Hiện nay, spam là một vấn nạn gây nhiều phiền toái và thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các hình thức và mục đích spam ngày càng đa dạng và tinh vi, nên rất khó tìm ra giải pháp triệt để. Spam có thể diễn ra ở tất cả nền tảng truyền thông như website, các mạng xã hội, trang thương mại điện tử… Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu spam là gì, mục đích của spam, và cách chặn spam kênh website bằng Subiz.
Spam là gì?
Spam là liên tục lặp lại các hành động như gửi tin nhắn rác, đăng ký bằng thông tin ảo, liên tục tạo click ảo (click tặc)… nhằm phá hoại hay gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên các nền tảng online.
Các hình thức spam thường gặp trên kênh website và mục đích spam
Sau đây là 4 hình thức spam phổ biến thường thấy trên kênh website:
Tin nhắn rác là những tin nhắn chứa nội dung mà người nhận không quan tâm hay thậm chí là các thông tin lừa đảo, có thể gây phiền toái hay thiệt hại cho người nhận nếu tin và làm theo. Ngoài thông tin vô ích hoặc quảng cáo làm phiền, tin nhắn rác cũng có thể chứa các đường link xấu mà nếu nhấp vào, người dùng có thể gặp phải các nguy cơ về rò rỉ dữ liệu.
Click ảo (hay click tặc) là những lượt nhấp chuột liên tục để truy cập vào sản phẩm hay quảng cáo nhưng không có ý định mua hàng. Hành động này sẽ khiến các quảng cáo PPC (pay-per-click) nhanh chóng tiêu hết ngân sách quảng cáo mà không thể tiếp cận được số lượng khách tiềm năng như dự kiến. Đồng thời, nhà quảng cáo không thể tính toán chính xác tỷ lệ chuyển đổi và kết quả mà quảng cáo mang lại.
Điền thông tin ảo là hành động liên tục điền các thông tin như họ tên, số điện thoại, email ảo vào popup hay bảng hỏi thông tin trên website. Mục đích của điền thông tin ảo khá đa dạng, ví dụ như: nhắn tin làm phiền doanh nghiệp, gây sai lệch trong quá trình thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng, lạm dụng các chương trình ưu đãi của doanh nghiệp…
Spam bình luận là liên tục để lại những bình luận trên các trang web cho chép để lại bình luận của doanh nghiệp. Mục đích spam bình luận rất đa dạng như: làm xấu hình ảnh doanh nghiệp, làm mất niềm tin của khách hàng đối với doanh nghiệp, quảng cáo làm phiền, điều hướng khách hàng đến các trang khác, điều hướng dư luận, spam link lừa đảo…
Tại sao doanh nghiệp cần chặn spam kênh website?
Tùy vào thông điệp và hình thức, mục đích spam có thể khác nhau, nhưng hầu hết chúng đều gây hại cho doanh nghiệp ở nhiều mức độ như: gây phiền toái, làm quá tải bộ nhớ dữ liệu, gây thiệt hại kinh doanh, tiêu tốn ngân sách quảng cáo… Cụ thể hơn, spam có thể:
Spam gây quá tải truy cập website
Việc spam truy cập liên tục vào website có thể gây quá tải, khiến website bị load chậm, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm duyệt web của những khách hàng thật sự, khiến họ mất kiên nhẫn và rời khỏi website.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, lượng truy cập spam quá lớn có thể tiêu tốn tài nguyên website, dẫn đến khách hàng không thể truy cập trang web. Khi đó, doanh nghiệp phải chi thêm tiền để mở rộng tài nguyên website.
Spam làm quá tải bộ nhớ dữ liệu
Khi bị tấn công bởi spam, bộ nhớ dữ liệu nhanh chóng bị đầy bởi các thông tin vô giá trị như tin rác, cuộc trò chuyện rác, thông tin khách hàng ảo…
Do đó, doanh nghiệp tốn thêm chi phí để mua thêm bộ nhớ dữ liệu. Đồng thời, nhân lực sẽ mất thời gian rà soát để xóa bỏ các tin nhắn và thông tin spam.
Gây khó chịu cho tư vấn viên
Spam khiến tư vấn viên mất thời gian tư vấn đối tượng không phải khách hàng, làm giảm hiệu suất làm việc và thiếu thời gian hỗ trợ các khách hàng thực sự.
Các chiêu trò spam tinh vi thậm chí còn sử dụng spam bot để phá hoạt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Spam bot có khả năng chạy nhiều kịch bản để trò chuyện với tư vấn viên như yêu cầu tư vấn, đặt đơn ảo, lạm dụng các mã giảm giá và chương trình ưu đãi… Do đó, spam bot vừa gây phiền toái, vừa có thể gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp.
Làm sai lệch các số liệu thống kê và phân tích
Spam là các truy cập và tương tác nhằm quấy phá doanh nghiệp chứ không phải khách hàng thực sự. Do đó, nó cũng gây ra các sai số khi thống kê và phân tích lưu lượng truy cập website hay phân tích dữ liệu khách hàng.
Dữ liệu sai sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc quyết định các chiến lược kinh doanh.
Spam làm thiệt hại kinh tế doanh nghiệp
Có nhiều trường hợp spam làm thiệt hại kinh tế doanh nghiệp như:
- Spam đặt đơn ảo, khiến doanh nghiệp mất chi phí đóng gói, nhân lực, vận chuyển, hoàn hàng…
- Spam dạng click ảo đối với các quảng cáo PPC, làm tiêu tốn ngân sách quảng cáo mà không tiếp cận được lượng khách tiềm năng mục tiêu
- Spam lạm dụng mã giảm giá: Ví dụ, doanh nghiệp chạy chương trình tặng 100 voucher để thu hút khách mới. Nếu các voucher này bị spam đăng ký thông tin ảo và giành hết, kế hoạch marketing này sẽ thất bại.
Spam lừa đảo hoặc gây nguy hiểm bảo mật
Một số kiểu spam tin nhắn rác có chứa thông tin lừa đảo hoặc mã độc có thể gây nguy cơ. Người đọc bị lừa tiền nếu tin và làm theo các thông tin rác. Hoặc việc nhấn vào các link rác có thể khiến mã độc xâm nhập vào thiết bị, làm mất an toàn bảo mật như bị đánh cắp dữ liệu…
Các cách chặn spam kênh website nhờ ứng dụng Subiz
Các thủ đoạn spam trên kênh website rất đa dạng, tinh vi, có nhiều mục đích khác nhau và biến hóa theo thời gian. Đến nay, Subiz cũng chỉ có khả năng chặn hoặc hạn chế một số trường hợp spam bằng các cách sau:
Subiz Live: theo dõi truy cập website và phát hiện IP có dấu hiệu spam
Trường hợp: Khách truy cập trang web nhưng chưa nhắn tin cho doanh nghiệp.
Một trong các dấu hiệu của người có ý định spam là thường mở nhiều trình duyệt cùng một lúc. Tuy nhiên, họ không thể thay đổi địa chỉ IP, trừ khi họ dùng các công cụ fake IP, hoặc thao tác thủ công tắt/ bật mạng di động liên tục cho mỗi lần truy cập.
Bản cập nhật trang Subiz Live mới vào ngày 16/04/2024 đã bổ sung thêm:
- Hiển thị IP của khách truy cập website
- Tự động thống kê IP và IP subnet trùng
Trong đó, IP là địa chỉ IP của thiết bị khách sử dụng để truy cập website, còn IP subnet là địa chỉ của nhà mạng có nhiều thiết bị đang truy cập trang web của bạn.
Tuy nhiên, IP trùng chỉ là một tín hiệu cảnh báo đó có thể là IP spam. Để xác định chính xác, bạn cần theo dõi thêm bằng cách: Tại trang Subiz Live, chọn “Lọc” tại phần thống kê IP và IP subnet trùng, sau đó theo dõi danh sách này và đánh giá.
Dấu hiệu các IP trùng có có nguy cơ spam cao:
- IP đó mở nhiều trình duyệt (như Google, Chrome, Bing…) nhưng chỉ truy cập vào một URL của bạn.
- IP trùng liên tục thoát ra vào lại website của bạn trong vài giây
Cách chặn:
- Bước 1: Mở trang “Cài đặt” > chọn “Danh sách chặn”
- Bước 2: Chọn “Tạo mới” > copy-paste địa chỉ IP spam vào ô thông tin
- Bước 3: Chọn “Lưu” để hoàn thành chặn IP đó.
Chặn khách đã nhắn tin spam
Trường hợp: Khách đã nhắn tin spam đến doanh nghiệp nhưng thông tin vô nghĩa, lặp lại nội dung, nói chuyện thô tục…
Cách chặn:
- Bước 1: Chọn hội thoại bị spam
- Bước 2: Trong hồ sơ khách hàng, chọn biểu tượng “…” > chọn “Chặn người dùng”
- Bước 3: Chọn các hội thoại spam > chọn “Ẩn”
Mời bạn xem hướng dẫn chi tiết trong video sau:
Bảng hỏi thông tin ở cửa sổ chat: thêm bước xác định danh tính để hạn chế spam
Trường hợp: Có thể áp dụng cho hầu hết các trường hợp bị spam.
Tuy nhiên, cách này chỉ có thể hạn chế spam nhờ khả năng nhanh chóng phân biệt khách hàng và người spam. Các khách hàng thực sự thường điền thông tin họ tên, số điện thoại, email đúng. Còn người spam thường điền dãy số và các ký tự linh tinh để có thể nhanh chóng nhắn tin với doanh nghiệp.
Cách chặn: như trường hợp chặn khách đã nhắn tin spam bên trên.
Tạo chatbot riêng cho URL bị spam
Trường hợp:
- Các tin nhắn spam chỉ đến duy nhất từ 1 URL.
- Có nhiều IP truy cập khác nhau nên không thể chặn theo IP
- URL này vẫn có khách hàng thật truy cập và tương tác
Cách chặn: Tạo một kịch bản bot riêng chỉ chạy với URL bị spam này. Các đặc điểm lưu ý khi tạo bot này:
- Bot gắn tag “spam” cho tất cả hội thoại đến từ URL này để agent dễ dàng phân biệt
- Bot chào hỏi và hỏi thông tin họ tên, số điện thoại (SĐT) hoặc email của khách. Nếu khách cho thông tin đúng định dạng SĐT hoặc email, hệ thống Subiz sẽ tự động lưu vào hồ sơ khách hàng. Người spam thường cho thông tin sai nên Subiz không tự động lưu. Đây là dấu hiệu nhận ra spam nhanh chóng.
- Sau khi xin thông tin xong, bot có thể thông báo “Hiện tại tất cả tư vấn viên của chúng tôi đang bận. Chúng tôi sẽ liên hệ lại bạn trong ít phút nữa”, rồi chuyển hội thoại cho agent.
- Chỉ giao hội thoại của bot này cho 1 agent, để họ kiểm tra lại các cuộc hội thoại, chặn các hội thoại spam và hỗ trợ các khách hàng thật.
Hướng dẫn cách cài đặt chatbot Subiz ›
Không hiển thị cửa sổ chat ở URL bị spam
Trường hợp:
- Tin nhắn spam chỉ đến từ 1 URL duy nhất
- Có nhiều IP truy cập khác nhau nên không thể chặn theo IP
- Xác nhận URL này không có hoặc rất hiếm khách thật tương tác sau khi đã quan sát một thời gian.
Đối với trường hợp này, cách tốt nhất là không hiển thị cửa sổ chat trên URL bị spam, để họ không thể liên lạc với doanh nghiệp. Sau một thời gian, người spam biết không thể dùng URL này nữa, thì bạn có thể mở lại cửa sổ chat cho URL này.
Cách chặn:
- Bước 1: Chọn “Cài đặt” > chọn “Cửa sổ chat” > chọn ‘Cài đặt”
- Bước 2: Trong phần “Đối tượng mục tiêu”, ô “Website” > chọn “Ngoại trừ”
- Bước 3: Dán link URL bị spam
- Bước 4: Nhấn “Cập nhật” để hoàn tất ẩn cửa sổ chat trên URL bị spam
Trên đây là các cách ứng dụng Subiz để hạn chế hoặc ngăn chặn spam kênh website. Nếu spam Quý khách gặp phải không thuộc các trường hợp trên, hãy chia sẻ với đội ngũ Subiz qua một trong các kênh sau để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn tốt nhất có thể.
- Nút ‘Hỗ trợ” tại trang Dashboard Subiz
- Chat tại website: Subiz.com.vn
- Zalo OA: Subiz
- Fanpage: Subiz