1. Hãy nói cho khách hàng biết bạn là ai
Bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như tạo chữ ký cho email của nhân viên chăm sóc khách hàng, bạn sẽ khiến khách hàng cảm nhận được sự chu đáo và chuyên nghiệp của bạn từ những giao tiếp đầu tiên. Khách hàng cần được biết họ đang trao đổi với ai, đến từ đâu…
2. Ưu tiên trả lời những email gần nhất trước
Thông thường, chúng ta sẽ trả lời những email cũ trước vì không muốn để cho khách hàng phải chờ đợi lâu thêm.
Tuy nhiên, những khách hàng đó cũng không hề biết rằng chúng ta ưu tiên và phản hồi họ trước. Để dễ hình dung hơn, bạn hãy tưởng tượng vào buổi sáng khi đến công ty, có 50 email đang chờ bạn phản hồi. Email xa nhất nhận được cách đó 12 tiếng và mail gần nhất là mới cách đó 5 phút.
Với những người đã đợi 12 tiếng, việc cần phải đợi thêm 1 hoặc 2 tiếng nữa thực sự không ảnh hưởng quá lớn. Nhưng nếu bạn ngay lập tức trả lời người mới gửi mail đến bạn 5 phút trước đó, chắc chắn họ sẽ phải ngạc nhiên và vô cùng hài lòng.
Tất nhiên, bạn cũng cần linh hoạt trong việc ưu tiên trả lời một số trường hợp người gửi đang cần bạn phản hồi gấp.
3. Tạo ra những khoảnh khắc thú vị cho khách hàng!
Chúng ta có thể sử dụng rất nhiều ứng dụng trả lời tự động cho khách hàng, điều này giúp ích không ít trong việc đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, khách hàng chắc chắn sẽ thích cảm giác được trò chuyện với một người hơn là một robot.
Đơn giản hơn, ngay sau khi khách hàng mua hàng, rất nhiều doanh nghiệp gửi đến khách hàng của mình email cảm ơn hoặc ưu đãi cho những lần mua hàng tiếp theo. Điều này tạo cho khách hàng cảm giác được quan tâm và đề cao.
Các Start-up trẻ nên tận dụng sự cá nhân hóa trong khi chăm sóc khách hàng để tạo sự khác biệt cho chính doanh nghiệp của mình so với các đối thủ khác trong mắt khách hàng.
4. Luôn chủ động đặt câu hỏi với khách hàng
Tiếp cận với khách hàng luôn là một cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Khi khách hàng tìm đến bạn vì cần được giúp đỡ là lúc họ sẵn sàng lắng nghe bạn nhất, đây chính là cơ hội tuyệt vời đế bạn có thể trò chuyện với họ.
Rất đơn giản, bạn giúp đỡ khách hàng xử lý những khó khăn họ đang gặp phải, một khi vấn để đã được giải quyết, bạn sẽ dễ dàng hỏi họ những điều bạn cần biết.
Với các khách hàng đang thỏa mãn, bạn có thể đề nghị họ đưa ra một vài review cho sản phẩm của mình. Với các khách hàng đang sử dụng sản phẩm, bạn có thể gợi ý họ sử dụng thêm các tính năng khác hoặc mua các sản phẩm bổ sung. Với các khách hàng tiềm năng, hãy thử thuyết phục họ chính thức sử dụng sản phẩm của bạn.
Từ đó, bạn sẽ có được sự chú ý của khách hàng nhiều hơn. Bạn và doanh nghiệp có thể sử dụng điều này như một cơ hội không chỉ để chăm sóc khách hàng tốt hơn mà còn phục vụ cho nhiều mục tiêu khác.
Xét cho cùng, trong một doanh nghiệp, đặc biệt là những start-up trẻ, mọi thứ đều là thử thách, thời gian không bao giờ là đủ để bạn có thể giải quyết từng thứ. Hãy tận dụng tất cả những nguồn lực mình có, tập trung vào các hoạt động có thể đem lại nhiều hiệu quả nhất. Mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tuyệt vời từ những điều nhỏ nhất có thể sẽ mang đến ưu thế khác biệt cho chính doanh nghiệp của bạn!
Nguồn: Helpscout