Trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng của nó đã trở thành đề tài hot search trong gần một năm qua, kể từ khi Chat GPT ra mắt vào tháng 11/2022. Tuy nhiên, có thể bạn không biết, từ lâu Google đã có thành lập Google AI – tổ chức chuyên nghiên cứu về AI, để tích hợp công nghệ này vào các sản phẩm trong hệ sinh thái Google, nhằm nâng cao hiệu quả các ứng dụng, và trải nghiệm người dùng. Rất có thể, bạn đã sử dụng hàng loạt các tính năng thông minh của Google, mà không hề biết, công nghệ đằng sau đó chính là AI.Thực tế, Google đã ứng dụng AI trong rất nhiều sản phẩm Google, nhằm hỗ trợ người dùng trong việc tìm kiếm thông tin, giao tiếp, di chuyển hay các khía cạnh khác trong cuộc sống…
Google AI là gì?
Google AI, trước đây còn được gọi là Google Research, là một tổ chức quan trọng của Google, thuộc tập đoàn Alphabet, có nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng liên quan.
Google từng cho biết mục tiêu nghiên cứu và phát triển AI của họ là mang những lợi ích của AI đến với mọi người. Hiện nay, công nghệ AI đã có mặt trong rất nhiều sản phẩm thuộc hệ sinh thái Google, và trở thành một nguồn công cụ hỗ trợ quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của người dùng.
Nguyên tắc AI của Google
Google đặt ra một loạt các nguyên tắc quan trọng khi tiến hành nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, nhằm đảm bảo tính đạo đức, thể hiện trách nhiệm và mục tiêu kinh doanh bền vững:
Luôn mang lại lợi ích cho xã hội và hỗ trợ cuộc sống: Trong quá trình nghiên cứu và phát triển, mục tiêu hàng đầu là đem lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng thông qua những thiết kế, ứng dụng AI như: Google Dịch, Google Maps,….
AI luôn dưới sự kiểm soát và hướng dẫn của con người: Google cam kết rằng AI sẽ luôn được nghiên cứu và phát triển dưới sự hướng dẫn của con người, nhằm đảm bảo ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn. Chính từ nguyên tắc này, người dùng lại càng cảm thấy yên tâm hơn với các sản phẩm từ Google.
Hướng tới công bằng, bình đẳng, tránh tạo ra mâu thuẫn hay xung đột: Nguyên tắc đề cao yếu tố công bằng và bình đẳng trong quá trình nghiên cứu và phát triển thuật toán hoặc toàn bộ dữ liệu trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, cần tránh liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như văn hóa, tôn giáo và chính trị.
Tuân thủ quy định về bảo mật và kiểm định an toàn: Google quan tâm đến việc thiết kế hệ thống AI phải được bảo mật và an toàn. Điều này đảm bảo rằng công nghệ AI được sử dụng không gây nguy hiểm đến người dùng nói chung và ảnh hưởng đến Google nói riêng.
Tôn trọng quyền riêng tư và đề cao minh bạch: Trong quá trình quản lý và sử dụng dữ liệu, Google AI luôn tuân thủ nguyên tắc về quyền riêng tư và minh bạch trong việc xử lý dữ liệu. Điều này đảm bảo người dùng có kiểm soát thông tin cá nhân của họ.
Tuân thủ các tiêu chuẩn về nghiên cứu và phát triển ở mỗi lĩnh vực: Google AI cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học, ứng dụng AI ở các lĩnh vực học thuật, giáo dục, y học và các lĩnh vực khác.
Ứng dụng AI vào hệ sinh thái Google
Google AI đã tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các công cụ của họ một cách sáng tạo và đa dạng để cải thiện trải nghiệm người dùng và nâng cao hiệu suất các dịch vụ. Dưới đây là cách Google AI đã ứng dụng AI vào các công cụ của mình:
Thanh tìm kiếm Google
Tự động đưa thêm các gợi ý: Khi bạn bắt đầu nhập một từ khóa trong ô tìm kiếm, Google sử dụng AI để tự động gợi ý thêm các từ khoá hoặc cụm từ liên quan đến chủ đề. Chính điều này giúp người dùng có được trải nghiệm tìm kiếm nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, Google sử dụng AI để hiểu thêm ngữ cảnh và ý định tìm kiếm của người dùng. Từ đó, kết quả tìm kiếm được tùy chỉnh để gần hơn và phản ánh đúng nhu cầu cụ thể của người dùng.
Tìm kiếm bằng giọng nói: Google AI đã phát triển khả năng nhận dạng giọng nói, cho phép người dùng sử dụng giọng của mình để thực hiện tìm kiếm thay vì phải nhập từ khóa bằng bàn phím. Bằng cách hiểu và phân tích giọng nói dựa trên lệnh hoặc các câu truy vấn, tính năng tìm kiếm bằng giọng nói của Google có thể hiển thị các kết quả tìm kiếm một cách nhanh chóng và chính xác không kém gì tìm kiếm bằng bàn phím.
Phân loại kết quả: Google sử dụng AI để phân loại kết quả tìm kiếm thành các danh mục khác nhau giúp người dùng dễ dàng lọc kết quả và tìm kiếm thông tin cụ thể hơn.
Dự đoán câu hỏi và nhu cầu tìm kiếm tiếp theo: AI của Google có khả năng dự đoán câu hỏi và nhu cầu tiếp theo của người dùng dựa trên lịch sử tìm kiếm và các thao tác tìm kiếm trước đó.
Google Translate
Dịch đa ngôn ngữ: Nhờ vào AI, Google Dịch có khả năng dịch nhiều ngôn ngữ khác nhau một cách tự nhiên và phù hợp với từng ngữ cảnh. Theo Wikipedia, hiện nay Google có khả năng dịch 133 ngôn ngữ trên toàn cầu.
Dịch văn bản, hình ảnh và giọng nói: Google Dịch sử dụng AI để dịch không chỉ văn bản mà còn cả giọng nói và hình ảnh. Điều này mang lại sự tiện lợi cho người dùng, giúp họ có trải nghiệm tốt hơn và đạt được kết quả một cách nhanh chóng.
Dịch trong thời gian thực: Với tính năng này, người dùng có thể xem và nghe kết quả dịch ngay lập tức mà không cần phải chờ đợi trong một khoảng thời gian dài.
Tự học và cải thiện dịch: Sử dụng công nghệ học máy từ AI, Google Dịch đã có khả năng tự học dữ liệu và cải thiện khả năng dịch dựa trên phản hồi từ người dùng.
Google Photos
Tự động nhận dạng và phân loại hình ảnh theo nhóm: Google Photos sử dụng AI để phân tích các đặc điểm khuôn mặt và liên kết chúng với nhau để xác định và tạo ra các album chứa hình ảnh liên quan. Điều này giúp người dùng duyệt qua các khoảnh khắc của một người mà không cần phải tìm kiếm thủ công hoặc xếp hình ảnh một cách thủ công vào các album khác nhau.
Tự động tạo album và video kỷ niệm: Nhờ AI, Google Photos đã tự động tạo album hình ảnh và video dựa trên các sự kiện diễn ra theo thời gian. Điều này giúp người dùng có thể dễ dàng chia sẻ những kỷ niệm đặc biệt và theo dõi những thay đổi, sự phát triển qua thời gian một cách tự động và tự nhiên.
Tìm kiếm hình ảnh dựa trên từ khóa: Google Photos gắn liền thông tin về địa điểm và thời gian vào hình ảnh. Từ những thông tin này, người dùng có thể tìm kiếm hình ảnh bằng cách sử dụng các từ khóa liên quan đến nội dung của chúng.
Google Ads
Phân tích và dự đoán hiệu suất: AI tích hợp trong Google Ads không chỉ có khả năng phân tích dữ liệu hiện tại mà còn dự đoán các xu hướng sẽ diễn ra trong tương lai. Bằng cách này sẽ giúp các nhà tiếp thị thấy trước được những thách thức và cơ hội tiềm năng, từ đó đưa ra các quyết định thông minh để tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo.
Tùy chỉnh quảng cáo: AI trong Google Ads cho phép tạo quảng cáo tùy chỉnh dựa trên dữ liệu về người dùng và hành vi trực tuyến. Điều này giúp tạo ra quảng cáo hấp dẫn và tiếp cận đúng nhu cầu cụ thể của từng người dùng.
Tự động thử nghiệm quảng cáo: Google Ads sử dụng AI để tự động thử nghiệm nhiều phiên bản quảng cáo khác nhau và xác định phiên bản nào mang lại hiệu quả tốt nhất. Khi quá trình thử nghiệm kết thúc, các phiên bản quảng cáo hiệu quả nhất sẽ được triển khai rộng rãi đến tất cả người dùng.
Google Assistant
Google Assistant hoạt động như một trợ lý giọng nói cho điện thoại thông minh cũng như các thiết bị đeo được. Thông qua việc sử dụng AI của Google, ứng dụng này tập trung vào khả năng hiểu giọng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, từ đó tạo ra các đề xuất tùy chỉnh và phân tích cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng người dùng.
Google Maps
Định vị và dẫn đường tối ưu: Sử dụng AI cho phép Google Maps dự đoán tình hình giao thông dựa trên dữ liệu lưu lượng, thời gian và lịch sử di chuyển, giúp người dùng lựa chọn tuyến đường nhanh nhất và tránh kẹt xe.
Dự đoán thời gian đến nơi: AI có khả năng ước tính thời gian đến nơi dựa trên tốc độ di chuyển trung bình, giúp người dùng dự trù thời gian cần thiết cho chuyến đi.
Hiển thị thông tin các địa điểm xung quanh: AI được sử dụng để đánh giá và hiển thị thông tin về các địa điểm xung quanh, như nhà hàng, khách sạn và các địa điểm lân cận. Điều này tạo cơ hội cho người dùng khám phá thêm các địa điểm xung quanh. Hơn nữa, khi bạn di chuyển đến những vùng xa lạ, Google Maps sẽ tự động gợi ý cho bạn các địa điểm gần nhất dựa trên lượng từ khóa mà bạn tìm kiếm.
Dịch thông tin địa điểm: AI giúp Google Maps có khả năng tự động dịch thông tin về các địa điểm ở nước ngoài sang ngôn ngữ của người dùng.
Google DeepMind
DeepMind tập trung vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Với thành tựu nổi bật, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo đánh bại các đối thủ con người trong các trò chơi phức tạp như Go và StarCraft II. Ngoài việc thử thách các trò chơi, DeepMind còn nghiên cứu và áp dụng AI trong nhiều lĩnh vực thực tiễn như y tế, năng lượng, quản lý tài chính và nghiên cứu khoa học. Ví dụ, họ đã phát triển một hệ thống dự đoán suy thận cấp tính, giúp cung cấp thông tin quan trọng cho các bác sĩ để hỗ trợ quyết định lâm sàng.
Google Cloud TPUs
Google Cloud TPUs (Tensor Processing Units) là một phần của hạ tầng đám mây của Google, được thiết kế đặc biệt để tăng cường hiệu suất của các ứng dụng AI và học máy (machine learning).
Ví dụ về việc sử dụng Google Cloud TPUs trong việc phát triển mô hình AlphaGo, một trí tuệ nhân tạo đánh bại các vận động viên chơi cờ vây giỏi nhất thế giới. Để làm điều này, nhóm của Google DeepMind đã sử dụng kết hợp Google Cloud TPUs để làm cho việc huấn luyện mô hình trở nên nhanh hơn và hiệu quả hơn. Kết quả là, họ không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp mô hình học tốt hơn, tạo ra các nước đi cờ vây thông minh hơn và chính xác hơn.
Ngoài việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm trong hệ sinh thái Google, Google AI còn hoạt động tích cực để phát triển các phần mềm AI khác nằm trong các dự án của tập đoàn Alphabet. Điều đáng chú ý là Google AI đặc biệt tập trung vào việc phát triển các giải pháp AI mang tầm ảnh hưởng xã hội, phục vụ cho cộng đồng và đáp ứng các mục tiêu nhân đạo. Ví dụ: Dự án FloodHub – một công cụ mà Google phát triển để thu thập dữ liệu liên quan đến các yếu tố gây ra lũ lụt. Bằng cách sử dụng công nghệ AI, FloodHub có khả năng tạo ra các hệ thống cảnh báo tiên tiến, giúp dự báo lũ lụt chính xác hơn.
Các nghiên cứu của Google AI đã tạo ra nhiều cải tiến và sáng tạo thông minh cho các sản phẩm thuộc hệ sinh thái Google. Nhờ đó, ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên khắp thế giới.
Xem thêm:
Trí tuệ nhân tạo AI có vai trò như thế nào với Marketing trong thời đại mới
Những điều công ty cần biết trước khi đầu tư vào công nghệ AI
Generative AI là gì? Tại sao được nhiều doanh nghiệp ứng dụng?