Từ những CEO của các tập đoàn lớn như Richard Branson, đến diễn giả truyền cảm hứng như Oprah Winfrey, những người có câu chuyện truyền cảm hứng cho hàng nghìn người, trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, Storytelling đã giúp khơi dậy tinh thần của mọi người để giúp mỗi người có thể trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.
Người kể chuyện không chỉ truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực cho chúng ta. Họ còn có thể giáo dục, thôi thúc chúng ta hành động và đón nhận tất cả những khả năng mà cuộc sống mang lại.
Những người kể chuyện vĩ đại nhất nổi bật ở khả năng đơn giản hoá. Như Richard Branson đã từng nói: “Nếu ý tưởng quảng cáo của bạn không thể vừa mặt sau của một chiếc phong bì thì đó là một thứ rác rưởi”. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như Bill và Melinda Gates là những chuyên gia ở khả năng đơn giản hóa câu chuyện và tạo ra thông điệp của riêng đến mức học sinh tiểu học cũng có thể hiểu được.
Các thương hiệu lớn, các doanh nghiệp nổi bật trên thị trường đều có những người kể chuyện tuyệt vời đằng sau thành công của họ. Chính những câu chuyện chân thực, hấp dẫn để xây dựng các mối quan hệ với khách hàng đã giúp họ có thêm nền tảng vững chắc để đến với thành công.
Storytelling là gì?
Storytelling mô tả một hình thức thể hiện của con người, ở đó các câu chuyện được chia sẻ với khán giả nhằm mục đích giáo dục, giải trí, truyền đạt các giá trị đạo đức hoặc để đạt được mục đích bảo tồn văn hóa.
Có rất nhiều cách kể chuyện được sử dụng, đó là lý do tại sao phần lớn các câu chuyện, cốt lõi của nó, được sử dụng để khuyến khích trí tưởng tượng của người nghe bằng lời nói và hành động. Kể chuyện giúp gắn kết mọi người lại với nhau dựa trên trải nghiệm chung.
Điều này cũng đồng nghĩa, kể chuyện có thể được sử dụng trong tiếp thị và khi nó được thực hiện đúng cách, nó có thể mang lại hiệu quả cao nhờ khả năng thực sự kết nối với khán giả mục tiêu.
Trong tiếp thị, mọi thứ không dừng lại ở sản phẩm hay dịch vụ. Đó là cách bạn có thể đưa các sản phẩm của mình vào câu chuyện trong cuộc sống của khách hàng.
Tại sao các nhà tiếp thị cần học cách kể chuyện?
Dưới đây là một số lý do tại sao các nhà tiếp thị nên sử dụng các câu chuyện trong quá trình truyền tải thông điệp tiếp thị của họ:
Câu chuyện giúp tạo ra Kỷ niệm
Nghe một câu chuyện hay giúp mọi người ghi nhớ thông tin một cách lâu dài và tự nhiên cho dù họ có nhận ra nó hay không.
Khi khán giả nghe một câu chuyện, não của họ tạo ra hình ảnh, họ cảm nhận được cảm xúc và nghe thấy âm thanh. Về mặt tâm lý, điều này cho phép khách hàng ghi nhớ những gì bạn đang kể tốt hơn việc chỉ nói với họ về sản phẩm của mình.
Đôi khi các nhà tiếp thị thậm chí không cần buộc khán giả phải lắng nghe tích cực. Bởi, dù sao thì câu chuyện cũng sẽ gắn bó với khán giả nếu chúng được kể một cách hiệu quả.
Câu chuyện Thu hút khách hàng và thôi thúc họ quan tâm
Thông điệp quảng cáo quá mạnh mẽ đôi khi lại gây tổn hại đến công việc kinh doanh. Trong khi đó, Storytelling lại giúp giữ chân khách hàng tương tác và chú ý tới thương hiệu nhờ khả năng khơi dậy cảm xúc trong các câu chuyện – điều mà quảng cáo thông thường không làm được.
Việc chạm đến cảm xúc của khách hàng cũng ảnh hưởng đến mức độ tương tác của họ với thương hiệu. Khi khách hàng cảm thấy như họ có thể là một phần của câu chuyện bằng cách mua sản phẩm hoặc dịch vụ hay tương tác với thương hiệu trên phương tiện truyền thông xã hội, thì họ sẽ có nhiều khả năng tiếp tục trung thành với thương hiệu.
