- Martech là gì?
- Sự phát triển của Martech trong bối cảnh kinh doanh hiện đại
- Một số ứng dụng của Martech trong kinh doanh
- Marketing Automation (Tự động hoá tiếp thị)
- Customer Relationship Management (CRM – Quản trị quan hệ khách hàng)
- Search Engine Optimization (SEO – Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm)
- Content Management System (CMS – Hệ thống quản lý nội dung)
- Social Media Management (Quản lý mạng xã hội)
- Email Marketing (Tiếp thị email)
- Content martech (công cụ hỗ trợ sản xuất content marketing)
Theo báo cáo từ MMA MarTech Maturity Survey cho thấy, có đến 87% doanh nghiệp sẽ gia tăng chi phí đầu tư vào martech trong 5 năm tới. Như vậy, các giải pháp martech cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ và ngày càng được đang quan tâm, ứng dụng rộng rãi hơn trong doanh nghiệp.
Martech là gì?
Martech là từ viết tắt tiếng Anh của “Marketing Technology” có nghĩa là công nghệ tiếp thị. Về cơ bản, martech là tập hợp các giải pháp công nghệ phục vụ cho hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp.
Ví dụ các giải pháp công nghệ tiếp thị mà bạn có thể dễ dàng thấy ngày nay: công cụ phân tích dữ liệu, SEO, CRM, CDP, các phần mềm hỗ trợ xây dựng nội dung/ hình ảnh/ video marketing, các phần mềm hỗ trợ các giai đoạn trong quy trình bán hàng,…
Xem thêm: MarTech và AdTech, Công nghệ nào phù hợp với chiến dịch marketing của bạn?
Sự phát triển của Martech trong bối cảnh kinh doanh hiện đại
Có rất nhiều lý do khiến martech trở nên phổ biến và ngày càng được quan tâm, một trong số những lý do đó là: họ nhìn thấy được những thành công bứt phá và nhanh chóng khi ứng dụng các giải pháp martech, và họ bắt đầu xuất hiện một nỗi sợ sẽ bị bỏ lại phía sau. Mặc dù việc ứng dụng công nghệ vào tiếp thị không phải là một vấn đề mới, nhưng hơn 56% các nhà tiếp thị cho rằng ngành martech sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng, và martech có thể giúp cải thiện hiệu quả chiến dịch tiếp thị của họ.
Theo dự đoán của Gartner, năm 2017, các CMO (Chief Marketing Officer – Trưởng phòng/ Giám đốc Marketing) sẽ bắt đầu chi nhiều tiền hơn cho công nghệ so với CIO (Chief Information Officer – Trưởng phòng/ Giám đốc Công nghệ thông tin). Và dự đoán này cũng đã hoàn toàn đúng khi ngành martech đã tăng 20% chỉ trong một năm kể từ năm 2018 đến 2019. Năm 2022, khoảng 70% doanh nghiệp tại Bắc Mỹ đã gia tăng ít nhất 6% ngân sách tiếp thị để sử dụng martech.
Bên cạnh đó, theo trang web Impactmybiz.com, năm 2022, số lượng martech đã tăng lên gần mức 10.000 giải pháp, nhiều hơn 500 giải pháp so với năm 2021 và cao gấp 10 lần so với 10 năm trước. Ngoài ra, theo biên tập viên Scott Brinker tại Chiefmartec.com, với phiên bản 2023, 49 danh mục trong hơn 11.000 ứng dụng martech được phát triển. Do đó, với sự phát triển mạnh mẽ của martech đòi hỏi hệ thống công nghệ tiếp thị của doanh nghiệp phải được nâng cấp và làm mới liên tục. Đây vừa được xem là cơ hội vừa thách thức của doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số.
Một số ứng dụng của Martech trong kinh doanh
Như vậy, qua các số liệu trên, bạn có thể thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng martech vào doanh nghiệp. Dưới đây là một số loại martech phổ biến:
Marketing Automation (Tự động hoá tiếp thị)
Tự động hoá tiếp thị là một hoạt động cho phép doanh nghiệp có thể tự động hóa một số giai đoạn/ hoạt động tiếp thị, hoặc cả quy trình tiếp thị, chẳng hạn như việc gửi email tự động hoá, cài đặt lịch đăng bài tự động trên nền tảng mạng xã hội hoặc các thông báo được gửi tự động đến khách hàng. Với các hoạt động có tính chất lặp lại hoặc gửi với số lượng lớn, thức hiện theo quy trình cố định thì việc ứng dụng các giải pháp martech có thể giúp bạn tiết kiệm được thời gian, chi phí và công sức để triển khai các hoạt động khác.
Ngoài ra, các giải pháp martech có thể theo dõi các chỉ số như tỷ lệ tương tác/ click của khách hàng trên mỗi bài đăng hay tỷ lệ chuyển đổi,… giúp đo lường tiến độ và hiệu quả của từng hoạt động marketing. Chính điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp kịp thời cân đối và điều chỉnh chiến lược tiếp thị một cách nhanh chóng để đạt được kết quả cao nhất.
Customer Relationship Management (CRM – Quản trị quan hệ khách hàng)
Quản trị quan hệ khách hàng cũng là một hoạt động ứng dụng martech nhiều nhất. Khi đó, giải pháp martech đóng vai trò thu thập và lưu trữ thông tin khách hàng từ nhiều nguồn, sau đó phân tích và tạo báo cáo dữ liệu. Từ đó, doanh nghiệp có thể nắm bắt được xu hướng khách hàng, hiểu rõ hơn về hành vi của họ, đồng thời các quyết định tiếp theo liên quan đến dịch vụ khách hàng hay cá nhân hóa trải nghiệm sẽ có độ chính xác và tăng tính hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, các công cụ martech CRM có khả năng tích hợp tự động hoá hệ thống email marketing, mạng xã hội,… để tạo ra sự đồng bộ và liên kết giữa các hoạt động với nhau trong doanh nghiệp. Một số công cụ martech CRM có thể kể đến: Zoho CRM, Insightly, HubSpot CRM,…
Search Engine Optimization (SEO – Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm)
Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm là một hoạt động quan trọng của một chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số nên vì thế mà hoạt động này cũng cần sự hỗ trợ từ các giải pháp martech để nâng cao hiệu suất tiếp thị. Một số công cụ phổ biến được sử dụng trong SEO có thể kể đến là: Yoast SEO, Rank Math, Google Trends, Google Analytics, Google Search Console, SEMrush, Ahrefs…
Theo đó, các công cụ martech có thể phân tích từ khoá một cách chi tiết, liệt kê các từ khóa đang có tỷ lệ tìm kiếm cao, kiểm tra tích hợp SEO,.. Ngoài ra, để nâng cao thứ hạng tìm kiếm website, một số công cụ martech cung cấp tính năng kiểm tra tối ưu hóa website, thẻ meta, thẻ sapo, thẻ tiêu đề, URL và tốc độ tải trang.
Content Management System (CMS – Hệ thống quản lý nội dung)
Hệ thống quản lý nội dung là một phần mềm giải pháp martech nhằm giúp doanh nghiệp quản lý và kiểm soát hiệu quả nội dung xuất bản. Các CMS phổ biến hiện nay bao gồm WordPress, Wix, Shopify, Drupal,… Với CMS, người dùng không nhất thiết phải có kiến thức về lập trình website, blog hay các cửa hàng trực tuyến để sản xuất nội dung mà thay vào đó họ có thể sản xuất nội dung và đăng tải trực tiếp trên giao diện CMS. Bên cạnh đó, khi sử dụng giải pháp này, bạn sẽ không cần phải lo lắng việc cài đặt hay sửa chữa khi lỗi phần mềm.
Ngoài ra, công cụ CMS không chỉ quản lý người dùng mà còn có các tính năng khác như tạo liên kết, quản lý hình ảnh và video,.. đồng thời tích hợp tối ưu hoá SEO và tự động hoá tiếp thị.
Social Media Management (Quản lý mạng xã hội)
Quản lý mạng xã hội là một trong những hoạt động quan trọng trong các chiến lược tiếp thị, do đó mà việc áp dụng sự hỗ trợ từ công cụ martech là rất cần thiết. Theo đó, các giải pháp martech sẽ cho phép bạn xây dựng và thiết kế nội dung, cài đặt lịch đăng, tích hợp chạy quảng cáo,.. Ngoài ra, công cụ còn giúp theo dõi, quản lý và phản hồi tương tác từ người dùng trên các nền tảng xã hội. Chúng cũng cung cấp các báo cáo và cho phép doanh nghiệp theo dõi các bình luận, tin nhắn và phản hồi từ khách hàng.
Bên cạnh đó, kinh doanh trên mạng xã hội thường là được triển khai đa kênh, nghĩa là đồng thời kinh doanh trên nhiều nền tảng như Facebook, Zalo, Instagram…, hay đơn giản là vận hành cùng lúc nhiều fanpage bán hàng. Khi kinh doanh bán hàng đa kênh, bạn không thể thực hiện các thao tác thủ công để chuyển hết từ fanpage này sang fanpage khác hay đăng tin tư vấn khách hàng trên từng kênh. Việc làm như vậy vừa tốn thời gian, công sức, vừa tốn chi phí nhân sự và không đảm bảo được chất lượng quản lý cũng như thời gian phản hồi khách hàng. Do đó mà các công cụ martech hỗ trợ quản lý và vận hành quy trình bán hàng được sinh ra để giải quyết các vấn đề này như: Subiz, Haravan, Care Soft,..
Ngoài ra, các công cụ này cũng cho phép doanh nghiệp có thể chia sẻ quyền truy cập dữ liệu, họ có thể thấy sự tương tác giữa các thành viên với nhau và từ đó quản lý hiệu quả chất lượng công việc và nâng cao năng suất làm việc.
Email Marketing (Tiếp thị email)
Tiếp thị email là một phương pháp tiếp thị trực tuyến thông qua việc sử dụng email. Một số công cụ email marketing phổ biến hiện nay: Mailchimp, HubSpot Email Marketing, Sendinblue, Campaign Monitor,…..
Theo đó, các công cụ này tạo và gửi email hàng loạt hoặc cá nhân hóa đến danh sách khách hàng mục tiêu đã được thiết lập trước đó. Ngoài ra, công cụ martech còn cung cấp các tính năng như thiết kế email, cung cấp templates email, quản lý danh sách, theo dõi hiệu quả và đo lường tương tác với khách hàng thông qua email, cung cấp các kỹ thuật nhằm hạn chế việc email rơi vào mục spam, quảng cáo.
Với Email Marketing trong martech, doanh nghiệp có thể gửi thông điệp định kỳ, gửi thông báo, thư mời hoặc cung cấp nội dung giá trị và thông tin sản phẩm mới, khuyến mãi, sự kiện, tin tức công ty đến khách hàng một cách tự động hoá, bởi các công cụ martech thường tích hợp tính năng này vào hệ thống. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin, tăng khả năng tương tác đồng thời cũng là các cơ sở uy tín để đo lường và ra quyết định cho các hoạt động kinh doanh tiếp theo của doanh nghiệp.
Content martech (công cụ hỗ trợ sản xuất content marketing)
Theo bảng thống kê trên, khoảng 39% các giải pháp là phần mềm được phát triển nhờ công nghệ AI. Đối với hoạt động content marketing, các công cụ martech từ công nghệ AI đã phát triển theo từng nhóm nhiệm vụ, cụ thể như sau:
- Công cụ lên ý tưởng, tìm trend: Google Trend, Chat GPT, Bing Chat,..
- Công cụ hỗ trợ viết/ sửa bài: Quillbot, Synthesia, Taplio, Rytr, Writesonic,..
- Công cụ hỗ trợ thiết kế hình ảnh: Adobe, DeepArt.io, Canva, Crello,..
- Công cụ hỗ trợ thiết kế video, viết kịch bản: Copy AI, Kaiber AI, Runway ML,..
- Công cụ lồng tiếng, tạo giọng nói: MURF, Microsoft Azure Text to Speech, Speechelo,..
Tóm lại, nhờ có sự hỗ trợ từ các giải pháp martech mà các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, đặc biệt là hoạt động tiếp thị và quản trị quan hệ khách hàng. Martech vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là chất xúc tác, công cụ trung gian để tiếp cận và thu hút người tiêu dùng hiện đại trong thời đại chuyển đổi số ngày nay.