“Tạo ra nội dung tốt nhất” không phải là mục tiêu khả thi
Nếu bạn nói với bản thân và đồng nghiệp rằng bạn cần tạo ra nội dung thực sự xuất chúng, khiến mọi người phải vỗ tay tán thưởng, bạn đúng ra là đang… chẳng nói gì cả. Những lời sáo rỗng này không truyền tải cho đội ngũ sáng tạo nội dung trong công ty một mục tiêu cụ thể, cách thức họ đạt được nó hay thành công đòi hỏi những gì.
Thay vào đó, khi miêu tả bạn muốn gì ở nội dung, hãy sử dụng những từ có ý nghĩa cụ thể. Ví dụ, không nên nói bạn cần nội dung “lan tỏa mạnh mẽ”, “dễ chia sẻ”, hãy nói bạn muốn có những thứ “kích thích suy nghĩ”, “gây ngạc nhiên”, hay thậm chí là “tạo làn sóng phản ứng” bởi “các tranh luận trái chiều” .
Khao khát sự hoàn hảo = bạn không bao giờ bắt đầu
Đôi khi, một marketer hay chủ doanh nghiệp sẽ nói về việc tạo một tài khoản blog, hoặc nếu họ đã có sẵn trang blog rồi, họ nói về việc muốn đăng tải bài viết thường xuyên hơn. Khi được hỏi về điều gì ngăn cản họ làm việc đó, câu trả lời đa phần là: Họ không thể nghĩ ra nội dung nên viết.
Khi ai đó nói họ không nghĩ ra bất kỳ thứ gì hay ho để viết, điều họ thực sự muốn nói là họ không thể nghĩ ra bất cứ thứ gì họ tin là đủ tốt để viết. Mặc dù bạn không nên hạ thấp các tiêu chuẩn đến mức có thể tùy tay phóng bút về bất cứ nội dung nào, bạn cần phải chấp nhận thay đổi tư tưởng nói trên nếu việc đạt được một nội dung lý tưởng ngăn cản bạn bắt tay vào làm.
Bước đầu tiên bạn cần làm để tránh nghĩ quá nhiều về nội dung hoàn hảo và bắt đầu viết những thứ khách hàng quan tâm là ngừng cố đạt được những tiêu chuẩn “không tưởng”. Lập các mục tiêu khả thi, có thể đo lường được và có thể đạt được.
Tìm kiếm giải pháp hiệu quả
Học hỏi những người làm công việc sáng tạo nội dung khác xung quanh đem đến rất nhiều cảm hứng và bạn có thể tìm ra được khách hàng đang phản hồi với điều gì nói chung. Tuy nhiên, bất kể họ là ai hay họ đang làm gì, họ cũng không phải là bạn. Họ cũng không có đối tượng khách hàng mục tiêu tương tự bạn, do đó điều khách hàng quan tâm phải do bạn tự đúc rút. Hãy ngừng so sánh bản thân với những người đồng nghiệp đang sáng tạo nội dung mỗi ngày ở các công ty khác.
Không có gì đảm bảo rằng nhóm chủ đề rất hữu hiệu đối với người này cũng sẽ đem lại kết quả khả quan tương tự đối với người kia. Tuy nhiên, nếu bạn đo lường diễn biến hoạt động của thương hiệu, ví dụ như BuzzFeed, bạn sẽ nhanh chóng thất vọng. Theo như BuzzSumo, bài báo thành công nhất của BuzzFeed được chia sẻ 1,8 triệu lần trên Facebook và nhiều hơn 50,000 lần trên Twitter.
Điều này có nghĩa rằng nội dung tương tự sẽ đem lại hiệu quả tốt cho công ty của bạn như đã từng với BuzzFeed? Tất nhiên là không! BuzzFeed có hơn 200 triệu lượt khách hàng ghé thăm website mỗi tháng. Bạn không thể so sánh công ty của mình với BuzzFeed và cũng không nên thử làm điều đó. Thay vì tập trung và những bài báo đứng đầu về lượt xem của BuzzFeed mỗi tuần (hoặc bất cứ trang web nào bạn thường xuyên đọc để lấy cảm hứng viết nội dung), hãy xem hiệu quả hoạt động của các nội dung hiện tại mà thương hiệu đăng tải.
Các số liệu chia sẻ trên mạng xã hội là một cách tốt để đo đếm độ phổ biến của nội dung. Tuy nhiên, ngày càng nhiều địa chỉ trực tuyến đã khóa API (Application Programming Ierface), dữ liệu này đang ngày một trở nên kém chính xác. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể sử dụng dữ liệu thống kế của website. Bạn có thể đạt được các dữ liệu tương tự từ các công cụ thống kê web khác tương tự như Google Analytics.
Từ đây, lọc các dữ liệu có liên quan tới các thư mục con của website như là blog. Các kết quả được trình bày theo thứ tự người dùng ghé thăm mỗi trang con nhiều nhất tới ít nhất. Chú ý tới các trang đứng đầu bởi bạn rõ ràng đang làm đúng.
Tuy nhiên, lượt ghé thăm trang không phải là tất cả số liệu bạn cần. Thống kê lượt tương tác có thể nói rất nhiều điều về hiệu quả của các bài viết. Hãy xem thời gian trung bình mà khách hàng dành mỗi lần đọc bài. Họ càng dành nhiều thời gian càng chứng tỏ nội dung của bạn khiến khách hàng quan tâm. Các bài viết có lượt xem cao và thu hút nhiều tương tác chính là những nội dung khách hàng muốn bạn sản xuất nhiều hơn.
Kiểm soát bằng chứng xã hội và chỉnh sửa
Bạn luôn luôn nên rà soát thật kĩ nội dung trước khi đăng tải. Một trong những cách tốt nhất đó là bạn hãy chuyển bài viết cho một người khác có chuyên môn để họ soát lỗi giúp bạn bởi chúng ta thường không bao quát hết được các lỗi nhỏ trong bài viết của chính mình.
Tuy nhiên, nếu bạn đưa bài viết cho 10 người nhận xét, chỉnh sửa và bạn chấp nhận những thay đổi đó, bài viết có thể đang đi theo hướng khác với cách xây dựng nội dung ban đầu. Bạn đang phí phạm thời gian vào những thứ có tác động vô cùng nhỏ lên đối tượng khách hàng mục tiêu mà bài viết hướng tới. Bạn thậm chí còn có khả năng hủy hoại chất lượng chính bản thân nội dung đó. Quá nhiều thay đổi bởi quá nhiều người khiến thông điệp chính hoàn toàn lệch lạc.
Nguyên tắc được áp dụng tương tự lên các ý tưởng về nội dung. Nếu bạn cần cả nhóm phải tán thành trước khi bạn bắt tay vào thực hiện một ý tưởng nào đó, bạn sẽ rất dễ đi đến thất bại. Bạn sẽ tạo ra ít nội dung hơn và nhiều ý tưởng tốt sẽ bị loại bỏ vì giám đốc tài chính hay trưởng phòng quan hệ khách hàng nói không.
Hãy loại bỏ những thứ ngoài lề và tạo ra các bài viết khiến khách hàng quan tâm, đó mới là cách làm content marketing hiệu quả!
Viết những thứ khách hàng quan tâm
Trước khi bạn viết những thứ khách hàng quan tâm, bạn phải trả lời được câu hỏi: Khách hàng ngày nay mong muốn điều gì? Subiz không thể giải đáp được nhu cầu của khách hàng mục tiêu mà bạn đang hướng tới. Thay vào đó, Subiz đem đến cho bạn cách tốt nhất để tìm kiếm câu trả lời: Nói chuyện với khách hàng.
Sử dụng các khảo sát ngắn để khích lệ khách hàng đưa ra suy nghĩ của họ về những thông tin mà website còn đang thiếu. Đẩy mạnh việc tạo ra các cuộc hội thoại trên phần bình luận của blog hay trên mạng xã hội. Cuối cùng, khi ai đó đưa ra ý kiến để cải thiện nội dung, hãy chú ý ghi chép lại.
Bạn có thể thấy rất nhiều đầu việc phải làm, nhưng khi đã thấu hiểu và bắt tay vào hành động, bạn sẽ nhận ra nó rất dễ dàng. Đừng lo lắng về các quy tắc hay quá trình rườm rà không cần thiết. Sẽ chẳng phải là “tận thế” nếu một bài viết nào đó không đạt được mục đích đặt ra ban đầu.
Hãy nhớ rằng chúng ta không nói về 1 dự án nghiên cứu trị giá 100 triệu hay một công cụ tương tác lên tới nửa tỉ đồng. Nội dung bạn viết ra cần phải hữu ích và hướng đúng insight khách hàng nhưng điều quan trọng nhất là khiến khách hàng quan tâm và cảm thấy hứng thú.
Điều cuối cùng, phần lớn khách hàng trong tất cả các ngành hàng đều có một tình yêu nhất định. Họ dành tình yêu cho các thương hiệu họ cảm thấy tin tưởng được. Thương hiệu đó đồng thời phải có cá tính riêng và khách hàng dễ dàng thiết lập mối quan hệ gắn bó khăng khít. Đó là lý do tại sao những công ty trẻ và sáng tạo thường gặt hái được thành công bởi họ luôn hào hứng chinh phục trái tim khách hàng.
Theo tạp chí Forbes, các thương hiệu lớn đang mất thị phần ở phần lớn khách hàng và phân khúc bán lẻ trong 5 năm gần đây cũng như doanh số vào các thương hiệu mới nổi. Nguyên nhân nằm ở việc mọi người không còn muốn hợp tác cùng các tập đoàn lớn nhưng lại thiếu tính cá nhân, không gây được cảm giác thân thiện, gần gũi và hiện lên như là 1 con người với đầy đủ tính cách. Họ muốn tương tác với người thực, việc thực.
Điều này có ý nghĩa gì với nội dung bạn đăng tải? Nếu bạn dành quá nhiều thời gian cố gắng khiến nội dung trở nên đúng đắn và hoàn hảo “không tì vết”, bạn có thể mất đi điều quan trọng nhất gây thú vị: tính chân thực.
Khách hàng quan tâm điều gì? Họ muốn bạn trở nên “thực” như một con người bình thường: có cả mặt tốt lẫn xấu, tương tác với họ theo cách cá nhân hóa nhiều nhất có thể. Đó là chiếc chìa khóa của vấn đề: Để làm content marketing hiệu quả, hãy ngừng chú trọng quá mức về việc tạo ra những nội dung lý tưởng, thay vào đó, là chính bạn. Viết theo bản năng thúc đẩy, có sẵn trong trái tim thay cho những gì tương thích hoàn hảo với hình ảnh hay mục đích thương hiệu cũng như chạy theo xu hướng. Nếu bạn cố gắng bắt kịp xu hướng hiện tại, khả năng lớn là bạn sẽ quá chậm trễ và trở thành kẻ đến sau trong cuộc đua chinh phục khách hàng.
Theo Content Marketing Institute
Bài liên quan: