Khai thác yếu tố cảm xúc để thu hút khách hàng tiềm năng

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Những website sử dụng yếu tố cảm xúc tác động mạnh mẽ tới khách hàng thường khiến họ có xu hướng mua hàng nhiều hơn”. Vậy, làm thế nào để khai thác yếu tố cảm xúc một cách tối ưu nhất nhằm tiếp cận khách hàng và tạo nên chuyển đổi? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Subiz để khám phá những cách đánh vào yếu tố cảm xúc của khách hàng tiềm năng.
emotional

Bạn đã biết cách khai thác tâm lý người dùng?

1. Kích hoạt tâm lý

Cảm xúc là thứ quyết định cách mà chúng ta mua hàng. Lúc vui, chúng ta có thể rủ người thân hay bạn bè cùng đi mua sắm để tranh thủ gặp gỡ hay chuyện trò. Cũng có thể khi thật buồn, chúng ta lại quyết định mua hàng để niềm vui nhận được một sản phẩm hữu ích xua tan mệt mỏi. Tuy nhiên, phần lớn các thương hiệu lại chưa biết cách tận dụng cơ hội này để phát triển mối liên kết về mặt cảm xúc với người mua. Họ mới chỉ tập trung vào việc mô tả đặc điểm sản phẩm mà quên đi mất việc phải thấu hiểu những cảm xúc đằng sau một quyết định mua hàng.

Vào năm 2014, Facebook tiết lộ rằng họ đã thay đổi số lượng các bài đăng tích cực và tiêu cực trên bảng tin của hơn nửa triệu người dùng được lựa chọn ngẫu nhiên. Kết quả của việc nghiên cứu cho thấy con người thường có xu hướng bị ảnh hưởng bởi trạng thái cảm xúc trong những nội dung trực tuyến mà họ nhìn thấy mỗi ngày. Điều này có nghĩa, nếu chúng ta nhìn thấy một bài đăng với cảm xúc tích cực, chúng ta thường sẽ hành động một cách tích cực và ngược lại.

Emotional

Con người có xu hướng chịu ảnh hưởng từ cảm xúc của người khác

Với kết quả nghiên cứu này, bạn hoàn toàn có cơ sở để phát triển một chiến dịch marketing số (digital marketing) kích hoạt yếu tố tâm lý của người dùng. Ví dụ, người dùng sẽ muốn chia sẻ nhiều hơn nếu họ cảm thấy hạnh phúc. Khi nội dung của bạn truyền tải tới người dùng thông điệp về hạnh phúc và niềm vui trong cuộc sống, họ sẽ tự động phản hồi tới những ưu đãi một cách tích cực, tự nguyện chia sẻ thông điệp và không ngừng lan tỏa chúng tới những người khác xung quanh.

2. Những trải nghiệm đáng nhớ

Ký ức là điều vô giá trong cuộc sống của chúng ta và phần lớn đều sẽ muốn được gợi nhắc lại những kỷ niệm đẹp trong quá khứ. Chúng ta thường nhớ về tuổi thơ, về khoảnh khắc khi tốt nghiệp trung học, lần đầu tiên nếm trải cảm giác chia ly hay thậm chí là khoảnh khắc xấu hổ khi lần đầu tiên thuyết trình trước đông người. Những trải nghiệm này gợi lên trong chúng ta về những cảm giác đặc biệt tại một thời điểm đặc biệt. Để đẩy nhanh tác dụng của những trải nghiệm đáng nhớ này, bạn hãy liên kết việc mua sắm của khách hàng tới những sự kiện đặc biệt trong cuộc đời của họ.

Chiến dịch “Nhà là nơi” có thể được coi là thành công lớn của Fami khi khai thác hiệu quả yếu tố cảm xúc với người dùng. Lấy ý tưởng chào mừng ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Fami đã tung chiến dịch trên cả 2 mặt trận online và offline. Fami không áp đặt những cách định nghĩa về gia đình mà tạo ra một sân chơi, một cơ hội để mọi người bày tỏ thoải mái định nghĩa của mình và gia đình cũng như chia sẻ những khoảnh khắc và kỷ niệm đáng nhớ bên người thân. MV được chọn làm video lan truyền (viral video) trong chiến dịch này là MV “Nhà là nơi” được sáng tác bởi nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong.

Nhà là nơi

Định nghĩa “Nhà là nơi” của Vlogger An Nguy

Kết quả:

  • 1 tuần sau khi đăng tải, số lượng lượt xem trên facebook là 564.000 lượt
  • 30 người nổi tiếng tham gia vào chiến dịch: Midu, Mỹ Linh, Gào, Thiên Minh, Hoàng Bách, Thái Trinh, Lưu Diễm Hương…
  • Hơn 9.163 người tham gia cuộc thi thiết kế Poster Nhà là nơi.