Họ cũng có thể nói với bạn bè, gia đình về thương hiệu của bạn và chia sẻ những đánh giá tích cực nếu bạn cung cấp cho họ một câu chuyện với những thông điệp tuyệt vời.
Những câu chuyện hay tạo nội dung chất lượng
Bạn đã bao giờ nghĩ tại sao nội dung là vua chưa? Nó là vua vì mọi người đều thích các câu chuyện.
Họ thích xem video, đọc blog và xem các nội dung khác vì nó mang lại cho họ trải nghiệm thú vị. Thông qua những trải nghiệm thú vị này, họ sẽ nhớ đến thương hiệu của bạn.
Những câu chuyện bạn kể có thể được dệt thành tất cả nội dung của bạn. Và nếu trong các chiến lược tiếp thị nội dung chứa những câu chuyện thú vị, thì càng có nhiều khả năng khán giả sẽ liên kết những điều trong cuộc sống của họ với thương hiệu của bạn.
Kể chuyện là một hình thức “educate” khách hàng mạnh mẽ
Kể chuyện giúp mọi người ghi nhớ thông tin tốt hơn, giúp chúng ta học hỏi nhờ khả năng truyền tải kiến thức và thông điệp cuộc sống theo những cách thu hút hơn.
Ngoài việc kể chuyện, các nhà tiếp thị cũng nên lắng nghe những câu chuyện để hiểu thêm về khán giả. Từ đó, hiểu những gì đang diễn ra trên thị trường để có thể tạo ra những thông điệp giúp sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với những câu chuyện đó một cách có ý nghĩa.
Làm thế nào để trở thành một người kể chuyện tài ba?
Một số người có năng khiếu kể chuyện bẩm sinh, nhưng những người khác cần một chút trợ giúp. Dưới đây là năm bước bạn có thể thực hiện để trở thành một người kể chuyện tuyệt vời.
1. Lập kế hoạch cho câu chuyện và viết nó ra
Nếu muốn kể câu chuyện của mình với khán giả, bạn nên viết ra những gì bạn sẽ nói. Điều này không có nghĩa là phải viết ra từng chữ những gì sẽ nói, thay vào đó, bạn có thể lên dàn ý những gì dự định sẽ chia sẻ.
Sử dụng các luận điểm làm tài liệu tham khảo, sau đó, liên kết và bổ sung các phần khác để câu chuyện của mình có vẻ tự nhiên như khi bạn đang trò chuyện. Khi câu chuyện diễn ra một cách tự nhiên, nó sẽ tạo ra sự kết nối lớn hơn giữa bạn và khán giả.
2. Cá nhân hoá câu chuyện
Mọi người sẽ chú ý nhiều hơn đến câu chuyện nếu thương hiệu có khả năng thêm dấu ấn cá nhân của mình vào trong đó. Hãy nói về trải nghiệm của cá nhân nếu nó liên quan đến chủ đề trong câu chuyện bạn đang kể, khi đó, khán giả sẽ có nhiều khả năng quan tâm đến những gì bạn đang nói.
Ví dụ, một diễn giả có thể chia sẻ những trải nghiệm khủng khiếp với nước bẩn như thế nào khi còn nhỏ để liên kết với lý do họ thúc đẩy các sáng kiến về nước sạch hiện nay.
3. Hiểu đối tượng mục tiêu
Câu chuyện của bạn nên được điều chỉnh dựa trên mong muốn của khán giả, nó nên có những yếu tố cá nhân nhưng cũng phải dựa trên sự thấu hiểu đối tượng mà bạn đang nói chuyện hoặc viết nội dung để tiếp cận. Ví dụ, câu chuyện sẽ thay đổi khi bạn nói chuyện với các nhà đầu tư hoặc khi nói chuyện với khách hàng của mình vì họ quan tâm đến các kết quả khác nhau.
4. Chọn thời điểm để thắt nút – mở nút câu chuyện
Đừng chia sẻ tất cả các điểm chính khi bắt đầu câu chuyện. Nếu không dần dần hé lộ từng tình tiết chính trong suốt câu chuyện, bạn sẽ mất khán giả. Giữ cho họ hứng thú bằng cách cung cấp cho họ những điểm thắt nút – mở nút vào đúng thời điểm để câu chuyện thú vị hơn.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về cách kể chuyện sao cho lôi cuốn, chúng ta hãy xem xét kỹ hơn cách một số người kể chuyện hay nhất mọi thời đại đã áp dụng và phát triển chiến lược kể chuyện của riêng mình dựa trên một số kỹ năng tốt nhất của họ.
