Chuỗi bài gồm 5 phần:
- Phần 1: Website của bạn đã sẵn sàng cho mùa bán hàng cuối năm?
- Phần 2: Tạo cú hích doanh thu dịp cuối năm
- Phần 3: Tìm cảm hứng cho hoạt động truyền thông mạng xã hội dịp cuối năm
- Phần 4: Sẵn sàng để cung cấp dịch vụ khách hàng tốt nhất dịp cuối năm
- Phần 5: Tương tác hiệu quả qua live chat khi khách hàng tăng cao dịp cuối năm
Từ thế giới…
1. Starbucks: #redcupcontest
Những chiếc ly màu đỏ mang thương hiệu Starbucks hiện đã trở nên quá nổi tiếng, đồng thời hãng cafe lớn nhất thế giới này đã thực sự thành công trong việc ghi dấu ấn một ngày truyền thống – Red Cup Season – thu hút sự tương tác và háo hức chờ đợi của khách hàng. Starbucks tổ chức ngày #redcupcontest trên Instagram để tri ân khách hàng của mình, đồng thời thách thức họ chia sẻ và tag ảnh những chiếc ly đỏ với hashtag #redcupcontest để dành một trong năm giải thưởng vô cùng đặc biệt.
Chỉ tính riêng trong hai ngày đầu tiên sau khi chính thức thông báo cuộc thi, cứ mỗi 14 giây lại có một bức ảnh kèm hashtag #redcupcontest được chia sẻ trên Instagram và chỉ trong một ngày tổ chức cuộc thi đã có tới 40.000 ảnh đã được đăng tải. Cùng với hashtag #redcupcontest, Starbucks không chỉ nắm vững nghệ thuật cuộc thi mà còn khai thác thành công sự sáng tạo, khả năng khuyến khích khách hàng chia sẻ trên mạng xã hội – một chiến lược người dùng sáng tạo nội dung (User-generated Content) độc đáo.
Trong những năm gần đây, UGC đặc biệt chứng tỏ vai trò của mình khi kết hợp hoàn hảo với sở thích kể chuyện bằng chính “phản hồi” của khách hàng, cùng thương hiệu xây dựng nội dung thông qua các nền tảng xã hội như Instagram, Youtube và Facebook. Theo Econsultancy, chìa khóa cho một chiến lược UCG thành công chính là “tạo cơ hội cho khách hàng trò chuyện cùng thương hiệu”.
Thành công của Starbucks bắt nguồn từ việc tạo đòn bẩy về sự hào hứng, phấn khích chờ đợi một sự kiện đặc biệt dịp cuối năm và tận dụng điều đó để điều hướng cuộc trò chuyện tự nhiên của khách hàng về thương hiệu, tăng tương tác. Thương hiệu muốn tiếp bước Starbucks buộc phải chi tiết hóa và sáng tạo trong các chiến dịch người dùng sáng tạo nội dung để cộng hưởng với khách hàng mục tiêu, tạo ra nội dung tuyệt vời đến từ các khách hàng thay vì thương hiệu.
2. Kate Spade: Trò chơi chờ đợi
Một ví dụ điển hình khác mà Subiz muốn giới thiệu đến từ thương hiệu thời trang Kate Spade với chiến dịch mua sắm qua video – “The Waiting Game”. Trong cả bản 2 phút và clip 5 giây, “The Waiting Game” tái hiện cảnh nữ diễn viên Anna Kendrick trong thời gian chờ người đến phá cửa vì để quên chìa khóa trong nhà đã tranh thủ thử những đồ mình vừa mua được từ Kate Spade.
Điểm độc đáo của video là ở khả năng cho phép người dùng mua sắm những sản phẩm mang thương hiệu Kate Spade trực tiếp bằng cách click vào những món đồ họ thấy trong video. Kate Spade đã rất sáng tạo trong việc phát triển “The Waiting Game” từ một quảng cáo dí dỏm, hài hước trở thành một trải nghiệm mua sắm ấn tượng và đặc biệt thu hút sự chú ý của nữ giới.
Chỉ trong một thời gian ngắn, “The Waiting Game” đã có tới 500.000 lượt xem trên Youtube. Và theo Sprinklr’s Social Business Index, chỉ trong vòng 1 tháng, video trên đã tăng tới 30% thảo luận về xã hội xung quanh thương hiệu. Sự sáng tạo đặc biệt của Kate Spade đã đưa “The Waiting Game” từ mục tiêu cơ bản thu hút tương tác trên mạng xã hội tiến đến một cấp độ mới, mở ra hình thức kết nối trực tiếp giữa thương mại điện tử và phương tiện tương tác như video.
Chính sáng tạo này giúp các thương hiệu tạo đòn bẩy thu hút khách hàng tương tác trực tiếp, lựa chọn và đưa ra quyết định ngay khi sản phẩm họ quan tâm xuất hiện trên màn hình.
3. Budweiser: #HolidayBuds
Budweiser tung ra chiến dịch #HolidayBuds nhằm thu hút sự chú ý, tương tác của nhóm khách hàng trong độ tuổi 18-35. Thương hiệu này Budweiser đã tái phát hành phiên bản giới hạn – với vỏ chai và thùng gỗ Vintage từ ba thời kỳ riêng biệt: 1918, 1933 và 1976, trùng hợp với sự khởi đầu và kết thúc của thời kỳ rượu lậu – thời kỳ rượu bia bị cấm sản xuất và buôn bán và một phiên bản của lễ kỷ niệm năm thứ 100 của thương hiệu bia nổi tiếng này.
Trong suốt chiến dịch, Budweiser khuyến khích khách hàng chia sẻ hình ảnh vỏ chai cổ điển của họ trên Facebook, Twitter, Instagram và YouTube sử dụng hashtag #HolidayBuds. Chưa hết, Budweiser cũng yêu cầu người dùng thêm tên của những người bạn mà họ muốn thưởng thức cùng nhau và tạo điều kiện cho khách hàng tụ tập tại những cửa hàng bên ngoài.
Chiến dịch của Budweiser chính là ví dụ điển hình của việc trong lấp khoảng trống giữa hoạt động trực tuyến và ngoài đời thực. Đồng thời, Budweiser giới thiệu một hướng đi đặc biệt khi lựa chọn tiếp cận một nhóm đối tượng mục tiêu.
Bài học dành cho bạn đó là, thay vì cố gắng để thu hút sự chú ý của tất cả các nhóm khách hàng, chìa khóa để thành công có thể đơn giản là hiểu biết rõ ràng về một nhóm đối tượng chính nào đó… Để sáng tạo hướng tiếp cận khách hàng thực sự thông minh, tốt nhất bạn nên phân nhóm khách hàng mục tiêu trước khi phát triển quảng cáo trên mạng xã hội.
…đến Việt Nam
Tại Việt Nam, Tết nguyên đán là thời điểm thương hiệu phát triển những chiến dịch đặc biệt, chạm đến trái tim người tiêu dùng.
4. OMO: “Xuân sum họp, Tết tròn yêu thương”
Tết 2015, OMO mang đến câu chuyện xúc động về em bé tốt bụng và ông lão bán tò he xa quê, với ý nghĩa giúp những người khó khăn có thế về nhà đoàn tụ với gia đình thì Tết “cái con khỉ” 2016, hãng bột giặt này đã tiến xa hơn một bước khi mang tới câu chuyện đầy tính nhân văn dưới góc nhìn của con cái đối với cha mẹ khi đã già yếu. Không chỉ về nhà là đủ, mà còn mang niềm vui và tuổi xuân trở lại với cha mẹ. Khả năng chạm đến trái tim khách hàng của thương hiệu đã được chứng tỏ ở 2 triệu lượt xem TVC này trong 2 tuần.
Đồng thời, chiến dịch chia sẻ lời hứa “Tết là về bên gia đình” kèm hashtag #Tếtlàvềbêngiađình cũng đã thu hút sự tham gia của 83 nghìn lượt người.
Đi kèm với đó, những hoạt động offline của OMO cũng không kém phần sôi động:
- Trao 3.000 hộp quà sum họp cho công nhân
- Cùng các em học sinh tiểu học trường Nguyễn Văn Trỗi, TP Hồ Chí Minh chuản bị 80.000 “Hộp quà sum họp” dành tặng các gia đình về quê ăn Tết
- Thương hiệu đồng hành trên hành trình về nhà: trang hoàng không gian Tết tại hàng loạt bến xe, nhà ga Bắc – Nam
5. Vinasoy – Mầm lộc an lành
Dù xuất hiện khá muộn nhưng “làn gió mới” của loạt phim Tết đã nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trong lòng khán giả. Chọn bối cảnh làng chài miền Trung, không chỉ thân thuộc với người Việt mà còn giúp Vinasoy gợi nhắc và tri ân vùng quê Quảng Ngãi – nơi thương hiệu này ra đời; đồng thời nhắc nhở chúng ta về cuộc sống mưu sinh với những khó khăn, điều không may bất chợt có thể xảy ra… Để từ đó, “đánh thức”, gửi gắm niềm tin về “an lành” đến mọi gia đình Việt Nam trong dịp Tết. Thông qua bộ phim ngắn, Vinasoy không chỉ dừng lại ở việc đem đến thông điệp an lành súc tích mà còn nhắn gửi lời chúc Tết đến mọi gia đình Việt thông qua hình ảnh “mầm lộc an lành” thay cho hình ảnh sữa đậu nành Vinasoy.
Sự độc đáo và sáng tạo của thương hiệu này đã lý giải vì sao, chỉ sau hơn 1 tuần ra mắt, sản phẩm trên đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem trên Youtube và đồng thời 10.000 lượt yêu thích, và gần 1.000 lượt chia sẻ trên Facebook.
Lời kết
Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội đang tác động trực tiếp tới thành công trong kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu bạn muốn có được những con số ấn tượng trong kinh doanh dịp cuối năm, không chỉ về doanh thu mà cả mức độ nhận diện thương hiệu, hãy ngồi lại và lên kế hoạch chi tiết cho những chiến dịch độc đáo và sáng tạo ngay từ bây giờ để bứt phá trong tháng tới. Hi vọng qua những ví dụ điển hình mà Subiz giới thiệu ở trên, các bạn đã có được gợi ý cho riêng mình để sẵn sàng bùng nổ!
Bài liên quan: