Bỏ giỏ hàng xảy ra khi người mua thêm một hoặc nhiều mặt hàng vào giỏ hàng ảo nhưng lại rời đi trước khi hoàn thành việc thanh toán. Thương hiệu có thể bị sốc khi biết rằng tỷ lệ bỏ giỏ trung bình của tất cả các ngành lên tới 67,91%. Nói cách khác, doanh nghiệp có thể đã để mất hơn một nửa doanh số chỉ vì lý do khách hàng bỏ giỏ. Thật đáng tiếc!
Để giảm tỷ lệ trên, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi tỷ lệ bỏ giỏ hàng vì con số này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số bán hàng, mức độ tương tác với thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng thảo luận một số mẹo đã được rất nhiều thương hiệu sử dụng để giảm tỷ lệ bỏ giỏ hàng, giữ chân nhiều người hơn trên website, tăng doanh số và mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng!
Đơn giản hóa cấu trúc giá của doanh nghiệp
Lý do đầu tiên khiến phần lớn khách hàng tiềm năng rời khỏi website sau khi thêm các mặt hàng vào giỏ phải kể tới các khoản phí bổ sung. Nghiên cứu cho thấy 56% số người bỏ giỏ bắt nguồn từ các chi phí mà họ thực sự không ngờ tới.
Vì vậy, thương hiệu cần lưu ý tới các chiến lược để đơn giản cấu trúc giá của mình. Đầu tiên, nên thêm giỏ hàng hiển thị ở tất cả các trang mà khách hàng đang xem. Khi đó, mọi người có thể xem chính xác chi phí mà họ sẽ phải trả, nhờ vậy, họ sẽ ít có khả năng rời đi do bị bất ngờ khi đến bước thanh toán cuối cùng.
Chưa hết, nếu bán các sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm vật lý, doanh nghiệp cũng nên lưu ý hiển thị chính xác công thức tính phí vận chuyển trên website để người mua có thể xem giá, các khoản thuế và phí vận chuyển của sản phẩm – ở một nơi.
Khách truy cập cũng nên biết liệu ở thời điểm hiện tại thương hiệu có chạy bất kỳ chương trình khuyến mãi đặc biệt hoặc có chính sách giao hàng miễn phí sau khi đạt đến mức chi tiêu nào không. Do vậy, trong thiết kế hoặc bố trí giao diện trên website cũng cần chú ý để các nút và mã khuyến mại hiển thị ở những vị trí đắc địa nhất, thôi thúc nhiều người vượt qua rào cản về giá để trở thành khách hàng hơn.
Hợp lý hóa trang thanh toán
Lần cuối cùng bạn kiểm tra lại trang thanh toán của mình là khi nào? Nhiều chủ doanh nghiệp và nhà tiếp thị thực hiện quy trình này duy nhất một lần và không chú ý để cải thiện quy trình thanh toán. Đây cũng chính là lý do mà nhiều khách hàng tiềm năng rời đi mà không hoàn thành việc mua hàng.
Tất cả khách hàng đã cố gắng đặt hàng trực tuyến với mong muốn có được trải nghiệm thuận tiện nhất, mua hàng nhanh nhất, nhưng kết quả họ nhận được chỉ là một trang thanh toán lộn xộn, tẻ nhạt. Do vậy, việc họ nhanh chóng rời khỏi website và không bao giờ quay lại cũng dễ hiểu. Chắc chắn không thương hiệu nào muốn “đuổi khách hàng đi” chỉ vì quá trình này quá phức tạp hoặc mất nhiều thời gian.
Một cách để cải thiện trải nghiệm trên trang thanh toán là giảm tối đa các bước người dùng phải thực hiện để hoàn tất đơn hàng. Việc bổ sung tùy chọn thanh toán dưới dạng khách là cách tuyệt vời để hợp lý hóa trang thanh toán. Đồng thời thương hiệu cũng nên khuyến khích người dùng tạo tài khoản để nhận được ưu đãi, chẳng hạn như giảm giá hoặc tặng quà cho lần mua hàng đầu tiên.
Chưa hết, doanh nghiệp cũng nên xóa các trường không cần thiết khỏi biểu mẫu thanh toán và sử dụng tính năng tự động điền thông tin khi có thể. Nếu ai đó đã tạo tài khoản, họ không cần phải nhập lại tất cả thông tin mỗi khi đặt hàng trên website. Trên thực tế, nhiều người sẽ bỏ giỏ hàng nếu nghĩ rằng mình cần phải điền lại từ đầu mỗi khi cần mua món gì đó từ cửa hàng trực tuyến của doanh nghiệp.
Không những thế, nếu trang thanh toán không hoạt động trơn tru trên thiết bị di động, doanh nghiệp cần thực hiện thay đổi càng sớm càng tốt. Bởi, hơn một nửa lưu lượng truy cập Internet đến từ điện thoại thông minh, vì vậy, nếu trang thanh toán không được tối ưu hóa cho những người dùng này, lẽ dĩ nhiên tỷ lệ bỏ giỏ hàng chắc chắn sẽ cao.
Giúp khách hàng tin tưởng thương hiệu
Chỉ khi khách hàng tin tưởng thương hiệu họ mới quyết định mua hàng. Bạn nghĩ một cửa hàng truyền thống sẽ tồn tại trong bao lâu nếu không ai tin tưởng hoặc tôn trọng họ? Câu trả lời là: chắc chắn sẽ không quá lâu.
Tuy nhiên, thương hiệu có thể thực hiện nhiều hoạt động để tạo dựng lòng tin với khách hàng và tăng doanh số bán hàng. Một trong số đó phải kể tới bằng chứng mạng xã hội trên website – khuyến khích người mua tin tưởng dịch vụ, sản phẩm của thương hiệu nếu họ thấy những người khác đã có trải nghiệm tốt trong quá khứ.
Bài đánh giá và lời chứng thực là những hình thức phổ biến nhất, vì vậy thương hiệu nên bổ sung các chương trình để có thêm lời đánh giá từ khách hàng cho tất cả các sản phẩm của mình. Nhưng đây chưa phải là cách duy nhất doanh nghiệp có thể làm để giúp khách hàng tin tưởng hơn.
Trust badges – huy hiệu tin cậy từ các công ty tên tuổi như PayPal, McAfee và Norton là một dạng bằng chứng xã hội mạnh mẽ khác mà doanh nghiệp có thể sử dụng để thu phục khán giả của mình. Người tiêu dùng biết và tôn trọng chứng nhận từ các “ông lớn” kể trên, vì vậy khi họ thấy một doanh nghiệp được chấp thuận bởi một hoặc tất cả các công ty này, họ có nhiều khả năng đặt hàng thay vì bỏ giỏ hàng. Nghiên cứu cho thấy rằng việc thêm huy hiệu tin cậy vào biểu mẫu thanh toán có thể cải thiện tỷ lệ chuyển đổi lên tới 42% – một con số quả thực rất ấn tượng!
Gửi email sau khi khách hàng rời đi
Sẽ có lúc người đăng ký hoặc khách hàng hiện tại bỏ giỏ hàng. Đôi khi hành động này không liên quan đến chất lượng website mà liên quan nhiều hơn đến lịch trình của họ. Ví dụ, nếu ai đó đang gọi món giữa giờ nghỉ trưa, họ có thể bỏ giỏ hàng để quay lại làm việc.
Vấn đề là, họ có thể mệt mỏi sau một ngày làm việc dài và quên đặt hàng. Nếu bạn ở đó để khuyến khích họ một cách thân thiện, bạn hoàn toàn có thể thuyết phục nhiều người trong số đó trở thành khách hàng.
Do vậy, thương hiệu có thể cân nhắc gửi 3 email nhắc nhở trong vòng một tuần kể từ khi khách hàng bỏ giỏ, với các mốc thời gian: một giờ sau khi họ rời đi, sau đó một ngày và một tuần sau khi họ bỏ giỏ. Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng chiến lược này có thể giúp thương hiệu thu về số đơn hàng nhiều hơn tới 69%!
Bạn có thể dừng chiến dịch nếu người đăng ký quay lại và đặt hàng sau email đầu tiên. Nếu không, hãy tiếp tục thử nghiệm và xem liệu có thể thuyết phục họ quay lại trang web hay không.
Chưa hết, tỷ lệ thành công hoàn toàn có thể cải thiện nếu thương hiệu cá nhân hóa dòng tiêu đề của email trước khi gửi đi, như tên khách hàng, sản phẩm và thực tế là họ đã rời đi mà không hoàn thành đơn đặt hàng của họ. Có thể mất một khoảng thời gian để thực hiện đúng chiến lược cá nhân hóa nhưng kết quả thu về thật sự rất đáng giá: có thể cải thiện tỷ lệ mở email lên tới 26%.
Chiến dịch retargeting trên mạng xã hội
Cuối cùng, đừng quên công cụ retargeting trên mạng xã hội. Trong đó, Facebook và Instagram là hai nền tảng phổ biến nhất.
Hiện tại, hơn 2,74 tỷ người sử dụng Facebook và 1 tỷ người sử dụng Instagram. Nói cách khác, bạn có thể yên tâm giả định rằng khán giả mục tiêu và những khách truy cập trước đây đang chờ đợi thông tin hấp dẫn từ thương hiệu.
Để sử dụng hình thức quảng cáo này và tiếp cận những người đã truy cập website, thương hiệu chỉ cần thiết lập chiến dịch trên Quảng cáo trên Facebook và điều chỉnh đối tượng mục tiêu của mình dựa trên thông tin về tập khách truy cập hiện có, sở thích của họ, v.v.
Bạn sẽ muốn dành nhiều thời gian và nỗ lực cho các mẫu tiếp thị. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mọi người sẽ không dành nhiều thời gian để đọc quảng cáo, vì vậy bạn cần phải chú ý truyền tải thông điệp một cách nhanh chóng và trực tiếp. Bạn có thể áp dụng các mẹo tiếp thị qua email được đề cập ở trên và lưu ý đến yếu tố cá nhân hóa trước khi bắt đầu triển khai. Nghiên cứu cho thấy 80% người mua nói rằng họ có nhiều khả năng tương tác với doanh nghiệp hơn nếu nội dung và chương trình khuyến mãi được cá nhân hóa!
Nếu cá nhân hóa được thông điệp của mình và tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu, thì thương hiệu đã có một cơ hội tuyệt vời để chuyển đổi một người mua sắm đã rời đi thành một người ủng hộ thương hiệu trung thành.
Giảm tình trạng bỏ giỏ hàng là một quá trình tốn nhiều thời gian nhưng đáng để theo đuổi nếu doanh nghiệp muốn tăng doanh số và mở rộng danh sách khách hàng tiềm năng. Hy vọng những chia sẻ ở trên sẽ giúp thương hiệu có thêm nhiều gợi ý để thu hút những người đã thêm hàng vào giỏ nhưng lại rời đi, từ đó từng bước phát triển doanh nghiệp của mình.
Theo Jared Atchison
Bài liên quan: