Trong thời đại số ngày nay, việc áp dụng gamification trong lĩnh vực tiếp thị đã trở thành một chiến lược quan trọng, giúp thương hiệu tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng. Gamification marketing không chỉ là cách tiếp cận mới mẻ mà còn là một công cụ mạnh mẽ, khiến người dùng hứng thú và tham gia tích cực vào các hoạt động tiếp thị. Tìm hiểu và khám phá những lợi ích, yếu tố và ví dụ về các thương hiệu đã áp dụng gamification thành công trong bài viết.
Gamification là gì?
Gamification là việc sử dụng các yếu tố, cơ chế và nguyên tắc được lấy cảm hứng từ trò chơi vào các hoạt động tiếp thị nhằm khơi gợi sự hứng thú và kích thích người dùng tham gia trò chơi. Theo báo cáo do Allied Market Research công bố, thị trường gamification toàn cầu đạt 9,9 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến tạo ra 95,5 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) là 25,6%.
Lợi ích khi áp dụng gamification trong marketing là gì?
Dưới đây là những lợi ích của nổi bật khi doanh nghiệp ứng dụng trong các chiến dịch tiếp thị:
Tăng cường tương tác: Gamification thúc đẩy sự tham gia, tương tác của người tiêu dùng thông qua trải nghiệm độc đáo. Khảo sát với 10.000 người mua sắm trên toàn cầu cho thấy: 70% người tiêu dùng thích các yếu tố gamification khi mua sắm trực tuyến và 42% khác thích tham gia game tại cửa hàng. Ngoài ra, nghiên cứu của Snipp cho biết mức độ tương tác của khách hàng đối với các công ty sử dụng gamification tăng 47%.
Thu thập dữ liệu khách hàng: Các yếu tố trong gamification có thể giúp doanh nghiệp thu thập thông tin cần thiết về khách hàng, bao gồm: thông tin cá nhân, thói quen mua sắm,… Một nghiên cứu của Microsoft cho thấy 57% người dùng trực tuyến sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cá nhân của họ để đổi lấy phần thưởng hoặc giảm giá được cá nhân hóa cho các mặt hàng hoặc dịch vụ được mua thường xuyên.
Thúc đẩy mua sắm và tăng giá trị đơn hàng: Các chương trình gamification thường cung cấp các phần thưởng, ưu đãi hoặc khuyến mãi cho người dùng khi họ hoàn thành một số hành động nhất định. Việc này thúc đẩy họ mua nhiều sản phẩm hơn mỗi lần giao dịch, tăng giá trị của đơn hàng và doanh thu toàn cầu. 90% giám đốc bán hàng được Forbes phỏng vấn cho biết gamification có tác động tích cực đến số lượng bán hàng và doanh thu.
Yếu tố làm nên một chiến lược gamification thành công trong marketing
Các yếu tố kích thích khách hàng tham gia, tạo nên chiến lược gamification thành công trong marketing:
Điểm số
Người dùng có cơ hội kiếm điểm từ việc chiến thắng trong các trò chơi được tích hợp vào chiến dịch tiếp thị. Điểm số càng cao, phần thưởng càng lớn. Những điểm này sau đó có thể đổi lấy những ưu đãi độc quyền hoặc quà tặng miễn phí.
Ví dụ: Trò chơi Gắp thú trên Shopee cho phép người chơi tích điểm và đổi quà (mã giảm giá, mã miễn phí vận chuyển,…) khi họ đạt được mức điểm nhất định.
Huy hiệu
Khách hàng sẽ được trao các huy hiệu số khi họ hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Điều này kích thích động lực nội tại của người dùng bằng cách tạo ra cảm giác thành tựu và được công nhận.
Ví dụ: Facebook trao các huy hiệu cho người dùng đã đạt được những mốc tương tác nhất định (huy hiệu Fan cứng, huy hiệu Người chia sẻ, huy hiệu Người gắn sao,…)
Cấp độ
Sự thích thú trong việc “thăng cấp” để nhận được những phần thưởng lớn hơn là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tương tác, gắn bó với trò chơi của người dùng.
Ví dụ: Starbucks thưởng cho các khách hàng những ngôi sao sau mỗi lần mua hàng, 25 ngôi sao khách hàng được miễn phí 1 ly nước bất kỳ; 200 ngôi sao khách hàng nhận được một loại bánh miễn phí,…
Bảng xếp hạng
Người dùng tham gia chơi game và cạnh tranh để leo lên bảng xếp hạng. Bảng xếp hạng có thể tạo ra cảm giác cạnh tranh, kích hoạt mong muốn được công nhận và có địa vị xã hội của khách hàng, từ đó thúc đẩy họ tham gia nhiều hơn để cải thiện vị trí của mình. Đây là yếu tố thú vị để tương tác với người dùng và giữ cho thương hiệu luôn nằm trong tâm trí của họ.
Thanh tiến độ
Yếu tố này tạo ra một trải nghiệm thú vị khi khách hàng theo dõi quá trình tiến bộ của họ khi di chuyển từ một cấp độ sang cấp độ khác. Thanh tiến độ là một cách vui nhộn để giúp phát triển cảm giác cam kết với một quy trình cụ thể.
Đếm ngược
Thách thức người chơi hoàn thành nhiệm vụ trong một khoảng thời gian nhất định để đạt được một phần thưởng nào đó.
Tiền ảo
Sử dụng tiền ảo là một cách thú vị để tăng cường tương tác với thương hiệu. Thương hiệu sáng tạo ra tiền của riêng mình chỉ có thể sử dụng tại cửa hàng. Khách hàng có thể sử dụng nó để mua hàng ngay bây giờ hoặc tích luỹ tiền ảo cho các giao dịch trong tương lai.
Ví dụ: Kohl’s đã tạo ra tiền ảo Kohl’s Cash để thưởng cho những khách hàng mua sắm thường xuyên.
Các ví dụ thành công về gamification
Dưới đây là ví dụ về các thương hiệu đã áp dụng gamification thành công:
McDonald’s kết hợp với Monopoly
McDonald’s là hệ thống chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng trên khắp thế giới. Năm 2005, McDonald’s kết hợp với thương hiệu Monopoly triển khai trò chơi trục tuyến với bảng thẻ “Monopoly” ảo. Khách hàng có thể nhập mã và chơi trò chơi trực tuyến để giành các giải thưởng vật lý trong thế giới thực, ví dụ: giải thưởng tức thì (một chiếc bánh mì kẹp thịt, đùi gà rán,…) hoặc yêu cầu thu thập một bộ thẻ cùng màu để giành được một trong những giải thưởng chính (tiền mặt trị giá hàng trăm nghìn đô la, ô tô,…).
McDonald’s đã đo lường chính xác mức độ tương tác của khách hàng và nhận thấy doanh số bán hàng tổng thể tăng ở Mỹ. Tương tự McDonald’s, đối tác Monopoly cũng thu về những thành công nhất, ứng dụng trò chơi của Monopoly đã có hơn 2,5 triệu lượt tải xuống, cơ sở dữ liệu CRM tăng gấp 2 lần.
Starbucks – “Cup Flip Game”
Starbucks là một thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới đã triển khai trò chơi trực tuyến lật cốc (Cup Flip Game). Người chơi cần lật ngược cốc lên không trung với các góc độ khác nhau để cuối cùng cốc vẫn giữ được thăng bằng khi đáp đất. tarbucks khuyến khích người dùng chia sẻ kết quả của họ trên mạng xã hội và người chiến thắng sẽ nhận được phiếu thưởng để sử dụng tại cửa hàng.
Kết quả, trò chơi có thời gian người dùng dừng lại chơi trung bình là 30 giây, mức độ tương tác là 90%, thời gian tương tác là 60 giây và mục tiêu tải xuống phiếu thưởng vượt hơn 110%.
Banana Boat & Hawaiian Tropic – “Sun Fun Done Sweepstakes”
Banana Boat – Một thương hiệu kem chống nắng US có tuổi đời hơn 40 năm đã cung cấp rất nhiều chương trình rút thăm trúng thưởng thú vị như Wheel of Fun, Bingo,… Một trong những trò rút thăm trúng thưởng sáng tạo nhất là sự kết hợp giữa Banana Boat và Hawaiian Tropic, Gamify để tạo ra một trò chơi có tên “Sun. Fun. Done.”. Trò chơi khuyến khích người chơi chia sẻ thông tin liên hệ của họ để đổi lấy lượt chơi trò chơi.
Trò chơi rất đơn giản: lắc cây dừa và số dừa rơi là số lần bạn có thể giành được một chuyến đi có trả phí tới Universal Orlando Resort. Trò chơi có hình ảnh đẹp, đem lại trải nghiệm thương hiệu thú vị đã thu hút 147.623 lượt chơi, 19.416 lượt chia sẻ trên mạng xã hội, tỷ lệ tương tác lên đến 98,7% và có đến 130.783 người chơi.
Papi – “Donut Match Game”
Donut Papi, một cửa hàng bánh rán địa phương ở Sydney, Úc đã hợp tác với Gamify để tăng lưu lượng truy cập trang web, mức độ tương tác của khách hàng và số lượng liên hệ trong cơ sở dữ liệu. Trò chơi Donut của Papi có cách chơi giống với Candy Crush Saga. Ngoài ra, người chơi cần nhập thông tin liên hệ của mình để có thể chơi đối kháng.
Trong suốt 6 tuần diễn ra trò chơi, Donut Papi thường xuyên đăng tải các bảng xếp hạng để khuyến khích sự cạnh tranh giữa những người chơi và họ tặng một hộp bánh rán miễn phí mỗi tuần cho người có điểm số cao nhất. Trò chơi Donut Match Game đã mang về cho Papi: 312 lượt chia sẻ tự nhiên trên mạng xã hội, 41.659 số lần được chơi với tỷ lệ hoàn thành trò chơi lên đến 89,4%.
Ford – “Escape Route”
Ford – Một nhà sản xuất ô tô đa quốc gia tạo ra trò chơi “Ford Escape Route” tương tác trên Mustang Mach-E, giao nhiệm vụ cho người chơi giải các manh mối và làm theo chỉ dẫn để giành chiến thắng. Trò chơi được thiết kế dựa trên phần cứng chuyên dụng dùng để giao tiếp với các tính năng điều khiển phương tiện như điều hòa không khí, loa và ghế điện để nâng cao trải nghiệm chơi game.
Trò chơi “Ford Escape Route” đã thành công mang lại doanh thu bán xe hơn 8 triệu USD cho Ford Motors, số lượt thích trên Facebook tăng 600% và hơn 100 triệu lượt hiển thị trên Twitter.
Domino – “Pizza Hero”
Domino là một chuỗi nhà hàng pizza Mỹ nổi tiếng. Domino đã tạo chiến lược gamification độc đáo có tên “Pizza Hero”. Trò chơi này cho phép khách hàng tự mình tham gia vào quá trình làm bánh pizza, từ việc chọn loại bánh, chọn số lượng và loại nhân, đến việc thêm các loại gia vị và lựa chọn số lượng phô mai. Tất cả những quyết định này tạo nên sự tương tác thú vị, giúp người chơi cảm thấy mình như là một đầu bếp chính tại Domino. Mô phỏng quy trình làm bánh thực tế, “Pizza Hero” đã tạo ra một trải nghiệm tích cực, kích thích sự sáng tạo của khách hàng, đồng thời tăng cường liên kết tình cảm và tương tác tích cực với thương hiệu.
Chiến dịch gamification “Pizza Hero” đã thu về những thành công đáng kể như: Tăng 30% doanh thu, thu hút khách hàng làm 7.059.325 triệu cái pizza thông qua ứng dụng trò chơi, hơn 328.610 lượt tải ứng dụng.
Có thể thấy, gamification không chỉ là một xu hướng mới mẻ mà còn là một công cụ mạnh mẽ để thương hiệu tương tác và tạo động lực cho người tiêu dùng. Bằng cách kết hợp yếu tố game vào chiến lược tiếp thị, các doanh nghiệp có cơ hội tạo ra những trải nghiệm độc đáo, kích thích sự tương tác và xây dựng một cộng đồng chung quanh sản phẩm hoặc dịch vụ. Sự sáng tạo và ứng dụng linh hoạt gamification trong tiếp thị sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc với khách hàng, từ đó thúc đẩy sự phát triển và thành công của thương hiệu.
Xem thêm: Minigame: Nâng cao nhận diện thương hiệu và thúc đẩy doanh số