15 chỉ dẫn trực quan tuyệt vời mà Subiz chia sẻ dưới đây sẽ là cách giữ chân khách hàng trung thành hiệu quả và tỷ lệ giữ chân khách hàng được cải thiện đáng kể. Bắt đầu nhé!
Tương tác
1. Đại diện cho điều gì đó
Cách nhanh nhất để khiến khách hàng thờ ơ với bạn là không đại diện cho điều gì cả. Một nghiên cứu bởi Corporate Executive Board với 7.000 khách hàng từ khắp nước Mỹ đã chỉ ra rằng trong số những khách hàng nói họ có một mối quan hệ bền chặt với một thương hiệu, 64% coi những giá trị chung là lý do chính yếu. Nếu bạn muốn có những khách hàng trung thành, bạn cần họ quan tâm đến bạn… vậy BẠN đại diện cho điều gì?
2. Tận dụng các kiểm chứng xã hội (social proof) tích cực
Trong khi các kiểm chứng xã hội tiêu cực (VD “gần 90% số website không sử dụng phần mềm Heatmap”) được chứng minh là ngăn cản khách hàng hơn là khuyến khích họ, rất nhiều nghiên cứu về động lực khách hàng đã chỉ ra rằng các kiểm chứng xã hội tích cực (VD “Hãy tham gia đồng hành cùng 20.000 thành viên khác!”) thường là chiến lược hiệu quả nhất để khiến mọi người lắng nghe bạn.
3. Kích thích cái tôi cá nhân của khách hàng
Hầu hết mọi người đều thích những thứ có điểm chung với họ. Sự thiên vị về nhận thức này được gọi là vị kỷ mặc nhiên (implicit egotism), và đó là vấn đề quan trọng cần ghi nhớ khi giao tiếp với khách hàng. Để thu hút nhóm khách hàng mong muốn, bạn cần xác định được rõ từng chi tiết về khách hàng mục tiêu của mình, và đưa ra một thông điệp thương hiệu phù hợp hoàn hảo với mối quan tâm, mục đích và mong muốn của họ. Việc hoàn thành yêu cầu có sẵn này dễ dàng hơn nhiều so với tạo ra một yêu cầu hoàn toàn mới.
Bán hàng
Nếu khách hàng không thích quy trình bán hàng của bạn, rất có khả năng họ sẽ không bao giờ quay lại với bạn nữa. Do đó, việc bán hàng “đúng” cách là một phần thiết yếu để giữ chân khách hàng.
4. Sử dụng những từ ngữ họ thích nghe
Không phải mọi từ ngữ đều có ý nghĩa tương đương nhau. Những từ ngữ thuyết phục nhất định có thể khuyến khích khách hàng mua nhiều hơn, cụ thể: miễn phí, mới và ngay lập tức. Khi khách hàng nghe thấy những từ này (và những lời hứa họ cho rằng nằm trong tiêu chí đó), họ sẽ yêu thích việc mua sắm hơn so với bình thường.
5. Giảm thiểu nhược điểm và va chạm
Mọi doanh nghiệp, bất kể trong lĩnh vực nào, đều sẽ phải bán hàng cho ba kiểu khách hàng. Theo các chuyên gia kinh tế thần kinh học, gần một phần tư số người mua hàng là những người chi tiêu thận trọng, hay là các khách hàng “ki bo”.
George Lowenstein của Đại học Carnegie Mello gợi ý sử dụng những cụm từ, từ ngữ trấn an (ví dụ, hãy đổi “khoản phí 5$” thành “khoản phí nhỏ 5$”) và lên khung lại như các chiến lược để bán hàng hiệu quả hơn cho những vị khách hàng thận trọng này.
“Có đi có lại”
6. Hiểu rằng ngân sách phải bỏ ra là không đáng kể
Dịch vụ chăm sóc khách hàng có thể cực kỳ tốn kém, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Thay vào đó, hãy tận dụng nghệ thuật tiết kiệm bằng cách nắm rõ sự “có đi có lại” được xây dựng kể cả với những cử chỉ nhỏ nhặt nhất. Trên thực tế, nhà tâm lý học Norbert Schwarz đã tìm ra rằng chỉ 10 cents cũng có thể tạo ra sự “có đi có lại” giữa hai cá nhân (đó thực sự là một tư tưởng quan trọng).
7. Tận dụng sự có đi có lại bất ngờ
Mặc dù chỉ riêng “có đi có lại” đã mang lại hiệu quả cực kỳ tốt, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng nó thậm chí còn mạnh mẽ hơn khi được tạo ra một cách bất ngờ. Đây là một ví dụ đơn giản, hãy nhớ lại một lần có người làm việc gì đó tốt cho bạn một cách bất ngờ; hành động đó có thể không hoàn toàn bất thường, nhưng thực tế nó đột nhiên xuất hiện đã để lại cho bạn một ấn tượng sâu sắc.
8. Tạo ra sự riêng tư
Trong một nghiên cứu từ Journal of Applied Social Psychology, các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng những người bồi bàn có thể tăng 23% tiền tips của họ bằng hành động đơn giản là trở lại các bàn ăn với một đĩa kẹo bạc hà thứ hai. Vậy là kẹo bạc hà có sức mạnh ma thuật ư? Có vẻ không phải như vậy: Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những chiếc kẹo bạc hà đã tạo ra cảm giác của một trải nghiệm riêng tư ở những khách hàng nhận được chúng. Vậy chính dịch vụ riêng tư mà họ nhận được đã khiến họ thích thú với trải nghiệm của mình hơn rất nhiều.
Hỗ trợ
Việc này hoàn toàn dễ hiểu: Bạn không thể tạo ra một nhóm những khách hàng trung thành mà không có một dịch vụ chăm sóc khách hàng nổi bật, để có thể giữ họ tiếp tục quay trở lại. Trong phần này, chúng tôi sẽ mổ xẻ một số quan niệm về dịch vụ khách hàng, cũng như đưa ra những điểm quan trọng bạn cần nhớ khi cung cấp hỗ trợ online.
9. Tốc độ đứng sau chất lượng
Khi nói về dịch vụ khách hàng giữ người mua quay trở lại, nghiên cứu này chỉ ra rằng chất lượng quan trọng hơn tốc độ. Theo một nghiên cứu của Gallup Group, khả năng khách hàng giao dịch với một thương hiệu tăng gấp 9 lần khi họ đã đánh giá dịch vụ đó là “lịch sự, có thiện ý, và có ích”, trong khi “tốc độ” chỉ tăng khả năng quay trở lại của khách hàng lên 6 lần.
10. Khách hàng ưa thích những doanh nghiệp hiểu họ
Việc yêu cầu nhân viên của bạn dành nhiều thời gian hơn với khách hàng có thể nghe hơi điên rồ, nhưng các doanh nghiệp thông minh biết không phải như vậy.
Rất nhiều nghiên cứu tâm lý hành vi đã chỉ ra rằng mọi người đánh giá cao trải nghiệm dịch vụ của họ hơn khi họ không cảm thấy bị thúc giục hoặc phớt lờ. Hãy yêu cầu nhân viên cố gắng tìm ra đặc điểm của nhóm khách hàng trọng tâm, và thời gian của bạn sẽ không bị lãng phí vô ích.
11. Chọn kênh liên lạc phù hợp
Cách tốt nhất để cải thiện các hoạt động dịch vụ khách hàng của bạn là tận dụng kênh thông tin mà khách hàng của bạn ưa thích nhất. Mặc dù nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng phần lớn mọi người vẫn ưa thích và sử dụng email nhiều hơn các dịch vụ khác (gồm cả mạng xã hội), bạn cần lựa chọn kênh thông tin quan trọng nhất với doanh nghiệp của bạn. Các doanh nghiệp hiểu rằng hỗ trợ trực tuyến là cần thiết khi khách hàng của họ hưởng ứng, nhưng các doanh nghiệp khác có thể có khách hàng thích sử dụng email như phương pháp liên lạc chủ yếu của họ.
12. Tạo ra nỗ lực chung
Không biết bao nhiêu nghiên cứu đã làm rõ điều này khi nói về việc tạo ra một hệ thống hỗ trợ hiệu quả: Bạn cần giúp mọi người nắm được tình hình. Tại Help Scout, chúng tôi sử dụng những công cụ như Campfire để cập nhật những thông tin thực chất về chuyện gì đang xảy ra ở phía khách hàng; và chúng tôi có thể cải thiện thời gian phản hồi của mình lên 340% bằng cách tạo ra một không gian hỗ trợ trong đó mọi nhân viên đều có thể tiếp cận.
Các chương trình khách hàng trung thành
Chìa khóa để tạo ra các chương trình khách hàng trung thành hiệu quả là nắm rõ tại sao khách hàng sử dụng chúng và điều gì khiến họ tiếp tục sử dụng chúng.
13. Khuyến khích khách hàng tham gia
Bức tường lớn nhất ngăn các chương trình khách hàng trung thành rơi vào bế tắc chính là khuyến khích khách hàng tham gia.
Thông qua “tình huống máy rửa xe” (car wash study) tai tiếng của mình, Josseph Nunes và Xavier Dreze đã chỉ ra rằng khả năng khách hàng hoàn thành những tấm thẻ khách hàng thân thiết sẽ tăng gấp đôi nếu họ được khuyên khích tham gia (hoặc nhận thưởng) ngay sau khi đăng ký.
14. Biến những khách hàng lý tưởng thành VIPs
Một nghiên cứu khác của Nunes về các chương trình khách hàng trung thành đã chỉ ra rằng mọi người thích được là khách VIP hay thành viên vàng. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng chiến lược này chỉ có hiệu quả khi người ta biết rằng có một tầng lớp đứng dưới họ. Khi nghiên cứu về bản chất con người, Nunes nhận thấy sự tham gia của các thành viên vàng gia tăng đáng kể ngay khi ông bổ sung một tầng lớp bạc thấp hơn.
15. Gắn khách hàng với những cái tên mỹ miều
Một nghiên cứu về các mẫu bỏ phiếu được tiến hành bởi Đại học Stanford đã chỉ ra đầy thuyết phục rằng con người nhiều khả năng tham gia vào một điều gì đó nếu họ được gắn với một đặc điểm tích cực. Những người bạn của chúng tôi tại Buffer gọi các khách hàng chất lượng cao của họ là những thành viên “tuyệt vời”, và thậm chí còn gắn kế hoạch nâng cấp trả phí của họ với cái tên “Kế hoạch tuyệt vời” – một thuật ngữ dễ sử dụng hơn rất nhiều so với “Thành viên trả tiền”.
Theo Helpscout
Bài liên quan: