Theo một khảo sát của RWS, khoảng 90% người tiêu dùng mong đợi nhận được trải nghiệm đa kênh, tương tác trên nhiều thiết bị khác nhau. Với xu hướng này, doanh nghiệp đang dần thể hiện sự quan tâm của họ đối với việc phát triển các chiến lược truyền thông tiếp thị tích hợp, và đây chính là cách mà chiến lược IMC hình thành và phát triển.
IMC là gì?
IMC (Integrated Marketing Communication) là một chiến lược truyền thông tiếp thị tích hợp mà thương hiệu sử dụng để truyền tải thông điệp hoặc quảng cáo sản phẩm đến đối tượng khách hàng mục tiêu một cách liên tục và nhất quán. IMC bao gồm sự kết hợp của nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, từ tiếp thị kỹ thuật số đến tương tác xã hội, quan hệ công chúng và các kênh tiếp thị khác.
Điều đáng chú ý, IMC không chỉ áp dụng riêng cho các hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp mà còn có thể được thực hiện trong tất cả các hình thức truyền thông khác của doanh nghiệp.
Vai trò của IMC đối với doanh nghiệp
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tương tác với khách hàng của họ thông qua các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, việc quản lý và theo dõi tất cả các phương tiện truyền thông có thể trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Điều này đặt ra một yêu cầu chiến lược để đảm bảo rằng tất cả các kênh truyền thông này hoạt động một cách đồng nhất và hài hòa với nhau. Đây cũng là lúc mà chiến lược IMC phát huy tác dụng của mình. Dưới đây là một số vai trò của IMC đối với doanh nghiệp:
Khả năng gợi nhớ thương hiệu tốt hơn: Chiến dịch IMC có thể đạt hiệu suất cao hơn bởi vì chúng tồn tại trên mọi phương tiện truyền thông. Điều này dẫn đến việc khách hàng có nhiều cơ hội hơn để nhớ lại quảng cáo và thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải.
Tiết kiệm chi phí, thời gian hiệu quả: Với chiến dịch IMC, bạn chỉ cần tạo một thông điệp truyền tải nhất quán cho toàn bộ chiến dịch và triển khai nó trên các nền tảng tiếp thị trực tuyến. Điều này không chỉ tạo sự đồng nhất ở các kênh mà còn giúp giảm chi phí và tiết kiệm thời gian một cách hiệu quả hơn cho doanh nghiệp.
Tập trung vào các mối quan hệ khách hàng chất lượng: Mục tiêu của chiến dịch IMC là tập trung vào việc xây dựng và duy trì thông điệp truyền tải nhất quán đến khách hàng trên các kênh tiếp thị trực tuyến. Điều này giúp tạo ra sự tin tưởng và lòng trung thành từ phía khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự tương tác tích cực với thương hiệu và góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Củng cố các kênh tiếp thị lẫn nhau: Các kênh tiếp thị có khả năng tương tác lẫn nhau để tạo ra một tác động kết hợp mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp. Đây có thể được gọi là “hiệu ứng bánh đà trong tiếp thị” của Rand Fishkin. Theo đó, hiệu ứng này được xây dựng dựa trên nội dung, SEO, lời truyền miệng, đưa tin báo chí,….
Ví dụ về các chiến dịch IMC thành công
Theo nghiên cứu của Ascend2, hơn 72% các doanh nghiệp báo cáo rằng họ đang tích hợp các kênh truyền thông của họ để cung cấp trải nghiệm đồng nhất cho khách hàng. Do đó, có thể thấy việc tạo ra trải nghiệm tiếp thị đồng nhất đang là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp trong thời đại số hoá. Để có cái nhìn chi tiết về quá trình hoạt động của IMC, hãy xem xét một số ví dụ cụ thể dưới đây:
Nike – chiến dịch IMC tiếp cận hướng tới người tiêu dùng
Năm 2017, Nike đã tích hợp thông tin liên lạc của khách hàng tại các chi nhánh của cửa hàng vào ứng dụng trực tuyến của họ. Thông qua việc sử dụng dữ liệu về sở thích và hành vi của khách hàng trên ứng dụng trực tuyến, các cửa hàng có thể thực hiện trực tiếp các chiến dịch cá nhân hóa tại cửa hàng. Bằng cách này, Nike đã cải thiện doanh số bán hàng của họ từ mua sắm trực tuyến sang mua sắm tại cửa hàng. Ứng dụng thậm chí còn cho phép khách hàng yêu cầu phòng thử đồ và thực hiện kiểm tra trên điện thoại của họ.
Kết quả là vào năm 2019, hơn một nửa số giao dịch của Nike đã đến từ các thành viên và người dùng ứng dụng, mang lại doanh thu trung bình cao hơn 40%.
Audi – chiến dịch IMC nhận diện thương hiệu
Năm 2020, Audi đã giới thiệu một bộ nhận diện thương hiệu mới để thúc đẩy việc tiếp thị xe điện trên phạm vi toàn cầu, kèm theo khẩu hiệu mới “Future Is An Attitude” (Tương lai là một thái độ). Chiến dịch “Story of Progress” đã hợp tác với các cá nhân tại Nam Phi để chia sẻ những câu chuyện của họ, nhấn mạnh trải nghiệm của người dùng đóng góp vào sự thay đổi toàn cầu. Cách tiếp cận mà Audi sử dụng trong chiến dịch này bao gồm các yếu tố của cả hai phương pháp tiếp thị theo chiều dọc và chiều ngang. Điều đặc biệt là việc sử dụng duy nhất một khẩu hiệu trong suốt toàn bộ chiến dịch giúp thể hiện sự liên kết và đảm bảo tính nhất quán với các video khác trong chiến dịch.
Domino – chiến dịch IMC hướng tới trải nghiệm nhất quán của người dùng
Với mục tiêu tạo ra trải nghiệm đặt hàng nhanh gọn và tiện lợi, trong đó người dùng không phải mất quá nhiều thời gian để nhập thông tin thanh toán, cập nhật địa chỉ giao hàng,… chiến dịch “AnyWare” của Domino đã thành công giải quyết vấn đề này. Domino đã xây dựng một hệ thống đặt hàng linh hoạt và tích hợp với hầu hết các nền tảng tiếp thị trực tuyến. Điều này có nghĩa là khách hàng có thể sử dụng các ứng dụng như Twitter, Facebook Messenger, Amazon Alexa, và thậm chí cả đồng hồ thông minh để thực hiện đơn đặt hàng ngay lập tức.
Chiến dịch này đã thu hút sự chú ý với hơn 2 triệu lượt hiển thị trên các mạng xã hội và đã xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng. Đặc biệt, chiến dịch đã mang lại sự gia tăng đáng kể trong số lượng đơn đặt hàng pizza thông qua các thiết bị kỹ thuật số.
Có thể nói, chiến dịch IMC là một trong những phương pháp tiếp thị hiệu quả, tổng quan và đa chiều trong thời đại số hoá. Bằng cách nhất quán thông điệp trên các kênh truyền thông, IMC giúp tăng cường nhận thức về thương hiệu của người tiêu dùng, tối ưu hoá thời gian và chi phí trong việc quản lý và triển khai chiến dịch truyền thông, đồng thời tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ khách hàng chất lượng. Chính vì những lợi ích này, IMC đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực của các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả cạnh tranh.
Xem thêm: Tổng hợp các loại hình marketing hiện nay