Sai lầm phổ biến trong Thương mại điện tử

Xây dựng một website thương mại điện tử hoạt động hiệu quả có thể khá khó khăn, đặc biệt khi đây lại là lần đầu bạn triển khai. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn cần phải là người đầu tiên mắc lỗi. Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Chỉ có kẻ ngốc mới học từ những sai lầm của chính mình. Người khôn ngoan sẽ biết cách học từ sai lầm của người khác”.
Khách hàng không muốn kiên nhẫn với những sai lầm của bạn

Khách hàng không muốn kiên nhẫn với những sai lầm của bạn

Trong bài viết này, Subiz liệt kê lại bảy sai lầm phổ biến mà hầu hết những website thương mại điện tử đều mắc phải cũng như một số gợi ý để bạn có thể tránh.

1. Tâm lý “Nếu mình dành hết công sức đầu tư, thành quả sẽ đến”
Chẳng có gì đảm bảo điều đó. Xây dựng doanh nghiệp cũng như tạo lưu lượng truy cập ổn định cần thời gian, sự nhiệt tình và công sức. Theo thống kê của Internet Live Stats, trên toàn cầu hiện nay có khoảng 1.202.012.086 website, và cũng theo World Wide Web Size, hiện tại có tới 4.440.000.000 page. Hãy giành ít phút để nghĩ về những con số này. Giả sử, bây giờ khi bạn tạo thêm một website bán hàng, bạn sẽ ở vị trí số 1.202.012.087. Làm thế nào mọi người biết đến bạn?

Xây dựng một website có giao diện bắt mắt, thu hút cùng với những sản phẩm tuyệt vời chưa chắc khách hàng đã tự tìm đến được. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt tay vào làm, bạn phải nhận thức một điều rằng: thiết kế giao diện mới chỉ là bước khởi đầu trong hành trình tuyệt vời để xây dựng doanh nghiệp và vẫn còn nhiều hoạt động khó khăn hơn đang chờ đợi bạn ở phía trước.

2. Không đặt logo trên website
Logo thường là thứ đầu tiên khách truy cập bắt gặp cũng như tạo ấn tượng với họ về một cửa hàng trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều trang thương mại điện tử hiện đang sử dụng tên cửa hàng cùng một đoạn thông tin để giới thiệu khi không có logo. Nhưng điều này dường như chưa bao giờ đem lại hiệu quả tối ưu.

Vậy, tại sao vẫn có trường hợp người thiết kế cửa hàng mà không đặt logo?

Thông thường, đó là bởi hầu hết mọi người vẫn nghĩ rằng: để có được một logo giá trị, họ cần phải tìm một nhà thiết kế và tiêu tốn rất nhiều tiền. Thực tế cũng có nhiều trường hợp như thế nhưng không thể khẳng định là điều này lúc nào cũng chính xác. Bởi, ngay bây giờ, vẫn có rất nhiều lựa chọn không quá tốn kém để thiết kế một logo. Vì vậy, không có lý do gì cửa hàng của bạn lại sử dụng một đoạn văn bản mặc định để thay thế.

3. Không có hoặc bị ép buộc phải chứng minh uy tín mạng xã hội
Chúng ta đều biết rằng, uy tín mạng xã hội có thể giúp website tăng tỉ lệ chuyển đổi. Lý do không phải vì thiếu cố gắng mà nhiều chủ doanh nghiệp gặp phải thất bại khi làm việc này. Đó có thể do họ thực hiện chưa đúng hoặc bị ép buộc như thế.

Đánh giá từ khách hàng cũ luôn có ảnh hưởng rất lớn đến những khách hàng mới

Đánh giá từ khách hàng cũ luôn có ảnh hưởng rất lớn đến những khách hàng mới

Chúng ta hãy nhìn lại một số cách tạo uy tín mạng xã hội chưa đúng cũng như vì sao nó lại gây hại thay vì có lợi:

  • Nhận xét: Nhận xét về cái gì?

Chúng ta thường nghĩ rằng việc có thêm mục đánh giá trên website thương mại điện tử là một điều tuyệt vời và có thể giúp gia tăng tỉ lệ chuyển đổi. Thực tế cũng chứng minh điều đó là không sai. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng, kết quả hoàn toàn có thể ngược lại.

Với lần đầu tiên tạo cửa hàng trực tuyến và chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn nên cân nhắc chưa đưa mục này vào trang sản phẩm cho đến khi tạo được uy tín và có thể yêu cầu khách hàng đưa ra nhận xét, đánh giá. Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là khi bạn bán nhiều loại sản phẩm.

Đứng ở vị trí một khách hàng, truy cập vào một website hay một trang sản phẩm có cài đặt ứng dụng đánh giá nhưng lại chưa có ai bình luận có thể khiến họ hoài nghi. Tại sao lại không có ai nhận xét gì nhỉ? Đã có ai mua sản phẩm này chưa? Hoạt động này hoàn toàn trái ngược với việc chứng minh uy tín mạng xã hội sẽ khiến khách hàng tự tìm hiểu thêm thông tin nếu họ muốn mua hàng của bạn.

  • Đăng ký ​​tài khoản trên những mạng xã hội uy tín nhưng lại không có fan.

Cũng giống như đánh giá, nhiều khách hàng trực tuyến sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như một chỉ số tin tưởng trong lần đầu tiên mua từ một cửa hàng lạ. Bạn có thể đăng ký tất cả mạng xã hội nhưng nếu tài khoản của bạn không có người theo dõi hay tương tác, điều đó chắc chắn sẽ phản tác dụng.

Vậy, giải pháp là gì? Thay vì đăng ký tài khoản trên tất cả những mạng xã hội uy tín, hãy bắt đầu với một mạng xã hội và xây dựng một lượng lượng fan hùng hậu. Sau đó, bạn có thể kết nối và tương tác thêm với những mạng xã hội khác. Điều này giữ cho bạn sự tập trung cũng như tận dụng ưu thế của mỗi kênh thay vì phân tán công sức và nỗ lực.

4. Không có trang thông tin giới thiệu hoặc trang liên hệ
Rất nhiều chủ cửa hàng chưa đánh giá đúng tiềm năng trang Giới thiệu của mình. Hãy nhìn lại một lần nữa số liệu phân tích trang của mình, chắc chắn bạn sẽ thấy trang Giới thiệu có số lượng ghé trang nhiều thứ hai hoặc ít nhất cũng trong top ba. Điều này chứng minh tầm quan trọng của trang đối với khách truy cập. Mặc dù vậy, nhiều chủ cửa hàng trực tuyến mới mở lại có xu hướng bỏ qua chúng. Đừng mắc lỗi cơ bản này nhé!

Dưới đây, tôi sẽ liệt kê một trong những sai lầm lớn nhất trên trang Giới thiệu và Liên hệ:

  • Không xây dựng được câu chuyện – Chính xác bạn là ai? Bằng cách nào cửa hàng của bạn tạo được thành công như hiện tại? Câu chuyện về sản phẩm của bạn là gì? Chúng được tạo ra như thế nào? Bạn không cần phải tạo một câu chuyện phức tạp, tuy nhiên, một vài đoạn có ý nghĩa với khách truy cập sẽ vô cùng có lợi.
  • Không cung cấp thông tin chi tiết về vị trí cửa hàng – Đúng là bạn chỉ bán hàng online, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người không muốn xác định địa chỉ. Nhiều khách hàng vẫn muốn biết bạn ở đâu cũng như nguồn gốc sản phẩm bạn đang cung cấp. Với một số người, đó chỉ là vấn đề tin tưởng, trong khi những người khác họ muốn biết thông tin hải quan và thuế nếu sản phẩm của bạn là hàng nhập khẩu.
  • Sử dụng địa chỉ email có thêm thông tin doanh nghiệp – Vâng, sử dụng Gmail đã rất tốt nhưng vẫn chưa đủ. Vì vậy, nhiều thương nhân mới khởi nghiệp mắc lỗi này khi sử dụng một địa chỉ email quá chung chung. Liệu khách hàng sẽ biết thêm gì về bạn? Hãy dành thời gian để thiết lập một tên miền (dạng thươnghiệu.com) cùng địa chỉ email thích hợp để khách hàng biết bạn đang lên kế hoạch xây dựng lộ trình kinh doanh trong lâu dài.

5. Thiết lập chiến lược SEO phi thực tế
Có lẽ vấn đề phổ biến nhất với cửa hàng trực tuyến mới thành lập là họ không làm SEO hoặc làm chưa đúng cách. Trên thực tế, SEO không phải là khoa học tên lửa, nhưng lại không hẳn dễ dàng để tối ưu. Thêm nữa, làm SEO có thể mất một khoảng thời gian mới thấy dấu hiệu của thành công.

Bạn nên dành thời gian cho một chiến lược SEO đúng hướng

Bạn nên dành thời gian cho một chiến lược SEO đúng hướng

Có điều, SEO khá cần thiết và có thể là một trong những công cụ hữu hiệu nhất cho bạn vì có thể tiếp tục mang lại lưu lượng truy cập được nhắm mục tiêu đến website của bạn. Không giống như Facebook hay Google Adwords lưu lượng truy cập cũng hết luôn khi bạn không trả tiền.

Ngay bây giờ, liệu bạn có thể liệt kê những từ khóa trong top 10 mà bạn đang cố gắng để nhắm mục tiêu dài hạn? Nếu không, nên giành thời gian thực sự suy nghĩ về SEO cũng như chiến lược từ khóa.

6. Tập trung vào quá nhiều thứ một lúc
Kinh doanh quả là khó khăn và phức tạp. Xây dựng một doanh nghiệp cũng tương tự một bác sĩ phẫu thuật não phải tiến hành nhiều ca phẫu thuật một lúc. Đó chắc chắn sẽ là thảm họa! Có thể sự sống của một ai đó chưa đến mức ngàn cân treo sợi tóc, nhưng sự thành bại của một doanh nghiệp là hoàn toàn có thế.

Doanh nhân thường bị phân tán, tự mình đuổi theo cái đuôi của mình: những ứng dụng hấp dẫn, chiến thuật tăng trưởng chộp giật thay vì hoàn thành những mục tiêu đã đề ra. Điều này dẫn đến một cách tiếp cận phân tán mà không đem lại kết quả tích cực.

Sự phân tán quá nhiều kênh sẽ hút hết năng lượng của bạn và hiếm khi đạt được kết quả như mong muốn. Tập trung vào một nhiệm vụ, một kênh, một mục tiêu tại một thời điểm mới là hiệu quả nhất!

7. Chưa đầu tư đúng mức cho mỗi kênh tiếp thị
Cuối cùng, một trong những sai lầm phổ biến nữa mà doanh nghiệp thương mại điện tử mới và ngay cả những người kỳ cựu hay mắc phải đó là không dành đủ thời gian, năng lượng và tiền bạc cho mỗi kênh tiếp thị. Trong số những sai lầm phổ biến nhất, đây có thể coi là sai lầm lớn nhất.

Đầu tư dàn trải một cách nửa vời sẽ khiến công việc kinh doanh của bạn nhanh chóng đến hồi kết

Đầu tư dàn trải một cách nửa vời sẽ khiến công việc kinh doanh của bạn nhanh chóng đến hồi kết

Có rất nhiều cách để tạo lưu lượng truy cập cho cửa hàng của bạn cũng như hàng trăm kênh tiếp thị. Tuy nhiên, không phải cái gì bạn cũng có thể áp dụng.

Cho dù đó là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, tiếp thị công cụ tìm kiếm, quảng cáo Facebook, tiếp thị Instagram hoặc tận dụng tâm lý đám đông, tất cả đều đòi hỏi một nỗ lực thực sự bền bỉ và đôi khi là cả tài chính. Tốn đến cả triệu bạc đầu tư cho quảng cáo trên Facebook và không nhận được bất kỳ đơn hàng nào chưa hẳn chứng tỏ kênh này không làm việc hiệu quả và nên từ bỏ. Có thể do số tiền bạn đầu tư để tìm đúng đối tượng nhắm mục tiêu chưa đủ lớn hoặc thiết kế banner quảng cáo và thông điệp chưa phù hợp. Có rất nhiều lí do và việc của bạn là đầu tư thời gian, sự kiên nhẫn để tìm ra chiến lược hiệu quả nhất cho mỗi kênh.

Khi xây dựng một doanh nghiệp trực tuyến, ưu tiên và giành thời gian tối ưu một kênh tại một thời điểm sẽ luôn đem lại hiệu quả lớn nhất. Điều này có nghĩa là bạn phải xây dựng được chiến lược để xác định kênh mà bạn tin sẽ hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Sau đó, dành thời gian để hiểu được phương thức hoạt động, xây dựng chiến lược, rồi đầu tư thời gian, tiền bạc và phân tích kết quả một cách cẩn thận.

Kết luận
Xây dựng một doanh nghiệp thương mại điện tử là công việc khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở số lượng công việc bao nhiêu, bởi, mắc những sai lầm phổ biến ở trên có thể phá hỏng những nỗ lực của bạn và khiến công việc càng trở nên rối rắm.

Hãy chắc chắn rằng bạn thường xuyên giành một khoảng thời gian để có một cái nhìn khách quan về website của mình, kênh tiếp thị đang sử dụng, cũng như mục tiêu đã đề ra để biết rằng con đường mình đang đi là phù hợp và sẽ thu hút lưu lượng truy cập cũng như giúp bạn nâng cao doanh số bán hàng.

Bài liên quan: Tám sai lầm khiến khách hàng thay đổi quyết định ở phút 89

Nguồn: Shopify.com

Share this