Hiệu ứng tương hỗ trong marketing: Cách thúc đẩy khách mua hàng ngay cả khi không có nhu cầu

Tiến sĩ Robert Cialdini đã liệt kê hiệu ứng tương hỗ trong cuốn sách “Influence: The Psychology of Persuasion”. Hiệu ứng tương hỗ là một trong sáu yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến người khác, cụ thể là ảnh hưởng đến hành vi khách hàng khi nói đến lĩnh vực marketing và bán hàng.

Khi mô tả hiệu ứng tương hỗ, ông đã chia sẻ một nghiên cứu điển hình, trong đó tiền boa của người phục vụ tăng 3% khi thực khách được tặng một viên bạc hà và 14% khi thực khách được tặng hai viên bạc hà.

Hiệu ứng tương hỗ (Reciprocity) là gì?

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Cialdini, hiệu ứng tương hỗ là một nguyên tắc tâm lý xã hội mô tả cách con người ta thường có xu hướng đáp lại một ân huệ hoặc dịch vụ mà họ đã nhận được từ người khác, hay được gọi nôm na là tâm lý “có đi có lại”.

Hiệu ứng tương hỗ - Reciprocity là gì?

Hiệu ứng tương hỗ – Reciprocity là gì?

Khi chúng ta nhận được điều gì đó từ người khác thì chúng ta thường cảm thấy muốn đáp lại hoặc bày tỏ lòng biết ơn. Hiệu ứng này có thể áp dụng trong tiếp thị và kinh doanh, khi thương hiệu chủ động cung cấp trước các giá trị để tạo ấn tượng, khuyến khích khách hàng hành động hoặc tương tác qua lại với thương hiệu. 

Một số hoạt động marketing phổ biến dựa trên hiệu ứng tương hỗ như tặng quà, tặng sản phẩm dùng thử (sản phẩm sample hay minisize)…

Ứng dụng hiệu ứng tương hỗ trong marketing và bán hàng

Hiệu ứng tương hỗ trong marketing và bán hàng đề cập đến việc tạo ra một môi trường tích cực và tạo giá trị cho khách hàng. Khi khách hàng cảm thấy họ nhận được lợi ích và quan tâm từ bạn, họ có khả năng đáp lại bằng cách ủng hộ sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, hoặc chia sẻ về trải nghiệm tích cực đó với người khác và vô tình marketing truyền miệng cho thương hiệu của bạn. Dưới đây là một số cách áp dụng hiệu ứng tương hỗ trong marketing và bán hàng:

Chương trình thử nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ: Cung cấp cho khách hàng cơ hội thử nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn miễn phí hoặc với giá ưu đãi. Khi họ có trải nghiệm tích cực, họ có thể cảm thấy biết ơn và sẽ có khả năng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn trong tương lai hoặc chia sẻ về trải nghiệm đó với người khác.

Chương trình tặng quà và khuyến mãi: Tặng quà kèm hoặc giảm giá cho các đơn đặt hàng hoặc giao dịch. Khách hàng có thể thấy mình được đối xử đặc biệt và sẽ có động lực hơn để quay lại mua hàng.

Ứng dụng hiệu ứng tương hỗ trong marketing, bán hàng để thu hút, gia tăng trải nghiệm của khách hàng

Ứng dụng hiệu ứng tương hỗ trong marketing, bán hàng để thu hút, gia tăng trải nghiệm của khách hàng

Tiếp thị trải nghiệm cho sản phẩm hoặc dịch vụ: Đây là một chiến lược tiếp thị tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm trực tiếp và tham gia tích cực cho khách hàng. Nó nhằm mục đích tạo ra một trải nghiệm tương tác giữa thương hiệu và khách hàng thông qua các sự kiện, hoạt động trực tiếp, gian hàng tương tác, hoặc các trải nghiệm thực tế ảo.

  • Sản phẩm ảo và thử nghiệm dịch vụ: Sử dụng công nghệ VR và AR để tạo ra môi trường ảo cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn mà họ có thể tương tác như thật. Điều này có thể áp dụng cho nhiều ngành, chẳng hạn như bất động sản (cho phép khách hàng thăm nhà ảo), thời trang (cho phép khách hàng thử trang phục ảo), hoặc du lịch (cho phép khách hàng tham quan địa điểm du lịch ảo)…
  • Trải nghiệm sản phẩm tùy chỉnh: VR và AR cho phép tạo ra trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ tùy chỉnh cho từng khách hàng. Họ có thể tùy chỉnh sản phẩm hoặc dịch vụ theo sở thích của họ và xem trước trước khi mua.
  • Hội thảo và triển lãm ảo: Sử dụng VR và AR để tổ chức hội thảo và triển lãm ảo, cho phép bạn kết nối với khách hàng mà không cần họ có mặt tại địa điểm vật lý. Điều này có thể giúp bạn tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng và giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.

Cung cấp tài liệu hướng dẫn và chia sẻ kiến thức: Khách hàng có thể ưa thích mua hàng từ những người có chia sẻ kiến thức và giá trị thực sự. Vì vậy, hãy cung cấp tài liệu hoặc kiến thức liên quan đến ngành công nghiệp của bạn. Điều này có thể giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm và tạo niềm tin với thương hiệu của bạn.

Các ví dụ thương hiệu ứng dụng hiệu ứng tương hỗ

Dưới đây là các ví dụ về các thương hiệu đã ứng dụng hiệu ứng tương hỗ trong chiến dịch tiếp thị của họ:

goop: goop là một “thương hiệu lối sống hiện đại” do Gwyneth Paltrow sáng lập, chuyên về làm đẹp và thời trang. Thương hiệu này sử dụng một chiến dịch tiếp thị tương hỗ đơn giản và trực tiếp là cung cấp một sản phẩm miễn phí kèm mỗi lần mua sản phẩm làm đẹp. Sản phẩm miễn phí đó là tẩy tế bào chết GOOGLOW Microderm. Bằng cách này, goop có thể tăng cơ hội mua hàng và xây dựng nền móng lòng trung thành của khách hàng.

Spotify Premium: Spotify cung cấp một dịch vụ thử nghiệm miễn phí trong 30 ngày cho gói Premium cho phép người dùng nghe nhạc chất lượng cao, không bị gián đoạn bởi quảng cáo và có thể tải nhạc để nghe ngoại tuyến. Sau khi dùng thủ gói Premium, khách hàng thường sẽ tiếp tục gia hạn vì họ khó mà từ bỏ việc nghe nhạc chất lượng cao.

Spotify ứng dụng hiệu ứng tương hỗ một cách khéo léo để thu hút khách hàng tham gia Spotify Premium

Spotify ứng dụng hiệu ứng tương hỗ một cách khéo léo để thu hút khách hàng tham gia Spotify Premium

Moz: Moz là một phần mềm SEO nổi tiếng. Moz cung cấp tài liệu miễn phí và các công cụ SEO cho người dùng miễn phí, tạo cơ hội tiếp cận khách hàng. Họ cũng cung cấp phiên bản dùng thử miễn phí công cụ của họ để thu hút người dùng và mở rộng cơ sở người dùng.

Dropbox: Dropbox đã thành công trong việc sử dụng hiệu ứng tương hỗ trong chiến dịch tiếp thị của họ bằng cách tạo ra chương trình giới thiệu. Họ tặng cho người dùng thêm 500MB dung lượng lưu trữ khi họ giới thiệu một người khác. Điều đặc biệt là người được giới thiệu cũng nhận được thêm 500MB. Chương trình giới thiệu khuyến khích khách hàng của Dropbox giới thiệu thêm nhiều người khác và Dropbox nhanh chóng thu hút hàng triệu người dùng trong thời gian ngắn.

Blue Bottle Coffee: Blue Bottle Coffee là một thương hiệu rang cà phê chuyên nghiệp bán cà phê đặc biệt, thiết bị pha cà phê, ly sứ và nhiều sản phẩm khác. Họ cung cấp các hướng dẫn pha cà phê giúp người mua hàng có cơ hội tiếp cận nhiều cách pha cà phê khác nhau. Điều này giúp Blue Bottle Coffee cung cấp giá trị thiết thực cho những khách hàng đam mê cà phê, tạo sự gắn kết với khách hàng, tăng cơ hội mua sắm và đồng thời bắt đầu quá trình xây dựng lòng trung thành.

Hiệu ứng tương hỗ đã trở thành một công cụ quan trọng trong chiến dịch tiếp thị và xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Các thương hiệu thông minh nhận ra giá trị của việc cung cấp giá trị cho khách hàng trước khi đòi hỏi họ thực hiện bất kỳ hành động nào. Việc cung cấp giá trị cho khách hàng thông qua nội dung, các ưu đãi,… có thể kích thích sự tương tác và tạo sự gắn kết. Hãy suy nghĩ về các chiến lược mà thương hiệu bạn có thể áp dụng hiệu ứng tương hỗ để tiếp cận, gắn bó và thúc đẩy khách hàng tương tác qua lại với thương hiệu nhiều hơn.

Xem thêm:

Flywheel là gì? Cách ứng dụng hiệu ứng Flywheel trong tiếp thị

Tạo hiệu ứng viral (lan truyền) – Chiến lược marketing hàng đầu

Share this

November 7, 2023 - Marketing