mở rộng sự tưởng tượng cũng như phá vỡ giới hạn về tri thức cá nhân. Hãy nghiên cứu về chủ đề để tìm thêm những sự thực thú vị và biến chúng thành điểm sáng trong bài viết.
Jacob Nielsen đã từng giải thích trong một bài blog mang tên “Các sự thực hấp dẫn khiến cho trang web trở nên đáng đọc hơn” về lý do tại sao người đọc (đặc biệt là người đọc trực tuyến) thường đặc biệt ưa thích thông tin có giá trị. Có thể nói, nếu bạn có thể vừa định hướng đúng vừa giúp người đọc cảm thấy được thư giãn, họ sẽ đánh giá cao bài viết của bạn nhờ vào lượng thông tin lý thú vừa nhận được và bạn sẽ viết nhiều nội dung lôi cuốn hơn nữa mà không cần phải thay đổi phong cách.
#9: Viết như nói
Thay vì làm khác cách bạn tương tác thông thường bởi bạn đang ngồi sau một chiếc máy vi tính, hãy viết với cùng một tông giọng và niềm hứng thú như thể bạn đang kể một câu chuyện với đầy đủ nút thắt mở với người bạn thân của mình. Nếu bạn viết trong lĩnh vực tài chính hoặc pháp luật, việc bắt đầu các bài blog bằng câu hỏi: “Chào các bạn, các bạn dạo này thế nào?” là không phù hợp. Tuy nhiên đối với nhiều trường hợp và người viết khác, sử dụng cách tiếp cận mang tính đối thoại được chứng minh khiến nội dung lôi cuốn hơn. Giao tiếp một cách cá nhân hóa như bạn vẫn làm trong cuộc sống hàng ngày và “chất” riêng của bạn sẽ tự nhiên được chuyển vào bài viết.
Tuy nhiên, hãy trung thực với bản thân và đừng cố gắng bắt chước phong cách viết của bất cứ ai. Tất cả chúng ta đều có cách viết riêng, do đó hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng tông giọng của chính mình mọi lúc nhằm tạo nội dung lôi cuốn, đậm chất cá nhân.
#10: Xây dựng cảm giác hồi hộp
Tạo cảm giác hồi hộp và mong ngóng vào những diễn biến tiếp theo trong bài viết của bạn là bí mật để viết nội dung website thực sự lôi cuốn. Đó là một trong những kỹ thuật đặc biệt nhất và là lý do khiến cho các tác giả như Stephen King và James Patterson có thể cho ra đời những cuốn sách nhanh chóng “cháy hàng”.
Bạn hoàn toàn có khả năng xây dựng sự hồi hộp ở tác phẩm của riêng mình ngay cả khi bạn không viết một cuốn tiểu thuyết viễn tưởng. Hãy hỏi chính mình đâu là phần thú vị nhất và xây dựng mọi cảm xúc liên quan hướng tới phần đó. Đề cập một cách khéo léo rằng bạn sẽ cung cấp cho người đọc những cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề nhưng không tiết lộ tất cả mọi thứ ngay lập tức. Dẫn dắt người đọc khám phá từng chút một, giải thích chi tiết và tạo cảm giác mong ngóng là cốt lõi của cách làm này.
Lee Child, tác giả bán chạy nhất của series Jack Reacher, cho biết: “Tất cả các cuốn sách đều gây được cảm giác hồi hộp không biết sẽ được đọc gì tiếp theo của độc giả, ngay cả cuốn sách phi ảo tưởng khô khan nhất. Việc bạn cần làm là tạo ra một câu hỏi, khiến người đọc phải chờ đợi cho đến cuối để biết câu trả lời. Tạo câu hỏi tốt làm cho độc giả tò mò trong từng câu chữ và gắn chặt lấy cuốn sách hòng tìm ra đáp án. Sức mạnh của việc đặt câu hỏi xuất sắc là vô cùng to lớn”.
Nếu bạn thực sự nghiêm túc trong việc giữ cho khách hàng hứng thú trong từng câu chữ, bất kể bạn đang viết blog hay là nhắm đến một cuốn sách bán chạy nhất, hãy “ghim” ngay lại lời khuyên của tác giả Lee. Đây là chiến thuật đôi bên cùng có lợi, vừa khiến độc giả cảm thấy hứng thú không dứt, lại vừa đem lại phong cách riêng cho việc viết nội dung website của bạn.
Nguồn: Content Marketing Insitute
Bài liên quan: