Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các ông lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, và TikTok Shop. Mức tăng trưởng doanh thu tính đến quý III/2023 đạt 63 nghìn tỷ đồng. Theo dõi sự biến động của thương mại điện tử năm 2023 và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trong những năm tới.
Tổng quan thị trường các sàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2023
Những thông tin dưới đây được lấy từ báo cáo số liệu của Metric – Nền tảng số liệu Ecommerce (thương mại điện tử – TMĐT).
Thị trường TMĐT trong quý I/2023
Theo Metric trong 3 tháng đầu năm, tổng doanh thu của 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tik Tok Shop, Tiki và Sendo đã đạt 39 nghìn tỷ đồng.
Tổng cộng có 412.769 đơn hàng được phát sinh trên 5 sàn này với 390 triệu sản phẩm được bán ra.
Thị trường TMĐT trong quý II/2023
Báo cáo Metric cho thấy doanh thu tổng cộng của 4 sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo) trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 22.5% so với cùng kỳ năm 2022 (tại thời điểm này năm trước, Tik Tok Shop chưa hoạt động). Nếu tính cả doanh thu từ Tiktok Shop, tỷ lệ tăng này lên đến 46%.
Thị trường TMĐT trong quý III/2023
Theo báo cáo, tổng doanh thu của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong quý III/2023 đạt 63 nghìn tỷ đồng, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng 54,42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu đã vượt qua toàn bộ năm 2022 với sự tăng lên khoảng 10 nghìn tỷ đồng, tương đương 7%. Trong đó, Tik Tok Shop đã đóng góp 25 nghìn tỷ đồng. Nếu chỉ tính trên doanh thu của 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo (Tik Tok Shop ra mắt vào cuối tháng 4/2022), tỷ lệ tăng trưởng so với cùng kỳ là 33%.
Sự thay đổi thị phần sàn thương mại điện tử trong năm 2023
Nhìn chung về năm 2023 thị phần của Shopee vẫn đứng đầu Việt Nam, cùng với sự vươn lên của nền tảng Tik Tok Shop.
Quý I/2023
Shopee đứng đầu với doanh thu là 24.7 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% thị phần.
Lazada đứng ở vị trí thứ hai sau Shopee với thị phần doanh thu trên sàn thương mại điện tử trong quý I/2023, đạt mức 7.5 nghìn tỷ đồng với 55.2 triệu sản phẩm được giao thành công.
Mặc dù vậy, Tik Tok Shop đã làm nổi bật cái tên bằng những bước phát triển nhanh chóng, vượt qua cả Tiki và Sendo để đứng ở vị trí thứ 3 với doanh thu đạt 6 nghìn tỷ đồng (tương đương 80% của Lazada).Trong quý I/ 2023, Tik Tok Shop có hơn 68 nghìn nhà bán và đã bán ra 42.1 triệu sản phẩm.
Thị phần của Tiki do bị nền tảng Tik Tok Shop vươt qua. Trong quý I/2023, Tiki đạt doanh thu hơn 800 tỷ đồng, với 2.8 triệu sản phẩm được bán thành công.
Đứng ở vị trí thứ 5 làSendo với tổng cộng doanh thu đạt được khoảng 55 tỷ đồng và hơn 290 nghìn sản phẩm đã được bán ra thành công.
Quý II/2023
Shopee tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử với thị phần gần như không thay đổi, chiếm 63%, tổng doanh thu đạt được trong quý là 33.000 tỷ đồng với hơn 667 triệu sản phẩm được bán ra.
Sự bất ngờ lớn nhất trong quý II so với quý I/2023 là sự thay đổi về thứ tự của Tik Tok Shop với doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng, nền tảng này đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần từ các sàn thương mại điện tử khác.
Lazada giảm xuống vị trí thứ 3 với tổng doanh thu là 15.700 tỷ đồng, bao gồm 117,5 triệu sản phẩm bán ra.
Cả hai sàn Tiki và Sendo có doanh số rất nhỏ so với top 3. Cụ thể, Tiki ghi nhận doanh thu là 1.600 tỷ đồng, với 5,8 triệu sản phẩm bán ra. Trong khi đó, Sendo đứng ở vị trí thứ 5 với tổng doanh thu là 112,3 tỷ đồng, bao gồm 511.000 sản phẩm bán ra.
Quý III/2023
So với quý II/2023, Shopee tiếp tục duy trì ổn định vị trí top 1 và gia tăng thêm 6% thị phần đạt 69%, mức doanh thu đạt được là 43.713 tỷ đồng.
Tik Tok Shop, mặc dù thị phần có giảm nhẹ từ 18% xuống 16% nhưng vẫn duy trì hiệu suất tích cực với việc tăng 5% doanh thu so với 3 tháng trước đó, ghi nhận con số 10.122 tỷ đồng.
Lazada đứng ở vị trí thứ 3 vẫn bị giảm 18% xuống còn 14%, ghi nhận doanh số bán hàng đạt 8.768 tỷ đồng.
Tiki vẫn dậm chân tại chỗ với mức doanh thu đạt được là 599 tỷ đồng.
Tiếp tục đứng vị trí thứ 5 là Sendo với mức doanh thu được ghi nhận là 29 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, sàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trưởng trong dịp các chương trình khuyến mãi đặc biệt được triển khai trong dịp lễ và tết cuối năm. Dự kiến, các sàn TMĐT sẽ tiếp tục đạt được sự phát triển mạnh mẽ về doanh thu trong quý IV/2023.
Dự báo quý IV/2023
Doanh thu và sản lượng của toàn thị trường thương mại điện tử (TMĐT) trong quý III/2023 đều ghi nhận mức tăng trung bình trên 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo cho quý IV/2023, doanh thu trên năm sàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tính cả Tik Tok Shop dự kiến sẽ đạt mức 90.000 tỷ đồng, với hơn 850 triệu sản phẩm được bán ra.
Sự thay đổi doanh thu của các ngành hàng
Trong năm 2022, ngành hàng làm đẹp giữ vị trí đứng đầu với doanh thu gần 20,5 nghìn tỷ đồng (chưa tính Tik Tok Shop). Giữ vững thành tích, ngành hàng này vẫn tiếp tục đứng đầu về doanh thu trên Shopee, Lazada và TikTok Shop.
Chỉ trong quý III/2023, ngành hàng làm đẹp đã đạt doanh thu 8.690 tỷ đồng với 73,4 triệu sản phẩm đã bán ra, đạt mức tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm 2022. Các sản phẩm nổi bật trong ngành Làm đẹp như: chăm sóc da mặt, trang điểm, sữa tắm và chăm sóc cơ thể, chăm sóc tóc…
thương mại điện tử Việt Nam năm 2023
Chỉ riêng trên sàn Tiki, sách là ngành hàng đem về doanh thu cao nhất.
Ngành hàng Nhà cửa – Đời sống đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể lên đến 75% so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời đưa ngành này lên vị trí thứ hai về tổng doanh thu với con số 8.095 tỷ đồng.
Đứng vị trí thứ ba, ngành hàng thời trang nữ với doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng.
Dụng cụ và thiết bị tiện ích, dụng cụ nhà bếp là những nhóm sản phẩm nổi bật trong ngành điện gia dụng được xếp vị trí thứ tư.
Các ngành đứng vị trí tiếp theo trên các sàn thương mại điện tử là ngành mẹ và bé; sức khỏe; thể thao và du lịch;.. được biểu hiện bằng hình dưới đây.
Thói quen mua sắm trên sàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của người tiêu dùng thay đổi như thế nào?
Thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử đã trải qua những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, cho những tiến bộ về công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Dưới đây là một số xu hướng chính.
Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng
Kết quả khảo sát cho thấy rằng, tới 63% người tiêu dùng trên toàn cầu đã tăng cường việc mua sắm trực tuyến, trong khi đó 42% người giảm mua sắm tại các cửa hàng tại chỗ để chuyển sang mua sắm online.
Những người tiêu dùng cho biết, họ sẽ tiếp tục tăng cường việc mua sắm trực tuyến, với tỷ lệ lên đến 50%. Tỉ lệ này đạt mức cao nhất ở thế hệ Millennials nòng cốt (58%), thế hệ Millennials trẻ (57%), và thế hệ Gen Z (57%). Ngược lại, thì tỷ lệ này thấp hơn ở thế hệ Baby Boomers (32%) và Gen X (42%). Đáng chú ý là, có 39% trong số những người được khảo sát dự kiến sẽ duy trì mức độ mua sắm trực tuyến ở mức hiện tại.
Mua hàng qua tin nhắn
73% người tiêu dùng tại Việt Nam hiện đang sử dụng tin nhắn hội thoại để tương tác với doanh nghiệp. Sau giai đoạn đại dịch, gần 2/5 người tiêu dùng Việt Nam trò chuyện với doanh nghiệp thường xuyên hơn. Đến 39% người được thăm dò ý kiến cho biết họ đã tăng cường việc sử dụng tin nhắn hội thoại sau đại dịch Covid-19.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, ít nhất một trong ba người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên trò chuyện với doanh nghiệp mỗi tuần. Hành vi nhắn tin và tương tác kinh doanh qua hội thoại trở nên phổ biến ở mọi đối tượng, đặc biệt là trong nhóm người thuộc thế hệ Millennials và Gen Z.
Xu hướng mua hàng theo review
Đa số người tiêu dùng (53%) thường đọc từ 1 đến 10 đánh giá, khoảng 29% đọc từ 11 đến 25 đánh giá, và 18% còn lại đọc từ 26 đánh giá trở lên trước khi ra quyết định mua sắm.
Tuy nhiên, số lượng đánh giá mà một người tiêu dùng đọc thường phụ thuộc vào giá trị của sản phẩm mà họ đang quan tâm. Sức ảnh hưởng của đánh giá lớn đến mức độ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của nhiều người tiêu dùng, họ có thể không mua sản phẩm nếu không tìm thấy đánh giá nào về sản phẩm đó. Đến 86% người tiêu dùng trực tuyến thường quyết định hoãn việc mua sắm hoặc từ bỏ nếu không có thông tin đánh giá từ khách hàng cũ. Đây là các bằng chứng chứng minh xu hướng mua hàng theo review ngày càng tăng.
Mua sắm trên thiết bị di động
Khách hàng ngày càng đặt ưu tiên cao vào việc dễ dàng thao tác trên ứng dụng điện thoại. Có tới 57% khách hàng không hài lòng với doanh nghiệp có trang web thiết kế và hiển thị kém trên thiết bị di động. Theo khảo sát của Stat Counter, 52% tổng lưu lượng truy cập Internet từ máy tính để bàn/laptop dự kiến sẽ giảm, thay vào đó sẽ có tăng cường sử dụng thiết bị di động để thực hiện các hoạt động như mua sắm và gửi phản hồi.
Dự kiến đến năm 2025, với dân số khoảng 100 triệu người, lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam có thể chiếm hơn 70%. Thị trường sàn thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Với dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ, Việt Nam được đánh giá là một thị trường tiềm năng cho thương mại điện tử.
Xem thêm:
Tổng quan thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 – 2025
Một số vấn đề trong kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam