1. Lựa chọn chủ đề
Lựa chọn chủ đề phù hợp sẽ giúp nội dung blog phát triển theo đúng hướng. Nếu bạn đang gặp vấn đề cá nhân, đây chính là một cách để nghĩ về chủ đề: sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thể giải quyết khó khăn không? Khi bạn nướng bánh mì, bạn giải quyết cơn đói bụng của khách hàng. Những người không mua sản phẩm của bạn vẫn gặp vấn đề đó, họ vẫn đói. Thông qua blog, bạn có thể định hướng tới khách hàng không những về việc bánh mì của bạn ngon đến mức nào mà còn là cách bạn giúp họ cảm thấy đỡ đói hơn, cũng như “bật mí” một chút về nơi tìm thấy bạn mỗi khi có vấn đề.
Hãy nhớ, bạn chỉ nên khéo léo gợi nhắc thay vì nói trực tiếp bởi mục đích cơ bản là xây dựng giá trị và khiến cho mọi người quay trở lại lần nữa. Quá chú tâm vào bán hàng cũng giống như tỏ tình vào lần hẹn hò đầu tiên: sẽ chẳng ai đồng ý đề nghị của bạn cả. Nếu cần chứng minh, hãy nhấn mạnh về tầm quan trọng của ngành hàng và bạn đang là 1 trong số các nhà cung cấp. Việc làm này sẽ giúp duy trì lòng tin khách hàng.
Trong giai đoạn đầu tiên của việc viết nội dung blog, bạn nên chọn chủ đề có liên quan trực tiếp đến các câu hỏi mà khách hàng thường xuyên đặt ra: làm sao để chuyển đổi nhiều khách hàng tiềm năng, giảm thời gian quản trị, tăng doanh thu…
Trong giai đoạn thứ 2, blog cần phát triển đa dạng hơn, vượt ra ngoài các câu hỏi hiện có của khách hàng để hướng tới việc giúp họ nhận ra các vấn đề ẩn sâu bên trong mà đôi khi chính họ không hề biết tới sự tồn tại của chúng . Những điều như: làm thế nào để biết khách hàng tiềm năng không thực sự “tiềm năng”, 7 cách có thể khiến bạn tốn thời gian hay 5 kênh mới để tạo doanh thu.
Những thứ này chưa cần đến tiêu đề, chỉ cần tới chủ đề. Tiêu đề sẽ tới sau.
Bí kíp: Phỏng vấn một khách hàng hiện tại và trả lời các câu hỏi/ thách thức bằng các bài blog.
2. Nội dung blog có hình ảnh so sánh
Không có bài đăng blog chuyên môn nào lại thiếu đi những hình ảnh so sánh đối chiếu, tất nhiên, càng đơn giản càng tốt. Việc so sánh này giúp tiết kiệm thời gian, liên kết dịch vụ của bạn với những thứ mà khách hàng vốn đã biết rõ và đẩy nhanh mức độ thấu hiểu. Một hình ảnh so sánh tốt (ví dụ như sự tương đồng giữa việc làm bánh mì và quá trình xây dựng nội dung blog ở đầu bài) là ý tưởng giữ cho mọi thứ trong bài viết đồng nhất và dễ nhận biết.
Hình ảnh so sánh nên biến những thứ phức tạp nhất về sản phẩm hoặc dịch vụ trở nên cực kỳ đơn giản và dễ dàng “tiêu hóa”. Hãy bỏ qua các thuật ngữ rắc rối đặc thù của ngành nghề kinh doanh và khiến cho câu từ trở nên rõ ràng, dễ hiểu. Trong trường hợp này, “Đây là hệ thống marketing tự động hóa” sẽ trở thành “Nó giống như những lời gợi ý của Amazone nhưng được gửi tới tận hòm thư của bạn”.
Bắt đầu bài đăng của bạn với hình ảnh đối chiếu này và đừng quên lấy nó làm mạch xuyên suốt kết nối mọi thứ bên trong.
Bí kíp: Hình ảnh so sánh càng đơn giản càng tốt. Nếu bạn phải dành nhiều hơn 5 dòng liên tiếp dể giải thích, nó quá phức tạp.
