Trong bất kỳ chiến dịch tiếp thị nào, đo lường và theo dõi hiệu quả những tiêu chuẩn, mục tiêu đề ra thông qua lợi tức đầu tư ROI là điều cốt yếu. Mặc dù hiện nay có rất nhiều công cụ để đo lường hiệu quả của nội dung, nhưng Google Analytics luôn chứng tỏ được tính ưu việt của công cụ “một cửa” mà hầu hết các website đã lựa chọn sử dụng từ buổi đầu. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, bạn cũng sẽ gặp đôi chút khó khăn khi lượng dữ liệu công cụ này cung cấp quá nhiều, có thể gây khó khăn cho marketer để xác định chính xác thông tin cần thiết nhất. Vì vậy, trong bài viết này Subiz muốn giới thiệu ba gợi ý sử dụng Google Analytics hiệu quả để bạn tự đánh giá khả năng thành công trong chiến lược tiếp thị nội dung của mình:
1. Xem xét thống kê lưu lượng truy cập và thời gian trên trang
Thông thường, traffic – lưu lượng truy cập nếu đứng một mình thì không phải là một chỉ số tuyệt vời để đánh giá sự thành công của một chiến dịch content marketing. Tuy nhiên, nếu kết hợp cùng các chỉ số khác, nó có thể trở thành một thông tin đặc biệt hữu dụng. Chẳng hạn, theo thống kê, trang chủ của bạn có thể là một trong những trang có lượng truy cập nhiều nhất trên website – nhưng điều này không phải lúc nào cũng chứng tỏ những nội dung trên đó hiệu quả. Bởi, nếu bạn tiến hành những chiến lược SEO và quảng cáo phù hợp cũng như chúng đang hoạt động tốt, thì rất có thể trang chủ của bạn luôn luôn là một trong những trang có lượng truy cập nhiều nhất, bất kể tính hữu ích của nội dung với đối tượng truy cập thế nào.
Tip: Để traffic là một yếu tố đo lường hiệu quả của chiến dịch content marketing, hãy so sánh những trang có nội dung tương tự với nhau cũng như với những trang có sự khác biệt.
Lấy một ví dụ, chẳng hạn: Biểu đồ bên dưới cho thấy có một sự thay đổi lớn về số lượng khách truy cập website trong tuần đầu tháng 3. Tuy nhiên, chưa vội mừng! Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn trong Google Analytics xem chính xác lí do từ đâu. Đây cũng là những gì chúng tôi đã làm.
Sau đó, chúng tôi xác định được lí do là từ một bài đăng trên blog được chia sẻ trên một page phổ biến của Facebook. Như bạn có thể nhìn thấy ở hình dưới, một doanh nghiệp sở hữu cộng đồng tích cực, khi họ đăng tải những bài viết ý nghĩa sẽ có nhiều người thích (like), bình luận (comment) cũng như chia sẻ (share). Tất cả các hoạt động này tạo nên một số lượng lớn lưu lượng truy cập. Bởi vì thông qua bài đăng, những người dùng Facebook thấy thông tin hữu ích, thú vị họ lại chia sẻ liên kết đó đến bạn bè của mình. Kết quả, mặc dù bài đăng được công bố tháng trước, thì một thời gian sau, nó vẫn thu hút được lượng truy cập vài lần một ngày.
Một bài viết trên blog hoặc trang web với một số lượt xem cao có thể được coi là mạnh về nội dung, vì nó rõ ràng thu hút sự quan tâm từ khán giả. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác, bạn cần sử dụng thêm một thước đo là thời trang trên trang – time on site.
Khi thời gian trung bình trên một trang cụ thể cao hơn nhiều so với trung bình toàn bộ website, điều đó chứng tỏ trang này thu hút và tạo sự chú ý của khách truy cập tốt hơn những trang khác. Bạn nên phân tích nội dung sâu hơn ở những trang này, để thấy ưu điểm vượt trội của nó.
Như bạn có thể nhìn thấy từ hình ảnh dưới, thời gian trung bình trên trang chứa Infographic chúng tôi sản xuất gần như gấp đôi so với thời gian trên trang trung bình tại thời điểm đó. Điều này chứng tỏ, khán giả đã quan tâm đến nội dung mà chúng tôi công bố. Nhờ vậy, chúng tôi xác định được một chuẩn mực để đối chiếu với những nội dung khác mà mình đang có kế hoạch công bố trên blog trong chiến dịch lần này của mình.
Bài liên quan: Cách theo dõi thống kê chiến dịch Marketing với Google Analytics
2. Đo referral traffic – Lưu lượng truy cập từ nguồn được giới thiệu
Lưu lượng Referral chính là nguồn truy cập gián tiếp qua sự giới thiệu từ các website khác. Ví dụ, nếu một người truy cập click vào một liên kết dẫn đến trang web của bạn trên mạng xã hội như Facebook hay Twitter thì visitor đó được tính là một truy cập giới thiệu, bởi mạng truyền thông xã hội đã giới thiệu người truy cập vào trang website của bạn.
Trong Google Analytics, chúng ta có thể đo lưu lượng truy cập giới thiệu bằng nhiều cách khác nhau. Cách đầu tiên là thông qua Báo cáo lưu lượng truy cập giới thiệu – Referral traffic report (trong mục Acquisition). Hoặc cách khác nữa là chọn “referral path” hoặc “full referrer” từ danh sách thứ nguyên phụ.
Đôi khi, bạn có thể lên một số kế hoạch quảng bá nội dung kết hợp chiến lược phân phối tại chỗ để khách hàng thấy được nội dung. Chẳng hạn như chia sẻ nội dung của bạn trên các trang web truyền thông xã hội, quảng bá thông qua email marketing hay gửi link đến những nền tảng như Flipboard, Linkedin, v.v . (Nếu content của bạn có giá trị, khán giả sẽ tự chia sẻ, email, và đánh dấu nội dung của bạn theo cách riêng của họ). Khi lượng chia sẻ tăng lên, nỗ lực quảng cáo của bạn sẽ giúp tăng lượng referral traffic. Điều này có thể là một minh chứng cho hiệu quả của các nỗ lực xúc tiến và phân phối nội dung của bạn thông qua việc cung cấp thông tin những trang có traffic tốt nhất cũng như thời gian lưu lượng truy cập được giới thiệu.
Ví dụ, ảnh chụp màn hình dưới đây cho thấy lưu lượng truy cập giới thiệu đến một Infographic theo thống kê từ Google Analytics. Theo đó, đã có 8.451 lượt xem trang (7609 lượt xem duy nhất một trang), với lưu lượng truy cập giới thiệu từ nhiều nguồn khác nhau. Như bạn có thể thấy trong cột Full Referrer, nhờ chia sẻ trên Facebook và StumbleUpon cũng như từ các blog liên kết mà lượng visit đến Infographic tăng lên. Bằng cách này, chủ website có thể xem xét chia sẻ những content tương tự lên StumbleUpon và so sánh với những website điểm tin để có được thành quả tương tự trong tương lai với cùng một nhóm đối tượng tương tác.
Bài liên quan: [Infographic] Làm Marketing với dữ liệu Google Analytics?
3. Đánh giá lượng download
Một trong những hoạt động phổ biến trong tiếp thị nội dung chính là để tạo ra nội dung hữu ích cho người dùng tải về. Thông thường, những thông tin tải về luôn được ẩn sau một liên kết – nghĩa là khách phải điền vào form liên hệ trước khi truy cập đến nội dung. Tuy nhiên, đôi khi, người dùng có thể tải nội dung mà không cần cung cấp bất kỳ thông tin bổ sung nào. Trong trường hợp này, thiết lập “theo dõi sự kiện”- event tracking, trong Google Analytics là điều nên làm để nắm rõ tỷ lệ của nội dung được tải về.
Một khi bạn đã thực hiện hoạt động này, bạn có thể thiết lập mục tiêu từng sự kiện để theo dõi tỷ lệ chuyển đổi. Khi thiết lập mục tiêu sự kiện trong Google Analytics, bạn phải thiết lập các điều kiện cho mục tiêu, tạo thể loại, hành động, nhãn, và giá trị cho chúng. Bạn cũng phải gán một giá trị cho mục tiêu – đó có thể là giá trị mà bạn cung cấp ban đầu, hoặc giá trị khác tùy theo sự lựa chọn của bạn. Lấy ví dụ trong trường hợp đo lượng tải, sự kiện sẽ là hành động của tải nội dung.
Sau khi mục tiêu sự kiện của bạn được thiết lập, bạn sẽ tìm thấy số lượng người thực sự tải nội dung của bạn mà không cần bất kỳ thông tin liên lạc khác từ khách truy cập. Những thông tin này có thể được sử dụng kết hợp với các số liệu khác (như lượt xem và thời gian trên trang) để đo lường sự thành công của nội dung bạn đưa ra.
Hãy xem xét ví dụ dưới đây, theo đó, nội dung được tải về 5.438 lần. Ngoài ra, một mục tiêu khác được thiết lập để đăng ký sự kiện (cho phép tải các nội dung) cũng được thiết lập đồng thời. Tổng cộng có 16.719 khách, 15.243 lượt người truy cập và 5.434 lượt tải được thống kê.
Đánh giá tỷ lệ chuyển đổi bằng cách này cũng tương tự xem xét chất lượng nội dung. Tỷ lệ chuyển đổi sẽ tăng tích cực nhất là khi không có rủi ro liên quan đến việc tải nội dung.
Kết luận
Có rất nhiều cách để đo lường hiệu quả của chiến lược content marketing qua Google Analytics. Từ lưu lượng truy cập và thời gian trên trang tới lưu lượng truy cập từ nguồn giới thiệu và số lượt tải tài liệu cũng như phần lớn các dữ liệu cần thiết để đánh giá ngược trở lại một loạt các mục tiêu tiếp thị nội dung hoàn toàn có sẵn trong Google Analytics.
Bạn đang sử dụng Google Analytics để đo lường sự thành công của chiến dịch content marketing như thế nào? Hãy chia sẻ với Subiz nhé!
Bài liên quan: Sử dụng số liệu của Subiz trong Google Analytics để đánh giá chiến dịch marketing
Nguồn: Contentmarketinginstitute.com