Từ năm 2008, tính năng nhắn tin của Facebook được tích hợp vào ứng dụng, thay vì có một ứng dụng nhắn tin riêng biệt – Messenger như năm 2014 đến hiện nay. Tuy nhiên vào đầu tháng 3 vừa qua, Tom Alison – người phụ trách phát triển phần mềm Facebook – tiết lộ rằng nền tảng này đang thử nghiệm việc tích hợp lại Facebook và Messenger với nhau.
Tính năng nhắn tin của Facebook: Từ tích hợp đến độc lập
Trong những năm đầu tiên của Facebook, tính năng nhắn tin được tích hợp sẵn trong ứng dụng chính của mạng xã hội này. Người dùng có thể trò chuyện với bạn bè và gia đình của mình bằng cách gửi tin nhắn trực tiếp từ trang cá nhân của mình. Chính vì vậy, khi Facebook phát triển và trở nên phổ biến hơn, tính năng nhắn tin đã trở thành một phần quan trọng của trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, vào năm 2014, tính năng nhắn tin của Facebook đã được tách ra thành một ứng dụng riêng biệt – Messenger, với lý do được giải thích bởi người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg rằng : “Điều này sẽ giúp Messenger trở thành “trải nghiệm nhắn tin di động tốt nhất có thể”.
Quyết định này đã khiến nhiều người dùng tức giận vì họ phải tải xuống một ứng dụng mới để sử dụng tính năng nhắn tin. Điều này đặc biệt khó chịu đối với những người dùng đã quen với việc sử dụng tính năng nhắn tin sẵn có trong ứng dụng chính của Facebook. Họ không chỉ phải tốn thêm thời gian và công sức để tải xuống và cài đặt ứng dụng mới mà còn phải học cách sử dụng nó. Vì vậy, tuy quyết định tách ra ứng dụng riêng biệt đã được đưa ra, nhưng vẫn đã gây ra rất nhiều tranh cãi.
Facebook và Messenger sẽ “tái hợp” sau gần 1 thập kỉ
Vào tháng 6 năm 2022, The Verge (một trang web công nghệ và văn hóa số của Mỹ) đã đưa tin rằng Meta đã có kế hoạch để gộp hai ứng dụng. Vào tháng 12 năm 2022, Matt Navarra (chuyên gia tư vấn truyền thông xã hội) đã phát hiện công ty đang thử nghiệm việc hợp nhất Facebook và Messenger một cách kín đáo. Ông đã đánh giá rằng động thái này sẽ giúp Facebook cạnh tranh mạnh mẽ.
Vào ngày 7/3/2023, người chịu trách nhiệm phát triển phần mềm Facebook, ông Tom Alison cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện thử nghiệm việc mọi người có thể đọc tin nhắn ngay trong ứng dụng Facebook. Mục đích của động thái tích hợp Facebook và Messenger này là giúp người dùng chia sẻ nội dung dễ dàng hơn mà không cần phải sử dụng nhiều ứng dụng”.
Meta muốn cạnh tranh với TikTok bằng cách tập trung vào tính năng chia sẻ nội dung và trò chuyện trực tiếp với bạn bè. Theo ông Alison, khả năng bắt đầu cuộc trò chuyện với bạn bè là điều làm cho Facebook và Instagram khác biệt so với các ứng dụng khác như TikTok. Meta tin rằng nội dung có thể là khởi đầu của một cuộc trò chuyện và chính vì vậy, tính năng trò chuyện trở lại ứng dụng chính của Facebook sẽ giúp người dùng tiết kiệm thời gian và tăng tính tiện ích trong việc sử dụng ứng dụng.
Chiến lược của Meta: Mở rộng vai trò của Facebook đối với người dùng
Facebook đã đưa ra một quyết định quan trọng để tăng cường vai trò của nó đối với người dùng bằng cách mở rộng phạm vi hoạt động của nền tảng. Theo đó, không chỉ đơn thuần là một nơi để kết nối bạn bè và gia đình, CEO Mark Zuckerberg còn muốn Facebook trở thành một công cụ để người dùng khám phá thế giới xung quanh mình. Đây là một chiến lược có chủ đích để giúp Facebook cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ khác, đặc biệt là TikTok, trong thị trường truyền thông xã hội.
Theo đó, Meta đã thay đổi giao diện News Feed của Facebook và tập trung vào nội dung giải trí hơn, cùng với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). Người phát ngôn của Meta cho biết “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng quảng cáo của mình trên Reels để giúp nhiều người sáng tạo hơn kiếm được doanh thu quảng cáo cho các video ngắn của họ”.
Đây là một bước cải tiến rõ rệt nhằm giữ chân người dùng tương tác lâu hơn trên nền tảng. Bằng cách hiển thị nhiều bài đăng giải trí hơn, Facebook hy vọng người dùng sẽ dành nhiều thời gian hơn trên nền tảng và tăng cường hoạt động trao đổi thông tin. Điều này sẽ giúp Facebook giữ chân người dùng lâu hơn và giúp nền tảng cạnh tranh tốt hơn với TikTok.
Trong thông báo của mình, ông Alison cũng khẳng định rằng: “Facebook sẽ không sụp đổ vì nền tảng này có đến 2 tỷ người dùng hoạt động hàng ngày và đang tiếp tục vận hành và phát triển. Người dùng Facebook không chỉ sử dụng nó để kết nối với bạn bè và gia đình, mà còn để khám phá và tham gia vào những điều quan trọng nhất đối với họ”. Ông Alison nhấn mạnh rằng việc Facebook có thể tiếp tục phát triển là do sự đổi mới và khả năng thích nghi của công ty, cũng như khả năng tạo ra giá trị cho người dùng và nhà quảng cáo.
Việc Meta sáp nhập Facebook và Messenger vào một ứng dụng là bước tiến lớn đối với tương lai của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Sự thay đổi này hứa hẹn tạo ra một trải nghiệm liền mạch hơn cho người dùng, đồng thời giúp Facebook cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ khác trên thị trường.