3 nhân vật kể chuyện hay nhất mọi thời đại
1. Richard Branson
Richard Branson là một trong những người đàn ông giàu có và quyền lực nhất thế giới. Để đạt được thành công đó, Branson không bao giờ né tránh các cuộc trò chuyện cũng như cơ hội để kể về những khoảnh khắc đáng chú ý của cuộc đời mình hay trong cuộc sống của những người khác.
Ông cũng thoải mái chia sẻ những gì mình nghĩ, những gì mình đã thấy và những gì đã làm. Sự cởi mở đó được thể hiện qua thương hiệu Virgin. Branson hiểu sức mạnh của sắc thái, ngay cả khi nó không được trau chuốt, có thể khiến một câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Những sai sót đôi khi lại là chất liệu để cho câu chuyện của bạn trở nên thú vị và đáng nhớ. Đừng đánh bóng mọi chi tiết: Chỉ kể câu chuyện của bạn, một cách chân thật.
2. Steve Jobs
Steve Jobs là một nhân vật chắc chắn không thể thiếu trong danh sách những người kể chuyện hay nhất mọi thời đại. Toàn bộ sự nghiệp của Steve Jobs dựa trên những câu chuyện. Ông hiểu rằng sản phẩm của mình không chỉ cần khách hàng mà cần những “fan” trung thành, những người sẽ kể câu chuyện của mình như thể đó là của riêng họ để thúc đẩy công việc kinh doanh của mình tiến lên. Đó cũng là cách Steve Jobs đã tạo nên Apple.
Những người kể chuyện giỏi nhất khiến người khác kể câu chuyện của họ, cho họ. Để làm được điều đó, các câu chuyện cần được gợi nhớ và tạo động lực. Nếu câu chuyện của bạn có tác động về mặt cảm xúc, gây được tiếng vang với người nghe và có liên quan, thì người nghe sẽ giúp bạn hầu hết công việc.
Tạo trải nghiệm đáng chia sẻ, đáng nhớ và liên quan đến các dữ liệu (chẳng hạn sản phẩm của bạn) nếu bạn muốn câu chuyện của mình được lan tỏa.
3. Oprah Winfrey
Oprah có thể là một trong những người dẫn chương trình nổi tiếng nhất mọi thời đại. Cô đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người bằng những câu chuyện và cuộc phỏng vấn của mình.
Câu chuyện của cô bắt đầu với những khởi đầu khiêm tốn và khó khăn. Một câu chuyện về hành trình kinh điển từ nghèo khó đến thành công với hàng loạt khó khăn và hàng tấn thành tích trong suốt chặng đường. Cô cũng tin vào sức mạnh của việc kể chuyện và cũng rất giỏi trong việc giúp đỡ người khác kể câu chuyện của họ.
Talkshow của cô đã trở thành nơi để mọi người thuộc nhiều tầng lớp, địa vị xã hội kể lại và thảo luận về câu chuyện của mình, kèm theo đó khéo léo lồng ghép những nguyên nhân và các vấn đề xã hội. Trở thành một người kể chuyện tuyệt vời cũng giúp khuyến khích người khác kể câu chuyện của họ, từ đó mở ra một thế giới đầy màu sắc.
Hôm nay, chúng ta đang bị tấn công bởi các lựa chọn và theo thói quen, thường quyết định lựa chọn ai, thương hiệu nào dựa trên việc ai sẽ là người kể câu chuyện trung thực và hấp dẫn nhất. Một câu chuyện hay có thể giúp thương hiệu trở thành điểm nhấn trong mắt khách hàng, giúp người nghe hiểu rõ hơn về các giá trị mà doanh nghiệp đang theo đuổi.
Trong kinh doanh, những công ty thành công nhất thường có những câu chuyện hấp dẫn nhất. Đã đến lúc thương hiệu cần học hỏi để chia sẻ câu chuyện của mình một cách trung thực và sáng tạo nhất!
Theo Erika Giles
Bài liên quan: