Bạn đã rất tâm huyết để sáng tạo các thông điệp và nội dung email marketing. Nhưng khi bạn theo dõi các thống kê về số lượng tương tác email thì lại không đạt được kỳ vọng. Bạn sẽ làm gì tiếp theo? Sau đây là các cách cải thiện tỷ lệ mở email marketing có thể hỗ trợ bạn giải quyết vấn đề này.
Tỷ lệ mở Email Marketing là gì?
Tỷ lệ mở email marketing là tỷ lệ phần trăm giữa số lượng email được mở trên tổng số email đã được gửi thành công của một chiến dịch tiếp thị email. Đây là một chỉ số quan trọng giúp đo lường hiệu quả chiến dịch email marketing đó. Mức độ hấp dẫn của tiêu đề, meta, độ tin cậy của tên người gửi,… là những yếu tố kích thích được người nhận thực hiện thao tác mở email để xem nội dung bên trong.
Công thức tính tỷ lệ mở email marketing như sau:
Trong đó:
- Email opened: số lượng email đã mở
- Email sent: số lượng email đã gửi đi
- Bounced emails: email đã được gửi đi nhưng không thể nhận (có thể là hộp thư người nhận đầy, email không còn hoạt động, phía người nhận chặn thư từ người lạ gửi đến,…)
Ví dụ: Trong một chiến dịch email marketing có 1000 email được gửi đi và trong số đó có 250 email được mở, 50 bounced email. Như vậy, tỷ lệ mở email marketing sẽ là:
Tỷ lệ mở email = 250 / (1000 – 50) = 0.26 (tức 26%)
Theo thống kê của Campaign Monitor cho thấy, tỷ lệ mở trung bình là 18,7% và con số này có thể tăng hoặc giảm tuỳ thuộc vào các lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Một số ngành kinh doanh kỹ thuật số thì tỷ lệ mở có thể có xu hướng cao hơn so với ngành bán lẻ.
Cách cải thiện tỷ lệ mở Email Marketing
Có rất nhiều thông điệp quảng cáo mà khách hàng của bạn sẽ nhận được qua email mỗi ngày. Như vậy, nếu không tạo ra giá trị, sự khác biệt thì làm sao có thể lọt vào “mắt xanh” để họ có thể thực hiện thao tác mở xem email? Và, điều này cũng có nghĩa, nội dung bạn chuẩn bị có chỉn chu đến đâu, bạn mang đến giá trị cho họ nhưng không thu hút được họ đều sẽ trở nên vô nghĩa và không có ích gì. Một số cách sau đây giúp cải thiện tỷ lệ mở Email Marketing gia tăng khả năng hiệu quả của chiến dịch tiếp thị:
Tránh các bộ lọc thư rác
Một trong những vấn đề rõ ràng nhất tác động đến khả năng tiếp thị email đến với khách hàng đó là: email không được gửi đến hộp thư đã nhận của người đăng ký mà lại được chuyển tiếp đến thư mục rác của họ. Một số lý do sau đây khiến email của bạn trở thành email spam:
- Địa chỉ: địa chỉ email không được công nhận, không rõ nguồn gốc hoặc không đáng tin cậy
- Tiêu đề: tiêu đề không rõ ràng, chứa những cụm từ có thể được xem là lừa đảo như: kiếm tiền nhanh, nhận quà miễn phí,…
- Nội dung: nội dung không có giá trị hoặc chứa nhiều ký tự đặc biệt, lỗi chính tả,…
- Đính kèm: đính kèm file chứa dung lượng quá lớn hoặc có chứa virus cũng có thể bị xem là email spam
- Cách thức gửi: gửi một số lượng quá lớn email đến người dùng có thể khiến email của bạn trở thành email spam.
- Người nhận để chế độ không nhận tin nhắn từ người lạ, đó cũng là nguyên nhân thư điện tử trở thành thư rác.
Do đó, cách tốt nhất là bạn giữ cho email tiếp thị không bị rơi vào thư mục rác thông qua một số cách dưới đây:
- Đảm bảo rằng tất cả người đăng ký đã thực sự chọn tham gia nhận email từ bạn bên cạnh đó là tên người gửi, tên miền phải uy tín, địa chỉ IP tốt chưa bị đánh dấu là thư rác
- Tránh sử dụng quá nhiều ngôn ngữ bán hàng, lừa đảo trong tiêu đề, đoạn mô tả và cả phần nội dung chính trong email
- Đảm bảo cung cấp nút huỷ đăng ký trong email của bạn để tránh người dùng không thể huỷ đăng ký sẽ chuyển tiếp vào thư mục rác.
Luôn cập nhật danh sách email định kỳ
Một số người có thể đã không sử dụng tài khoản email này một thời gian hoặc không còn quan tâm đến thương hiệu của bạn nữa. Do đó, để giữ cho danh sách email của bạn luôn mới và chất lượng, bạn cần cập nhật danh sách email định kỳ của mình. Người đăng ký có thể được loại bỏ khi không tương tác với bất kì email nào của bạn trong 6 tháng trở lên.
Nhưng trước khi bạn loại bỏ danh sách này, hãy thử gửi thêm một chiến dịch email tương tác lại, ví dụ: Chúng tôi có làm bạn chán không? hay Bạn có nhận được thư của chúng tôi không?
Ngoài ra, khi cập nhật danh sách email mới, bạn cũng cần cập nhật lại sở thích và mối quan tâm hiện tại của họ. Bởi, con người có xu hướng thay đổi thói quen và sở thích của mình dần theo thời gian. Chính vì thế, khi bạn cập nhật danh sách email mới cùng với việc phân khúc khách hàng sẽ giúp bạn có thể tiếp thị đúng loại email marketing tới đúng đối tượng khách hàng được hiệu quả hơn.
Đo lường khung thời gian có tỷ lệ mở email marketing cao
Thời gian là yếu tố có tác động rất lớn không chỉ riêng tỷ lệ mở email marketing mà còn tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ nhấp vào liên kết, tỷ lệ huỷ đăng ký,… Vì vậy, hãy cân nhắc lựa chọn ngày giờ phù hợp để gửi email marketing.
Một số cách bạn có thể làm đó là thực hiện thử nghiệm A/B để đo lường và xác định khung giờ có hiệu quả nhất để triển khai chiến dịch email marketing vào khung giờ đó trong tương lai. Ngoài ra, việc thực hiện thử nghiệm A/B cũng giúp bạn lựa chọn phiên bản email hoàn hảo nhất trước khi gửi cho một nhóm đối tượng khách hàng lớn.
Trong một nghiên cứu của GetResponse cho thấy, họ phát hiện ra rằng Thứ Ba là ngày có tỷ lệ mở email và nhấp vào link liên kết cao nhất. Còn theo một nghiên cứu từ Yes Marketing cho thấy, Thứ Bảy lại là ngày có tỷ lệ chuyển đổi tốt nhất.
Dòng tiêu đề và đoạn mở đầu thu hút, nổi bật
Để cải thiện tỷ lệ mở email marketing, không thể không nhắc đến tác động của dòng tiêu đề và đoạn mở đầu. Dưới đây là một số mẹo mà bạn có thể tham khảo giúp cho dòng tiêu đề của bạn trở nên nổi bật hơn.
- Đặt một câu hỏi mở, khơi gợi sự tò mò của người đăng ký nhưng đừng quá thông minh và khó hiểu, như vậy họ sẽ cảm thấy khó chịu thậm chí là phản tác dụng. Ví dụ: Bạn đã sẵn sàng để khởi đầu một ngày mới? Bạn có muốn tiết kiệm 50% ngay hôm nay không?
- Tiêu đề nên có các con số, điều đó thể hiện tính cụ thể, thực tế và mang lại niềm tin, uy tín hơn là một tiêu đề chỉ toàn chữ viết.
- Với đoạn mở đầu, cần sử dụng từ ngữ cá nhân hóa cụ thể đối tượng khách hàng nhằm mục đích tạo sự quan tâm và thích thú. Ví dụ: Chào + tên người nhận, đây là thông tin đặc biệt dành riêng cho bạn
Tối ưu hoá mọi thiết bị sử dụng
Theo Movable Ink, khoảng 66% tổng số email được mở trên thiết bị di động, đặc biệt nhiều nhất là ở smartphone. Qua thống kê này cho thấy, bạn không thể bỏ qua bước tối ưu hoá mọi thiết bị mà người đăng ký sử dụng. Dưới đây là một số mẹo tiếp thị email thu hút người dùng di động:
- Giữ cho định dạng đơn giản (một cột), độ rộng dưới 600px.
- Sử dụng một phông chữ lớn hơn, vì phông chữ nhỏ gây khó đọc trên thiết bị di động.
- Sử dụng hình ảnh nhỏ hơn để giảm thời gian tải ảnh.
- Sử dụng nút kêu gọi hành động lớn vì các nút lớn hơn sẽ giúp khách hàng dễ dàng tương tác ngón tay với thiết bị.
- Không đặt hai liên kết bên cạnh hoặc chồng lên nhau. Như vậy, người dùng sẽ không chạm nhầm giữa hai liên kết và gây cảm giác khó chịu
Tập trung vào nội dung email marketing
Bạn có thể nghĩ rằng khi một người đăng ký mở email của bạn, về cơ bản chiến lược đó đã thành công. Nhưng theo thời gian, chiến lược này sẽ không còn thu hút người đăng ký nếu cách thức gửi cộng hình thức bên ngoài lẫn nội dung bên trong không được thay đổi và hấp dẫn liên tục. Do đó mà bạn cần phải đặc biệt chú ý thêm các yếu tố sau:
Cân đối bố cục hình ảnh và văn bản
Bố cục hình ảnh và văn bản cân đối, hài hoà giúp người dùng có cảm giác thư giãn, thoải mái hơn khi đọc thông điệp của bạn. Ngoài ra, khi bạn in đậm hoặc làm nổi bật lên một số ý chính trong nội dung sẽ giúp cho người dùng dễ dàng nhìn thấy và nắm bắt thông tin ngay lập tức.
Cung cấp nội dung có giá trị cho khách hàng
Nội dung lại đóng một vai trò quan trọng hơn khi tác động đến tỷ lệ mở email marketing. Người đăng ký có nhiều khả năng mở xem email của bạn trong tương lai nếu nội dung trước đó khiến họ hài lòng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu và mong muốn của họ. Ngược lại, nếu nội dung không mang lại giá trị, họ có thể không quay lại mở email thậm chí là huỷ đăng ký ngay.
Vậy thì phải làm cách nào? Đơn giản là việc bạn hãy làm cho những lần bạn gửi email của mình cho người đăng ký đều trở nên giá trị hơn. Bạn có thể liên kết với những tài nguyên quý giá và có sẵn như blog, sách điện tử, ebook,… Giá trị của mỗi email mà bạn viết càng cao thì khả năng trung thành và quay trở lại mở email lần nữa của người đăng ký sẽ càng tăng.
Nội dung thể hiện tính cá nhân hoá cao
Nội dung email được cá nhân hoá cao cho từng khách hàng sẽ hiệu quả hơn là nội dung được gửi theo một cách “đại trà” đến họ. Tâm lý khách hàng luôn thích thú đón nhận những thông điệp hoặc khuyến mãi chỉ dành cho riêng mình và họ sẵn sàng chi trả cho việc này nếu bạn khiến họ cảm thấy thú vị và có giá trị. Cá nhân hoá nội dung đòi hỏi nhiều hơn là việc bạn chỉ viết đoạn mô tả “Chào anh/ chị + tên”, điều này đòi hỏi bạn phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu câu từ, chữ cái trúng nhu cầu, insight khách hàng, hơn nữa bạn có thể pha trộn thêm một chút hài hước để tạo sự liên tưởng và gợi nhớ cao.
Chú ý sử dụng từ ngữ
Việc sử dụng từ ngữ không phù hợp cũng có thể khiến khách hàng không quay trở lại xem email nữa thậm chí có khả năng trở thành email spam. Do đó, bạn nên sử dụng từ ngữ mang một nghĩa, văn phong lịch sự và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nếu giá trị nội dung mà bạn cung cấp theo hướng chuyên sâu một chút, người đọc có thể mau chán hoặc bỏ ngang vì những thuật ngữ khó hiểu, bạn có thể trộn chút sự hài hước vào. Điều này sẽ giúp xây dựng kết nối mạnh mẽ tức thời với người dùng, vừa giải trí lại ghi được dấu ấn đặc biệt trong tâm trí họ.
Viết thư như một người bạn
Trước khi viết một đoạn mô tả ngắn hoặc nội dung tiêu đề hay nội dung chính của email, hãy nghĩ đến cảm nhận của hàng nghìn người sắp nhận được nó. Điều này sẽ thật sự hiệu quả hơn nếu như bạn viết như thể bạn đang trò chuyện với một cá nhân và đây cũng không phải là một vấn đề dễ dàng.
Để viết theo cách này, bạn sẽ phải thực sự hiểu rõ insight, sở thích và tính cách của người đăng ký hay nói cách khác là khách hàng của mình. Bạn sẽ cần phải biết cụ thể mong muốn của họ, nỗi lo của họ và vấn đề của họ. Do đó, điều bạn cần làm ngay lúc này đó là trò chuyện với khách hàng (bạn có thể gọi họ, nhắn tin hoặc khảo sát).
Tỷ lệ mở email marketing là một trong những tỷ lệ có tác động đến hiệu quả của một chiến dịch tiếp thị email. Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng một tỷ lệ này thì không thể nào đánh giá khách quan và chính xác sự thành công của chiến dịch. Một số tỷ lệ khác mà bạn cũng cần phải quan tâm như: tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ nhấp vào liên kết, tỷ lệ huỷ đăng ký,… Do đó, để đạt được thành công cho chiến dịch này, bạn cần dành nhiều thời gian hơn cho các thử nghiệm, phân tích và đo lường hiệu suất tổng thể.