Conversion rate (tỷ lệ chuyển đổi) là một trong những thuật ngữ quen thuộc nhất trong lĩnh vực tiếp thị. Đây là một yếu tố quan trọng trong kế hoạch tiếp thị, giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu suất của hoạt động tiếp thị. Vậy, tỷ lệ chuyển đổi khách hàng đạt bao nhiêu là tốt? Có những giải pháp nào giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi? Tham khảo bài viết dưới đây để giải đáp những vấn đề trên.
Conversion rate là gì?
Conversion rate (tỷ lệ chuyển đổi) là tỷ lệ phần trăm của khách hàng tiềm năng đã thực hiện hành động mục tiêu cụ thể mà doanh nghiệp đang theo đuổi, thường được sử dụng để đo lường hiệu suất của chiến dịch tiếp thị. Những hành động này có thể là mua sản phẩm, đăng ký nhận tin quảng cáo hoặc điền biểu mẫu.
Ví dụ, tỷ lệ chuyển đổi của website là phần trăm người dùng thực đã thực hiện các hành động cụ thể như nhấn vào nút điều hướng, nhấn vào link sản phẩm, để lại thông tin, đăng ký nhận tư vấn, đặt hàng… so với tổng khách truy cập. Tương tự, conversion rate trên Facebook, TikTok hay Instagram… cũng đo lường hiệu suất của các chiến dịch tiếp thị trên các nền tảng này. Thuật ngữ này được dùng để đo lường số người dùng tương tác với nội dung như like, chia sẻ, nhấp vào liên kết, tải xuống tài liệu,…
Hướng dẫn tính tỷ lệ chuyển đổi trong Marketing
Để nắm được cách tính tỷ lệ chuyển đổi khách hàng, bạn có thể dựa theo công thức sau:
Tỷ lệ chuyển đổi (%) = (Số lượng chuyển đổi / Tổng số lượt tiếp xúc hoặc lượt tương tác) x 100%.
Trong công thức này:
- “Số lượng chuyển đổi” là số hành động mục tiêu mà khách hàng đã thực hiện (đăng ký, mua sắm, tải về, điền biểu mẫu, nhận tư vấn qua số điện thoại,…).
- “Tổng số lượt tiếp xúc hoặc lượt tương tác là” tổng lượt tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng trong các chiến dịch tiếp thị.
Ví dụ, website của bạn có 5000 lượt truy cập trong 1 tháng. Trong đó, có 400 người người mua sản phẩm.
Vậy, tỷ lệ chuyển đổi là: 400/5000 = 8%.
Một số yếu tố ảnh hưởng tới conversion rate
Tỷ lệ chuyển đổi trong marketing có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ:
- Nội dung và Call to action
- Trải nghiệm của người dùng
- Khả năng tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng
- Tín dụng và độ tin cậy
- Thời điểm và tần suất tiếp xúc với quảng cáo, tiếp thị
- Quy trình thanh toán
Xem thêm: Thước đo hiệu quả tỷ lệ chuyển đổi
Hướng dẫn cách tăng tỷ lệ chuyển đổi trong tiếp thị
Để tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi khách hàng trong tiếp thị, các doanh nghiệp có thể tham khảo và ứng dụng một số gợi ý dưới đây.
Tạo nội dung thu hút và hữu ích
Khách hàng sẽ chỉ tương tác với nội dung mà họ cảm thấy thu hút hoặc có giá trị. Chính vì vậy, các doanh nghiệp nên tối ưu hoá nội dung trước khi đăng tải để đảm bảo mang lại hiệu suất tốt nhất.
Trước khi bắt đầu tạo nội dung, hãy nghiên cứu để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Bạn có thể sử dụng các công cụ nghiên cứu thị trường hoặc khảo sát khách hàng để thu thập thông tin này. Ngoài ra, nội dung cần phù hợp với đối tượng mục tiêu cũng như được trình bày dễ dàng để đảm bảo khách hàng mục tiêu có thể nắm được.
Tạo CTA hiệu quả
CTA chính là cầu nối giữa doanh nghiệp và khách hàng. Nắm rõ cách đặt CTA đúng và thu hút sẽ thúc đẩy khách hàng hành động. Một CTA hiệu quả nên đảm bảo những yếu tố sau:
- Vị trí nổi bật: Đặt CTA ở vị trí mà người dùng có thể dễ dàng thấy thấy. Bên cạnh đó, hãy sử dụng màu sắc nổi bật để làm nổi bật CTA và các nội dung khác.
- Ngắn gọn và rõ ràng: CTA nên ngắn gọn và dễ hiểu. Một CTA cần truyền đạt rõ ràng hành động mà doanh nghiệp muốn khách hàng thực hiện như “Đăng ký”, “Mua ngay”…
- Hướng dẫn hành động: CTA cần hướng dẫn khách hàng về hành động cụ thể mà họ nên thực hiện. Ngoài ra, nó cũng cần tạo ra sự kích thích và thuyết phục để khách hàng thực hiện hành động nhanh chóng.
Thử nghiệm A/B testing
A/B testing (thử nghiệm phân tách) là một trong những kỹ thuật quan trọng để tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi khách hàng. Khảo sát của Zipdo cho thấy các công ty sử dụng A/B testing để tối ưu trang web và chiến dịch tiếp thị có conversion rate tăng trung bình từ 49%.
Trong quá trình A/B testing, hai hoặc nhiều biến thể sẽ được hiển thị ngẫu nhiên cho người dùng. Sau một khoảng thời gian thử nghiệm, việc phân tích thống kê sẽ tiết lộ biến thể nào thực sự ảnh hưởng tích cực đến hành vi của người dùng.
Ví dụ, bạn có thể ứng dụng thử nghiệm A/B testing cho fanpage Facebook như sau.
Tiến trình | Chi tiết |
Bước 1: Xác định mục tiêu | Xác định mục tiêu cụ thể cho thử nghiệm A/B testing như số lượt like, bình luận, chia sẻ hoặc tăng lượt click và mua hàng… |
Bước 2: Tạo biến thể | Chọn một yếu tố trong nội dung Facebook cần thử nghiệm như tiêu đề, hình ảnh, phần mô tả, hoặc thậm chí là thời gian đăng tải. Sau đó, hãy tạo hai hoặc nhiều biến thể của yếu tố đó. Ví dụ, nếu muốn đánh giá về tiêu đề, hãy tạo ra hai biến thể của tiêu đề. |
Bước 3: Phân chia đối tượng | Chia đối tượng mục tiêu thành các nhóm ngẫu nhiên nhưng có chung đặc điểm để đảm bảo tính công bằng. Bạn có thể sử dụng công cụ quảng cáo Facebook để làm điều này. |
Bước 4: Áp dụng biến thể | Đăng nội dung lên fanpage với các biến thể đã tạo. Đảm bảo rằng chỉ tạo hai biến thể duy nhất để dễ dàng so sánh. |
Bước 5: Theo dõi và phân tích | Theo dõi hiệu suất của mỗi biến thể bằng công cụ của Facebook để xem biến thể nào mang lại hiệu quả tốt hơn. Hiệu quả của biến thể có thể được đo bằng các chỉ số về tỷ lệ click-through, tỷ lệ tương tác hoặc phản hồi về nội dung đăng tải. |
Bước 6: Tối ưu hoá | Dựa trên kết quả thử nghiệm, doanh nghiệp hãy chọn biến thể tốt nhất và ứng dụng nội dung này trong chiến dịch tiếp thị tiếp theo. |
Tạo ra mức độ cấp thiết
Doanh nghiệp có thể kích hoạt cảm xúc của khách hàng để tăng conversion rate bằng cách tạo ra các tình huống cấp thiết. Có hai loại cấp thiết mà doanh nghiệp có thể tận dụng để tăng tỷ lệ chuyển đổi:
- Sự khan hiếm về số lượng: Khách hàng thường sẽ cảm thấy áp lực để mua ngay trước khi tất cả “biến mất.” Ví dụ, “chỉ còn 5 sản phẩm duy nhất” hoặc “chỉ 10 người mua đầu tiên được nhận ưu đãi 30%”.
- Sự khan hiếm về thời gian: Khách hàng sẽ cảm thấy cấp thiết phải mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ trong khoảng thời gian giới hạn để không bỏ lỡ cơ hội. Ví dụ, “khuyến mãi chỉ áp dụng ưu đãi trong 1 ngày duy nhất”.
Đơn giản hoá quy trình mua
Khi nói về tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi trong tiếp thị thì không thể bỏ qua quá trình mua hàng và thanh toán. Đâu là bước khách hàng quyết định liệu họ sẽ hoàn tất giao dịch hay không. Điều quan trọng là đơn giản hóa quá trình này để tạo ra trải nghiệm thuận lợi cho họ.
Để đơn giản hoá quy trình mua hàng, bạn có thể tham khảo những cách sau:
- Giảm bớt bước không thực sự cần thiết: Loại bỏ các bước không cần thiết trong quy trình mua hàng. Điều này bao gồm việc giảm bớt số lần khách hàng phải điền thông tin và thao tác.
- Sử dụng phương thức thanh toán đa dạng: Cho phép khách hàng lựa chọn phương thức thanh toán như tiền mặt, chuyển khoản hoặc thanh toán qua tín dụng, ví điện tử,…
- Cung cấp hỗ trợ trực tuyến: Đảm bảo khách hàng có thể liên hệ với doanh nghiệp một cách đơn giản và nhanh chóng nếu họ gặp khó khăn trong quá trình mua.
Chú trọng chăm sóc khách hàng
Chăm sóc khách hàng là hoạt động quan trọng trong kinh doanh, bao gồm tất cả các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và giải quyết vấn đề của khách hàng. Một cuộc khảo sát của Zendesk chỉ ra rằng 70% khách hàng có nhiều khả năng mua hàng từ một công ty giải quyết vấn đề của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài tăng conversion rate, doanh nghiệp chăm sóc tốt sẽ giữ chân được những khách hàng cũ và nuôi dưỡng lòng trung thành với họ.
Xây dựng website uy tín
Xây dựng website uy tín và cung cấp thông tin đầy đủ về sản phẩm là một trong những cách tăng tỷ lệ chuyển đổi khác. Trang web không chỉ là nơi khách hàng tiềm năng tìm hiểu về sản phẩm hoặc dịch vụ mà còn là điểm đặt lòng tin của họ.
Tuy nhiên, một website chuyên nghiệp không chỉ dựa vào thiết kế mà còn cần chú trọng tới các yếu tố khác. Do vậy, doanh nghiệp cũng cần bổ sung thêm thông tin liên hệ, đảm bảo chất lượng nội dung, bổ sung đánh giá và phản hồi của khách hàng để đảm bảo uy tín của thương hiệu.
FAQs về tỷ lệ chuyển đổi
Để hiểu rõ hơn về conversion rate trong tiếp thị, bạn đọc có thể tham khảo thêm nội dung dưới đây.
Tỷ lệ chuyển đổi khách hàng bao nhiêu là tốt?
Tỷ lệ chuyển đổi tiếp thị tốt thay đổi tùy thuộc vào ngành, loại chuyển đổi và mục tiêu tiếp thị cụ thể. Tuy nhiên, tỷ lệ chuyển đổi từ 2% đến 5% được coi là tốt ở hầu hết các ngành. Đối với các website thương mại điện tử, tỷ lệ chuyển đổi lý tưởng sẽ là từ 2,5% đến 3%. Ngoài ra, với các doanh nghiệp phát triển, tỷ lệ này có thể đạt 10% hoặc cao hơn (Theo Big Commerce).
Tỷ lệ chuyển đổi cao có thật sự tốt cho doanh nghiệp không?
Có một sự hiểu lầm phổ biến trong lĩnh vực marketing rằng tỷ lệ chuyển đổi cao là mục tiêu tối quan trọng và mà tất cả các doanh nghiệp nên theo đuổi. Tuy nhiên, cần phải xem xét điều này trong bối cảnh của chỉ số ROI (tỷ lệ sinh lợi trên vốn đầu tư).
Hãy xem xét ví dụ sau để làm rõ hơn: Một doanh nghiệp triển khai một chiến dịch khuyến mãi và giảm giá để tăng tỷ lệ chuyển đổi. Kết quả là tỷ lệ chuyển đổi tăng lên đáng kể và doanh thu cũng tăng. Tuy nhiên, khi xem xét chỉ số ROI, doanh nghiệp này nhận thấy lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp và tỷ lệ sinh lợi trên vốn đầu tư giảm đi đáng kể.
Nguyên nhân là do các biện pháp tăng tỷ lệ chuyển đổi thường đi kèm với việc giảm giá hoặc khuyến mãi gây ảnh hưởng đến lợi nhuận và ROI. Do đó, thay vì tập trung mù quáng conversion rate, doanh nghiệp nên đảm bảo rằng việc tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi cũng đi đôi với tối ưu hóa lợi nhuận.
Kết luận
Tăng conversion rate là một mục tiêu quan trọng trong tiếp thị. Do đó, bạn cần nắm rõ các biện pháp trên để tối ưu hoá hiệu suất của chiến dịch chung và tạo ra kết quả tích cực cho doanh nghiệp.
Xem thêm:
Những quy tắc vàng gia tăng tỷ lệ chuyển đổi website
Cách tăng tỷ lệ chuyển đổi trên di động