Công nghệ thông tin ngày càng đổi mới và phát triển, đi kèm với nó là những mối đe dọa, thách thức với an ninh thương mại điện tử. Thương mại điện tử cũng là một ngành nhạy cảm và phải đối mặt với nhiều thách thức bảo mật an ninh. Theo những thống kê gần đây:
- 32,4% các cuộc tấn công mạng thuộc ngành thương mại điện tử
- 25,7% thuộc ngành tài chính
- 23,1% thuộc ngành truyền thông xã hội
- 12,8% thuộc giao dịch tiền tệ
- 4% thuộc ngành dịch vụ
- 2% thuộc các ngành hàng khác
Có thể dễ dàng nhận thấy số lượng lớn các cuộc tấn công mạng là nhằm vào ngành thương mại điện tử. Các cuộc tấn công này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Các nhóm tin tặc lợi dụng những lỗ hổng bảo mật để đánh cắp các dữ liệu và thông tin nhạy cảm, lan truyền các phần mềm độc hại. Vì vậy, tăng cường các biện pháp an ninh thương mại điện tử là một trong những ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp
An ninh thương mại điện tử là gì?
Bảo mật an ninh thương mại điện tử là một tập hợp các nguyên tắc nhằm đảm bảo trải nghiệm mua hàng an toàn trên internet. Chúng bao gồm các giao thức bảo vệ doanh nghiệp và khách hàng
Tại sao lại cần chú trọng bảo mật an ninh thương mại điện tử?
Trong số các loại trang web trực tuyến khác nhau, trang web dễ bị đe dọa vi phạm an ninh mạng nhất là thương mại điện tử. Theo báo cáo thống kê từ G2, có:
- 29% lưu lượng truy cập có ý định muốn tấn công trang web của bạn
- 54% công ty đã ít nhất trải qua một hoặc nhiều cuộc tấn công bảo mật thành công
- 60% các công ty bị tấn công bảo mật đã chết / xóa sổ hoạt động kinh doanh trong vòng sáu tháng
- Chỉ 38% các công ty toàn cầu đã xử lý thành công các cuộc tấn công mạng
Các con số thống kê này cho thấy số lượng các cuộc tấn công không chỉ tăng lên mà mức độ nguy hiểm cũng ngày càng nghiêm trọng. Thông thường, các tin tặc xâm chiếm trang web để phục vụ cho các mục đích như:
Đánh cắp dữ liệu phục vụ cho các cuộc tấn công tiếp theo
Các doanh nghiệp thương mại điện tử thường sở hữu cơ sở dữ liệu khổng lồ với đầy đủ thông tin về khách hàng. Các trang web thương mại điện tử không chỉ có thông tin cá nhân mà còn có dữ liệu về thẻ tín dụng, lịch sử mua sắm, thông tin về hệ điều hành máy và trình duyệt khách hàng sử dụng, …. Những thông tin như vậy là vô giá đối với tin tặc. Có các dữ liệu này chúng có thể thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích dễ dàng hơn. Biết được khách hàng sử dụng loại phần mềm, hệ điều hành, trình duyệt nào để chuẩn bị cho các cuộc tấn công khác dễ dàng hơn
Tống tiền
Những kẻ tấn công xâm nhập vào cơ sở hạ tầng, làm tê liệt toàn bộ hệ thống máy tính của doanh nghiệp. Chúng cố định cơ sở hạ tầng và khiến nó không thể nhận lệnh từ doanh nghiệp. Điều này buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận thỏa thuận với chúng
Một điều đáng buồn là, nếu các tin tặc đã xâm nhập vào được trang web của bạn một lần thì chắc chắn sẽ có lần thứ hai, thứ ba. Các cuộc tấn công như vậy không chỉ gây ra tổn thất về tài chính, thị trường của doanh nghiệp mà còn có tác động xấu tới danh tiếng, uy tín
Chuyển hướng thanh toán
Các tin tặc có thể sửa đổi mã nguồn và chuyển hướng khách hàng đến các trang web khác, sau đó chúng lấy cắp tiền trong tài khoản
Các yếu tố đe dọa an ninh thương mại điện tử
Thiếu tin tưởng vào quyền riêng tư và bảo mật
Các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử có thể gặp phải một số rủi ro bảo mật, chẳng hạn như:
- Trang web giả mạo: Tin tặc có thể dễ dàng tạo ra các phiên bản trang web giả mạo mà không phải chịu bất kỳ chi phí nào. Các trang web giả mạo có thể điều hướng khách hàng qua trang web đối thủ hoặc phục vụ cho mục đích bất chính khác
- Đánh cắp dữ liệu của khách hàng: Ngành thương mại điện tử có rất nhiều trường hợp bị tin tặc ăn cắp dữ liệu hàng tồn kho, thông tin cá nhân của khách hàng, chẳng hạn như địa chỉ và chi tiết thẻ tín dụng
- Đánh cắp bản quyền: Tin tặc có thể xâm nhập trang web, đánh cắp và phá hủy các tài sản trí tuệ
Phần mềm độc hại, vi rút và gian lận trực tuyến
Tin tặc sử dụng virus và các chương trình độc hại khác để lây nhiễm vào máy tính theo nhiều cách khác nhau. Các phần mềm độc hại này xâm nhập vào hệ thống, sinh sôi, lây lan và thực hiện các hoạt động như:
- Chiếm quyền điều khiển hệ thống máy tính
- Xóa tất cả dữ liệu
- Chặn truy cập dữ liệu
- Chuyển tiếp các liên kết độc hại đến các máy khách và các máy tính khác trong mạng
Sự phức tạp và không rõ ràng trong giao dịch trực tuyến
Người mua trực tuyến phải đối mặt với sự phức tạp, không chắc chắn trong các giao dịch quan trọng. Các hoạt động đó bao gồm: thanh toán, giải quyết tranh chấp và giao hàng. Trong khi các hoạt động đó diễn ra, rất có thể khách hàng sẽ rơi vào tay những kẻ lừa đảo
Giải pháp cho các vấn đề an ninh thương mại điện tử
Bảo mật hệ thống
- Luôn cập nhật thiết bị và phần mềm của bạn
- Sử dụng mật khẩu mạnh và duy nhất cho tài khoản hệ thống của bạn
- Đảm bảo rằng bạn đã cài đặt chương trình chống vi-rút và tường lửa. Chạy và cập nhật chúng trên tất cả các hệ thống và thiết bị của mình
- Thiết lập xác thực đa yếu tố (MFA) trên tài khoản của bạn ở bất kỳ đâu
Bảo mật trang web và cổng thanh toán
- Thiết lập chứng chỉ SSL/https cho trang web. Đặc biệt là các trang web xử lý thông tin nhạy cảm như thanh toán hoặc số điện thoại liên hệ
- Nếu bạn có tên miền trang web của riêng mình, hãy nhớ gia hạn giấy chứng nhận và hợp đồng.
Triển khai bảo mật bổ sung
- Luôn quét các trang web của bạn và các tài nguyên trực tuyến khác thường xuyên, định kì để phát hiện phần mềm độc hại
- Sao lưu dữ liệu của bạn. Sử dụng bảo mật nhiều lớp để tăng cường bảo vệ dữ liệu
- Cập nhật hệ thống của bạn thường xuyên và sử dụng các plugin bảo mật thương mại điện tử hiệu quả
Lập kế hoạch khôi phục và sao lưu
- Có kế hoạch quản lý sự cố, phục hồi và kế hoạch sao lưu liên tục. Chuẩn bị sẵn sàng cho các sự cố khi chúng xảy ra nhằm khôi phục và giải quyết mọi vấn đề trong khoảng thời gian phù hợp
- Đảm bảo trang web và dữ liệu của bạn được sao lưu thường xuyên để có thể khôi phục được trong trường hợp xảy ra sự cố
Giữ ý thức và cảnh giác
- Luôn cập nhật phiên bản mới nhất cho phần cứng và phần mềm để tránh các rủi ro về lỗ hổng bảo mật, …
- Đảm bảo nhân viên và khách hàng của bạn nhận được kiến thức mới nhất liên quan đến xử lý dữ liệu và cách tương tác an toàn với trang web
- Kiểm tra các kế hoạch, đảm bảo các nhân viên có liên quan nhận thức được các quy trình. Xác định, đánh giá bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào khi nó xuất hiện
- Xóa thông tin của nhân viên cũ và thu hồi tất cả quyền truy cập của họ vào hệ thống
Đào tạo nâng cao nhận thức về an ninh thương mại điện tử
- Nhân viên cần được đào tạo thường xuyên về an ninh mạng và thông báo về các vấn đề xu hướng mà họ có thể gặp phải khi làm việc
Kết nối với các nhà bảo mật, an ninh thương mại điện tử
- Nên sử dụng dịch vụ từ các nhà phát triển có uy tín để thiết lập cửa hàng trực tuyến. Đảm bảo họ có thể cung cấp cho bạn các công cụ phòng chống gian lận đầy đủ, hỗ trợ xác định và ngăn chặn hoạt động gian lận.
- Bạn phải đảm bảo doanh nghiệp của bạn tuân thủ GDPR. Nếu bạn đang lưu trữ nhiều thông tin về khách hàng, bạn nên chắc chắn rằng bạn (hoặc các bên thứ ba) đang xử lý dữ liệu một cách an toàn
- Với sự ra đời của GDPR, vi phạm dữ liệu có thể dẫn đến tiền phạt lớn và khiến bạn mất uy tín và lòng tin với khách hàng. Hãy có sẵn kế hoạch ứng phó với vi phạm dữ liệu để giảm thiểu thiệt hại và tăng tốc độ khôi phục.
Sự đổi mới mạnh mẽ của công nghệ nhắc nhở các doanh nghiệp dành sự quan tâm nhiều hơn tới an ninh thương mại điện tử. Ngăn chặn các mối đe dọa bảo mật sẽ giúp các doanh nghiệp có nền tảng vững chắc và nắm bắt được nhiều hơn các cơ hội phát triển. Vì vậy, xây dựng quy trình và hệ thống bảo mật thương mại điện tử là ưu tiên hàng đầu và cần được chú trọng.