Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trên toàn thế giới, tất nhiên bao gồm cả thương mại điện tử tại Việt Nam. Theo số liệu của công ty thương mại điện tử đa quốc gia Shopify cho thấy: 20,8% doanh thu được dự kiến tăng vào năm 2023 và đạt 23% vào năm 2025 thông qua mua hàng trực tuyến. Do đó, chúng ta có thể thấy được ảnh hưởng của thương mại điện tử đang tác động đến đời sống ngày càng nhiều hơn. Các doanh nghiệp cần phải thích ứng nhanh hơn với công nghệ, đặc biệt là nắm bắt được xu hướng mới thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng.
Thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng tất yếu
Trong những năm gần đây, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế về tầm nhìn của thương mại điện tử, thị trường thương mại điện tử ở các nước phát triển gặp nhiều khó khăn hơn so với các thị trường mới nổi như Việt Nam hiện nay đang dần trở thành xu hướng tất yếu với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Việt Nam đang dần có nhiều dấu hiệu tích cực hơn trong việc phát triển lĩnh vực thương mại điện tử này.
Mặc dù, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch Covid-19 nhưng trong năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng đột phá, trở thành một trong những thị trường có sức tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á.
Việc ứng dụng công nghệ số và xây dựng kênh phân phối đa kênh đã giúp cho doanh nghiệp Việt Nam chuyển từ khó khăn sang những thách thức, cơ hội mới. Từ đó, phát sinh những nhu cầu mới trong việc thay đổi thói quen mua hàng của khách hàng – hình thức mua hàng truyền thống sang mua hàng thông qua phương tiện điện tử.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam do Bộ Công Thương ban hành, năm 2020, tốc độ tăng trưởng là 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD, Việt Nam là nước duy nhất Đông Nam Á có số liệu tăng trưởng là 2 con số. Ngoài ra, theo kết quả khảo sát và điều tra của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (số liệu tính đến năm 2020). Do đó, có thể thấy, nền kinh tế kỹ thuật số nói chung và thương mại điện tử nói riêng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng và đáng kể.
Trong năm 2022, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng đạt mức 14 tỷ USD và dự báo có thể đạt tới 32 tỷ USD vào năm 2025. Trong một báo cáo khác của Google, Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong top 3 thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư nhất trong lĩnh vực này. Hơn nữa, dự báo cũng cho thấy, tương lai của thương mại điện tử sẽ vượt qua các ngành bán lẻ truyền thống như siêu thị và các cửa hàng tạp hoá vào năm 2025.
Theo báo cáo của các tập đoàn lớn trên thế giới như Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hoá của ngành có xu hướng tăng trưởng vượt bật từ 8 tỷ USD năm 2020 lên 13 tỷ USD vào năm 2021, nhiều khả năng nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng mức 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 khu vực ASEAN vào năm 2025.
Với những con số ấn tượng như trên, rõ ràng lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam dự báo sẽ có những chuyển biến, khởi sắc trong “trạng thái bình thường mới” mặc cho những thách thức, tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây sẽ là một cơ hội lớn cho Việt Nam khi mức tăng trưởng này thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19, đưa Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng thị trường, đứng thứ ba sau Thái Lan và Indonesia về tốc độ tăng trưởng theo quy mô.
Vì sao thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh?
Việt Nam là một thị trường trẻ tuổi năng động với tầng lớp thế hệ trẻ đông đảo và thu nhập bình quân đầu người cũng ngày càng tăng (thu nhập bình quân đầu người năm 2022 tăng 9,5% so với năm 2021). Do đó mà sự hưởng ứng và tiếp thu nhanh chóng công nghệ số đã một phần giúp cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không thể không kể đến việc bắt nguồn từ tốc độ đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế. Một số nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng phát triển lớn này đã tạo ra một hệ sinh thái đa dạng bao gồm nhiều lĩnh vực như thanh toán trực tuyến, trợ lý ảo, quản lý hậu cần, quản lý khách hàng, dịch vụ khách hàng, sàn thương mại điện tử,… Cụ thể các sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo đều nhận được các khoản đầu tư từ nước ngoài như Hoa Kỳ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Tiktok, Instagram,.. cũng được người dùng ưa chuộng mua sắm rộng rãi. Dưới đây là các số liệu được khảo sát và đo lường dựa trên 14.000 thành viên cộng đồng từ 13 tuổi trở lên, thời gian khảo sát từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022 (số liệu được thực hiện bởi eMarketer).
Chính việc ưa chuộng sử dụng nền tảng xã hội của người dùng mà các ngành khác như: thanh toán trực tuyến, dịch vụ hậu cần,.. cũng được ưa chuộng sử dụng theo. Theo khảo sát 15.000 nhà bán lẻ, thanh toán trực tuyến đã thay thế phương thức thanh toán tiền mặt thông thường một cách nhanh chóng, khi năm 2021 chiếm 72,8% tổng giao dịch (tức tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái). Giờ đây, sự phát triển của dịch vụ này được phổ biến rộng rãi hơn khi việc thanh toán tiền điện, nước, điện thoại cũng được tích hợp đầy đủ trong dịch vụ này. Hơn nữa, việc sử dụng thanh toán trực tuyến giúp người dùng có thể tham gia giao dịch mọi lúc mọi nơi, chỉ cần có kết nối internet.
Có thể nói, thương mại điện tử đang dần có những chuyển biến tích cực, tác động đến đời sống của con người. Với khía cạnh là người tiêu dùng, thương mại điện tử mang đến trải nghiệm dịch vụ linh hoạt, tiện lợi và nhanh chóng. Còn đối với các doanh nghiệp, thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội mới trong mọi lĩnh vực, giúp doanh nghiệp có thể kinh doanh đa nền tảng, đa quốc gia.
Ngoài ra, thương mại điện tử còn giúp tối ưu hoá chi phí, nâng cao trải nghiệm dịch vụ khách hàng, tối giản và tự động quá các quy trình. Như vậy, nếu theo đà phát triển này, tầm nhìn thương mại điện tử có thể phát triển bùng nổ tại Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ cần phải đối mặt với những thách thức về công nghệ và sự thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng liên tục của con người.
Xem thêm:
Tổng quan thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 – 2025