3. Bắt đầu viết toàn bộ nội dung blog
Bây giờ chính là lúc để hành động. Hãy giải phóng cảm hứng, hướng tới mục tiêu viết toàn bộ mọi thứ trong tâm trí và để cảm xúc dẫn lối bạn đi càng xa càng tốt. Sẽ là hết sức bình thường nếu bạn viết 2 tới 3 lần cho một bản nháp. Giống như thứ bột bánh mì tuyệt hảo, bạn càng bắt đầu nhiều lần và để bột lên men càng lâu, vị ngon càng thấm sâu khi được thực khách thưởng thức.
4. Viết đoạn cuối cùng và quay lại phần mở đầu
Xây dựng nội dung blog buộc bạn phải nghĩ về những thứ bên ngoài, kể một vài câu chuyện, chủ đề, các hình ảnh so sánh khi viết. Chỉ đến khi bạn đã làm xong, bạn mới nhận ra mình đã thực sự viết cái gì ở phần đầu tiên. Khi đặt dấu “chấm” cuối cùng của bài, đây là thời điểm bạn hiểu rõ toàn bộ ý tưởng, quay lại và viết một đoạn mở đầu thu hút, đủ để bất cứ ai đọc qua cũng muốn đọc trọn vẹn.
5. Để “nghỉ” qua đêm, quay lại và sửa đổi
Tại sao chúng ta phải để bột “nghỉ”? Bởi trong khoảng thời gian này, bột sẽ dần được ổn định và tất cả các hương vị bắt đầu hòa quyện vào nhau theo những cách mới mẻ, đầy thú vị. Do đó, nếu bạn để cho bài blog “nghỉ” qua đêm, bạn có thể tiếp cận nó từ một khía cạnh độc đáo hơn. Quay trở lại và kiểm tra vài lần để chắc chắn những điều sau đây:
- Các luận điểm hỗ trợ tốt cho chủ đề
- Các đoạn văn làm rõ cho luận điểm
- Không có các từ thừa.
6. Lựa chọn tiêu đề và hình ảnh
Chip và Dan Heath, tác giả của cuốn sách best-seller “Tạo ra thông điệp kết dính” (Made to Stick) đã gợi ý nguyên tắc viết tiêu đề mang tên SUCCESS (không có chữ S cuối cùng) gồm: Simple (Đơn giản), Unexpected (Bất ngờ), Concrete (Cụ thể), Credible (Đáng tin cậy), Emotional (Cảm xúc), Stories (Kể chuyện). Dưới đây là một ví dụ:
“7 cách ngỡ ngàng Abraham Lincoln có thể “cứu” đội ngũ bán hàng của bạn”
Abraham Lincoln và bán hàng? Nghe có vẻ hấp dẫn đây, tiếp tục nào. Tiêu đề bao gồm điểm nhấn và thể hiện nội dung đồng nhất: Hãy đọc nó đi và bạn sẽ học được cách cải thiện hiệu quả bán hàng.
Khi chọn hình ảnh, bạn cần cân đối nó với hình tượng so sánh. Một bài đăng blog thành công nên bao gồm hình ảnh, tiêu đề và liên quan chặt chẽ tới chủ đề. Trong số “danh sách thu gọn” hình ảnh tiềm năng, hãy chọn cái bắt mắt nhất, có độ tương phản cao nhất và có khả năng thúc đẩy tạo hành động mạnh nhất.
Giờ bạn đã có công thức, hãy nướng chiếc bánh mì của bạn
Đừng e ngại việc viết nội dung blog, bạn sẽ nhận ra chúng dễ dàng hơn những gì bạn nghĩ và giống như bất kỳ kĩ năng nào khác, luyện tập viết lách thường xuyên sẽ đem lại quả ngọt. Khi bạn có động lực, bạn sẽ tìm thấy các hình tượng so sánh và chủ đề ngay cả khi đang làm một công việc khác. Sẽ đến một thời điểm thậm chí bạn có quá nhiều ý tưởng đến mức không kịp theo hết tất cả.
Theo Business2community
Bài liên quan: