Công nghệ VR (Virtual Reality) và AR (Augmented Reality) đang ngày càng thu hút sự chú ý và được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ giải trí, giáo dục, y tế đến công nghiệp và thương mại, VR và AR đã mở ra những cơ hội mới đầy hứa hẹn cho con người. Cả VR và AR đều có tiềm năng cung cấp trải nghiệm mới mẻ và sáng tạo cho người dùng.
Công nghệ VR là gì?
Công nghệ VR (Virtual Reality – thực tế ảo) là một hệ thống tạo ra một môi trường ảo hoặc giả tưởng, đưa người dùng vào một trải nghiệm tương tác hoàn toàn mới. VR sử dụng các thiết bị và công nghệ để tái tạo hình ảnh và âm thanh thực tế, giúp người dùng có cảm giác như đang tồn tại trong một thế giới ảo.
Các thiết bị VR thông thường bao gồm một chiếc kính hoặc mũ được đeo trên đầu người dùng, các cảm biến để theo dõi chuyển động, và tai nghe để tái tạo âm thanh không gian. Khi đeo kính VR và tham gia vào một ứng dụng hoặc trò chơi, người dùng sẽ nhìn thấy và cảm nhận một môi trường ảo xung quanh mình. Họ có thể di chuyển, tương tác và thậm chí điều khiển môi trường ảo bằng cách sử dụng các bộ điều khiển hoặc cử chỉ cơ thể.
Công nghệ AR là gì?
Công nghệ AR (Augmented Reality – thực tế tăng cường) là một công nghệ kết hợp thực tế ảo và thực tế, cho phép người dùng xem và tương tác với môi trường thực với các yếu tố ảo được thêm vào.
AR thường sử dụng công nghệ như cảm biến định vị GPS, máy ảnh, cảm biến chuyển động và bộ xử lý để nhận diện, theo dõi vị trí và hướng di chuyển của người dùng. Sau đó, các yếu tố ảo như hình ảnh, video, âm thanh hoặc văn bản có thể được hiển thị trên màn hình thiết bị để người dùng tương tác với thế giới thực.
So sánh VR và AR
Hiện tại VR và AR hoạt động không hoàn toàn độc lập, chúng có thể giao thoa với nhau trong một số ứng dụng. Một số ứng dụng mới kết hợp cả hai công nghệ để tạo ra một trải nghiệm kết hợp tốt hơn đã được ra đời khiến nhiều người nhầm nhầm lẫn VR và AR. Tuy nhiên, sự khác biệt nổi bật giữa VR và AR bao gồm các yếu tố chính sau:
VR (Virtual Reality) | AR (Augmented Reality) | |
Định nghĩa | Tạo ra môi trường ảo và đưa người dùng vào trong đó. | Kết hợp yếu tố ảo vào môi trường thực tế. |
Trải nghiệm | Người dùng hoàn toàn chìm đắm trong môi trường ảo. | Người dùng vẫn giữ liên kết với môi trường thực tế. |
Thiết bị | Yêu cầu sử dụng kính hoặc mũ VR, tai nghe và cảm biến chuyển động. | Có thể sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng, hoặc kính AR. |
Hiển thị | Người dùng nhìn thấy toàn bộ môi trường ảo xung quanh. | Yếu tố ảo được hiển thị trên môi trường thực tế. |
Tương tác | Người dùng có thể di chuyển, tương tác và thậm chí điều khiển môi trường ảo. | Người dùng có thể tương tác với các yếu tố ảo trong môi trường thực tế. |
Ví dụ thành công của VR và AR trong marketing
Dưới đây là một số ví dụ về thành công của VR và AR trong lĩnh vực marketing của các thương hiệu lớn:
Ứng dụng của VR trong marketing
Volvo: Volvo sử dụng công nghệ VR để tạo ra trải nghiệm lái thử xe ảo cho khách hàng. Khách hàng có thể đeo kính VR và trải nghiệm lái thử các dòng xe mới của Volvo trong một môi trường ảo, mang lại cảm giác thực tế mà không cần phải thực sự lái xe. Chiến dịch đã rất thành công, kết quả là tương tác khách hàng tăng lên đáng kể, và khách hàng cũng nhận thức tích cực hơn về thương hiệu.
Marriott: Marriott đã khởi động chiến dịch VR vào năm 2015 cho phép người dùng trải nghiệm chuyến tham quan phòng khách sạn ảo. Chiến dịch đã thành công giúp Marriott tăng 28% lượng đặt phòng cho khách sạn. Ngoài ra, Marriott cũng giới thiệu “VR Postcards” – những câu chuyện du lịch sống động, theo chân những người du khách thực tế trên một hành trình đến một điểm đến độc đáo. Marriott cũng tạo ra các gian hàng “Teleporter” thực tế ảo, đưa bạn đến các điểm đến trên thế giới khác nhau như một bãi biển Hawaii hay một tòa nhà chọc trời ở Luân Đôn.