Như vậy, mỗi khi nhắc tới Fami, người dùng sẽ không chỉ nghĩ đến đây là loại sữa đậu nành tốt cho sức khỏe mà còn là thương hiệu có tác dụng gắn kết gia đình và lan tỏa thông điệp yêu thương đầy ý nghĩa. Người dùng sẽ muốn đọc nhiều hơn, nhấp chuột vào để xem thêm những ưu đãi mà Fami đang thực hiện và thậm chí quyết định mua sản phẩm.

3. Kể chuyện một cách trực quan

DemandGen Reports đã thống kê rằng những nội dung thể hiện bằng video trong B2B Marketing đã tăng từ 8% tới 54% và infographic vọt lên từ 9% tới 52% trong năm 2014. Có thể nói, sử dụng những công cụ trực quan như hình ảnh hay video là một phần không thể thiếu trong các chiến dịch marketing ngày nay.

Nội dung được làm trực quan sẽ có tác dụng kích thích các giác quan của con người. Bạn hãy thử tưởng tượng, cùng là nội dung về một chiếc bánh, nhưng nếu chỉ tả vị đơn thuần chắc chắn sẽ không khiến người dùng “chảy nước miếng” vì thèm muốn nhiều như một hình ảnh thể hiện rõ sự bỏng bẩy, mời gọi của chiếc bánh mới ra lò hay thậm chí là một video thể hiện quá trình làm bánh với những nguyên liệu tốt nhất và bằng sự cẩn thận cao độ nhất. Bên cạnh đó, nội dung được làm trực quan hoàn toàn có thể tạo ra cảm giác sợ hãi, khơi gợi lại những điều tiếc nuối hay diễn tả tình bạn, tình thân một cách xuất sắc.

fotolia_

Hãy khiến nội dung trở nên trực quan

Phông chữ được sử dụng cũng sẽ tạo nên một sự khác biệt. Con người thường có xu hướng coi những phông chữ rõ ràng, dễ đọc như bằng chứng của một sản phẩm đáng tin cậy.

Tuy nhiên, bạn không thể lựa chọn tùy tiện bất cứ bức ảnh nào để đăng tải lên website hay trang Instagram. Để khiến những câu chuyện được làm trực quan phát huy công dụng, hãy đa dạng hóa nguồn ảnh được dùng trên blog hay những phương tiện truyền thông mạng xã hội. Cùng với việc lựa chọn tiêu đề hay call to action một cách cẩn trọng, những nội dung trực quan của bạn chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới người dùng.

4. Sử dụng hiệu ứng lan truyền

“Social Proof” hay còn gọi là “Informational social influence (tạm dịch: “hiệu ứng lan truyền thông tin”) là một hành vi trong marketing, được định nghĩa như sau: “Đây là một hiện tượng tâm lý khi con người tìm kiếm sự xác nhận, giả định và mô phỏng lại từ hành động của người khác nhằm phản ánh hành vi của chính mình ở một tình huống xã hội nhất định. Hiệu ứng này thường nổi bật trong các tình huống xã hội không rõ ràng khi mọi người không thể xác định được cơ chế hành vi thích hợp, và họ bị thúc đẩy bởi giả định cho rằng những người xung quanh nắm bắt tình hình tốt hơn.”

Nói một cách dễ hiểu, con người thường có xu hướng tin tưởng những người đi trước, cụ thể là những người đã sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó và có những đánh giá về chúng. Bạn có thể không hoàn toàn tin vào những gì một nhà hàng quảng cáo nhưng lại thường khá yên tâm mỗi khi đọc phản hồi của người đã từng ghé qua trên các trang như Lozi hay Foody. Đối với một số người, một phản hồi đáng tin cậy của những người dùng trước họ có thể là yếu tố quyết định tới việc họ có mua hàng hay sử dụng dịch vụ hay không.

Để những bằng chứng xã hội phát huy tác dụng, bạn cần phải hiểu rõ những động lực thúc đẩy và những ý định của khách hàng. Những chuyên gia trong việc sử dụng các bằng chứng xã hội có thể khéo léo khiến khách hàng phải thực hiện hành động. Điều này xảy ra khi những người có sức ảnh hưởng lớn tới công chúng (người nổi tiếng) công khai khen ngợi một sản phẩm nào đó. Hình thức được sử dụng có thể là một bài báo hoặc một video bày tỏ sự hài lòng đối với sản phẩm.

Kết

Hãy luôn luôn xây dựng một mối liên kết về mặt cảm xúc mạnh mẽ với những người mua hàng. Khách hàng sẽ cảm thấy được kết nối với thương hiệu của bạn và quyết định mua sản phẩm nhiều hơn trong những lần kế tiếp. Phân tích cách để đưa yếu tố cảm xúc vào chiến dịch marketing, truyền tải những thông điệp ý nghĩa hay gợi nhắc những kỷ niệm đáng nhớ nơi người dùng và kể chuyện một cách trực quan là cách sẽ khiến bạn gắn kết với khách hàng.

Nguồn Kissmetrics

Bài liên quan:

Share this