Innisfree: Năm 2016, Innisfree, thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc, đã thực hiện chiến dịch quảng cáo đặc biệt mang tên “Someday in Jeju” (Một ngày ở đảo Jeju). Sử dụng công nghệ thực tế ảo VR kết hợp với khung cảnh 360 độ và hiệu ứng 4D, Innisfree đã mang đến cho khách hàng một hành trình tham quan đảo Jeju, với sự hướng dẫn tận tình của diễn viên nổi tiếng Lee Min Ho. Năm 2017, công nghệ này đã được trải nghiệm trực tiếp bởi khách hàng của Innisfree tại Việt Nam, khi thương hiệu này khai trương cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh. Qua đoạn quảng cáo thực tế ảo, khách hàng được trải nghiệm quá trình sản xuất các sản phẩm của Innisfree, đảm bảo nguồn gốc 100% từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Chiến dịch quảng cáo “Someday in Jeju” của Innisfree không chỉ mang đến trải nghiệm sống động cho khách hàng, mà còn nhấn mạnh giá trị của Innisfree trong việc sử dụng thành phần từ thiên nhiên và cam kết bảo vệ môi trường. Đây là một ví dụ điển hình về cách thương hiệu sử dụng công nghệ để tạo sự tương tác và gắn kết với khách hàng, đồng thời lan tỏa thông điệp về giá trị sản phẩm và cam kết của thương hiệu.
Ứng dụng của AR trong marketing
IKEA: IKEA đã phát triển một ứng dụng di động sử dụng công nghệ AR, cho phép người dùng xem những món đồ nội thất của IKEA trong không gian thực. Người dùng có thể đặt các món đồ ảo vào căn phòng thực của họ, giúp họ có cái nhìn trực quan về cách những sản phẩm sẽ trông như thế nào trong không gian thực. Công nghệ AR đã giúp doanh số bán hàng IKEA tăng 14%.
L’Oréal: Trang web loreal-paris.de cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ thử đồ bằng AR dành cho cả nam và nữ. Tab “Virtuell testen” đã được đưa vào thanh điều hướng chính. Sau đó là hơn 7 công cụ giúp thử nghiệm hữu ích để khách hàng tương tác với sản phẩm và thương hiệu qua webcam. Ví dụ:
- Thử màu tóc, trang điểm, tìm màu kem nền phù hợp.
- Phân tích da dựa trên trí tuệ nhân tạo “Skin Genius” để đưa ra các gợi ý sản phẩm cá nhân hóa.
- Chăm sóc tóc đúng cách, thử màu tóc cho nam, tìm màu tóc phù hợp.
Trải nghiệm trang điểm AR đầu tiên của L’Oréal ra mắt vào năm 2019, đã kéo dài thời gian khách hàng on-site trên trang web lên gấp đôi và tăng gấp ba tỷ lệ chuyển đổi.
Nike: Nike đã sử dụng công nghệ AR trong chiến dịch marketing của mình để tạo ra trải nghiệm mua sắm độc đáo. Với ứng dụng Nike Fit, người dùng có thể sử dụng camera trên điện thoại để đo kích thước chân và xem các mẫu giày Nike trên chân của mình trong không gian thực tế, giúp họ chọn kích thước và kiểu dáng phù hợp trước khi mua hàng. Người dùng có thể xem trực quan cách đôi giày sẽ trông như khi đặt trên chân mình trước khi quyết định mua hàng. Ứng dụng này trở thành một phần của chiến lược bán hàng trực tiếp của Nike, giúp doanh số bán hàng mỗi năm tăng 12%.
Coca Cola: Vào đầu năm 2013, Coca Cola Việt Nam đã triển khai chiến dịch quảng cáo “Én khai xuân” với việc sử dụng công nghệ tăng cường thực tế. Bằng cách cài đặt một ứng dụng đặc biệt và quét camera điện thoại vào biểu tượng logo Coca Cola, người tiêu dùng có thể tương tác với một lon Coca Cola ảo và thấy hàng trăm cánh én bay lượn trên màn hình. Sự tương tác hai chiều của chiến dịch quảng cáo này đã mang lại kết quả vượt xa mong đợi, với 28.000 lượt tải ứng dụng (so với mục tiêu ban đầu của Coca Cola là 15.000 lượt).
Trên thực tế, công nghệ VR và AR không chỉ dừng lại ở việc mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho người dùng mà còn có tiềm năng lớn trong lĩnh vực marketing. Sự kết hợp giữa công nghệ này và marketing đã tạo ra những chiến lược tiếp thị sáng tạo . Ngoài ra, VR và AR cũng có khả năng tạo ra những trải nghiệm thú vị và gây ấn tượng mạnh với khách hàng. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ VR và AR trong marketing cũng đặt ra một số thách thức như: sự đầu tư về công nghệ, nội dung và đào tạo nhân viên…
Xem thêm:
VR và AR – xu hướng công nghệ tiếp thị trải nghiệm
Công nghệ VR và AR – xu hướng chuyển đổi số 2023