Theo số liệu khác từ AuthorityHacker, khoảng 75,7% nhà tiếp thị kỹ thuật số hiện đang sử dụng các công cụ AI trong công việc của họ, và hơn 50% trong số họ có những lo ngại về khả năng AI thay thế vai trò của họ. Vì vậy, chính xác thì công nghệ AI trong marketing có thể làm gì và không thể làm gì?
Công nghệ AI trong marketing có thể làm gì?
Dưới đây là các hoạt động mà AI có thể làm tốt trong marketing:
Viết content
AI có khả năng: lên outline, viết nội dung dựa trên bố cục có sẵn, chỉnh sửa nội dung và tóm tắt nội dung một cách linh hoạt, theo yêu cầu của người dùng.
Sự phát triển của các thuật toán AI, đặc biệt là công nghệ AI trong marketing cho phép chúng tạo ra nhiều dạng nội dung khác nhau phù hợp với từng loại hình bài viết cụ thể. Các định dạng nội dung AI có thể viết: bài đăng trên mạng xã hội, bài blog, kịch bản video,…. Chẳng hạn:
- Với content blog, AI có thể tạo ra nội dung sâu rộng, chứa thông tin chi tiết và kiến thức chuyên sâu về một chủ đề cụ thể.
- Với content social, AI có thể tạo ra nội dung ngắn gọn, súc tích, và sử dụng ngôn ngữ thân thiện và emoji phù hợp với đối tượng được yêu cầu.
- Với content kịch bản video, AI có thể tạo ra các tình tiết, viết thoại cho nhân vật, mô tả các hành động của nhân vật, phân chia cảnh quay,…
Ngoài ra, AI cũng có khả năng viết nội dung theo yêu cầu về số từ, phong cách viết, công thức content (FAB, AIDA…) và định dạng văn bản. Điều này đồng nghĩa là marketers càng đưa ra các yêu cầu chi tiết thì kết quả từ AI trả về sẽ chất lượng và đạt hiệu quả cao hơn.
Các ứng dụng AI có thể viết content phổ biến hiện nay: Chat GPT, Bing Chat, Google Bard, Notion AI….
Xem thêm:
Tổng hợp 20 công cụ AI content marketing hot nhất năm 2023
Google thay đổi cái nhìn về các công cụ AI content
Ứng dụng của AI trong content marketing: AI có thể và không thể làm gì?
Công cụ AI content marketing có thể tạo những dạng nội dung tiếp thị nào?
Những lưu ý khi dùng AI viết nội dung SEO để không bị Google phạt
Tạo ảnh theo mô tả
AI có khả năng: tạo ảnh theo mô tả, chỉnh sửa ảnh,..
Để AI có thể hiểu và tạo ảnh theo yêu cầu một cách hiệu quả, người dùng cần mô tả cụ thể và chi tiết về bức ảnh mong muốn. Việc này sẽ ảnh hưởng đến khả năng của AI trong việc tạo ra hình ảnh phù hợp với mong đợi. Các yêu cầu có thể là: kích thước, tone màu, nội dung trong ảnh, và định dạng phù hợp với nền tảng đăng,…
Ví dụ: hãy tạo giúp tôi một bức ảnh cho bài viết trên mạng xã hội với kích thước 1080 x 1080 pixel, định dạng ảnh JPEG, tone màu ấm, chủ đề là bữa cơm gia đình ngày tết và cần thêm chữ là “tết sum vầy” ở giữa.
Các ứng dụng AI có thể tạo ảnh theo mô tả: phiên bản mới của Chat GPT 4.0, Prisma, DeepArt.io, Microsoft Designer… Ngoài ra các phần mềm tạo ảnh quen thuộc trong marketing như Canva, Photoshop,… cũng đã tích hợp thêm tính năng AI để hỗ trợ marketers tạo ảnh nhanh hơn.
Chatbot AI
Trong lĩnh vực marketing, Chatbot AI không chỉ đơn giản là một công cụ cung cấp câu trả lời theo mẫu, mà còn có khả năng hiểu và phản ứng tình huống theo ngữ cảnh của từng người dùng. Thêm vào đó, khả năng tự học và cập nhật thông tin giúp chatbot trở nên linh hoạt, đáp ứng nhanh chóng và chính xác nhu cầu cũng như mong muốn của từng cá nhân khách hàng.
Nhờ vào khả năng đặc biệt này, chatbot AI ngày càng thu hút sự quan tâm và đầu tư từ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ và tiếp thị. Theo báo cáo của Botco.AI, năm 2022, 93% các nhà tiếp thị đang tích cực tích hợp chatbot AI vào chiến lược tiếp thị của họ. Đây là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh và tính hiệu quả của công nghệ này.
Các phần mềm Chatbot AI phổ biến: AhaChat, Harafunnel, Morph.ai,…
Xem thêm: Cuộc đua phát triển Chatbot AI trong thời đại kỹ thuật số
Cá nhân hoá
Cá nhân hóa nhờ AI thường xuất hiện ở nhiều mức độ, từ việc tư vấn sản phẩm đến việc xây dựng và thiết kế các chiến lược tiếp thị cá nhân hoá cho các marketer. Theo đó, dựa vào khả năng phân tích và nguồn dữ liệu lớn, AI có thể phân loại khách hàng, xác định đặc điểm của từng nhóm khách hàng để thiết kế thông điệp, kế hoạch tiếp thị phù hợp.
Các ứng dụng có tích hợp cá nhân hoá: Netflix, Spotify, Linkedin,…
Nhận dạng hình ảnh và giọng nói
AI có thể nhận dạng hình ảnh và giọng nói dựa trên thuật toán học máy và học sâu để xác định các đặc điểm cụ thể có trong hình ảnh và giọng nói. Đặc biệt, khi phát triển và tích hợp tính cá nhân hoá vào trong các chương trình máy tính, sẽ giúp cho AI có thể nhận biết một cách tốt hơn và đáp ứng nhanh các yêu cầu của người dùng.
Khả năng này của AI thường được ứng dụng trong marketing để hỗ trợ tương tác trực tuyến, dịch vụ giọng nói và hệ thống gọi điện tử,….
Các phần mềm phổ biến: Google Cloud Speech-to-Text, Google Cloud Vision API,…
Xử lý ngôn ngữ
Nhờ vào khả năng lưu trữ và nguồn tài nguyên phong phú, AI có khả năng tự động xử lý và phân tích ngôn ngữ tự nhiên. Điều này tạo điều kiện cho việc sử dụng chatbot, trợ lý ảo và các công cụ giao tiếp khác tự động phản hồi và đáp ứng đối với các truy vấn, yêu cầu, và lệnh từ phía người dùng.
Khả năng này thường được tích hợp vào các hệ thống tìm kiếm bằng giọng nói trên các thiết bị như Siri, Samsung Bixby,… Và điều này giúp các marketer có cơ hội phát triển chiến lược SEO Voice Search để tối ưu hóa sự xuất hiện của họ trong mọi nền tảng tìm kiếm.
Theo dõi hoạt động
Trong tiếp thị, AI thường được sử dụng để theo dõi hoạt động của người dùng. Cụ thể, AI có khả năng thu thập dữ liệu tự động từ các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội để biết được hành vi khách hàng. Từ đó, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về khách hàng, hỗ trợ trong việc tối ưu hóa chiến lược tiếp thị, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, và tăng cường khả năng dự đoán nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra những thách thức liên quan đến bảo vệ quyền riêng tư và quản lý thông tin cá nhân.
Phân tích và dự đoán
AI có khả năng dự đoán những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lai khá chính xác nhờ vào khả năng phân tích và hiểu dữ liệu. Qua quá trình này, AI có thể nhận biết xu hướng tiềm ẩn hoặc quy luật ẩn sau dữ liệu, từ đó, làm tăng độ chính xác của dự đoán. Trong marketing, AI được ứng dụng để dự đoán xu hướng tiêu dùng, trend,….
Ngoài ra, việc phân tích và đưa ra quyết định của AI có thể được đánh giá là hiệu quả. Bởi, con người thường bị chi phối nhiều bởi cảm xúc, có thể ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta dù ta muốn hay không. Ngược lại, AI không có cảm xúc và tiếp cận mọi vấn đề một cách thực tế và lý trí. Điều này đảm bảo mọi quyết định từ AI được đưa ra sẽ không có bất kỳ sự thiên vị nào. Do đó, trong lĩnh vực marketing, AI có thể được sử dụng để hỗ trợ người dùng phân tích chiến lược tiếp thị và đưa ra quyết định.
Thực hiện các công việc lặp lại
Nhờ vào khả năng học hỏi và tự điều chỉnh, AI có thể thực hiện các công việc lặp lại một cách hiệu quả, giữ nguyên tính chất của công việc mà không cần phải thay đổi. Dưới đây là một số hoạt động marketing thường được AI lặp lại:
- Trong hỗ trợ khách hàng: tạo và quản lý cuộc gọi; trả lời các câu hỏi cơ bản từ khách hàng thông qua trợ lý ảo, chatbot….
- Trong quản lý email: thông báo, phân loại và đánh dấu email theo tuỳ chỉnh; trả lời tự động và chuyển tiếp thông báo….
- Trong xử lý dữ liệu: sao chép, lọc và sắp xếp dữ liệu; xử lý và chuẩn hóa thông tin từ nguồn dữ liệu tùy chỉnh….
Những công việc này không chỉ giúp tối ưu hóa thời gian và tài nguyên mà còn đảm bảo tính chính xác và đồng nhất trong quy trình, quá trình thực hiện.
Tự động hóa
AI có thể triển khai tự động hóa nhiều tác vụ và nhiệm vụ, giúp các marketer tối ưu hoá thời gian và đạt được hiệu quả trong công việc. Các hoạt động có thể là:
- Gửi email tự động
- Tự động hoá các tác vụ theo kế hoạch
- Biên tập và lên lịch đăng bài viết
- Báo cáo tiến độ tự động
- Theo dõi và phân tích hoạt động của người tiêu dùng, đối thủ
- Nghiên cứu từ khoá tự động
- ………
Công nghệ AI trong marketing không thể làm gì?
Bên cạnh những công việc mà AI có thể thực hiện, dưới đây là những nhiệm vụ mà AI không thể thực hiện hoặc có thể thực hiện nhưng không hiệu quả trong marketing:
Sáng tạo
Một nhược điểm lớn nhất của AI là nó không thể học cách suy nghĩ sáng tạo như con người. Mặc dù AI có khả năng học hỏi, phân tích dữ liệu, xác định các mô hình và xu hướng, nhưng khả năng tạo ra những ý tưởng mới vẫn còn hạn chế, chưa thực sự độc đáo và gần gũi với thực tế.
Trí tuệ cảm xúc
Khả năng cảm xúc của AI có giới hạn, không thể tạo ra những trạng thái tâm lý sâu sắc và phức tạp như con người, cũng như không thể hiểu được những cảm xúc phức tạp đó.
Do đó, trong marketing, khi các tình huống cần xử lý nghiêng về cảm xúc, AI sẽ không thể thực hiện được. Nó thiếu khả năng đồng cảm, hiểu biết và phản ứng linh hoạt. Đây là những yếu tố quan trọng để xây dựng và duy trì mối quan hệ giữa con người.
Trực giác
Trực giác đề cập đến khả năng đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc và bản năng. Mặc dù AI có khả năng phân tích dữ liệu và đưa ra dự đoán dựa trên lượng thông tin lớn, tuy nhiên nó lại thiếu khả năng sử dụng trực giác. AI không thực sự có nhiều kinh nghiệm và kiến thức như con người, cũng như không có khả năng suy luận có ý thức.
Như vậy, AI đã thực sự phát triển nhanh chóng và có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau trong lĩnh vực marketing. Từ việc viết content, nhận dạng hình ảnh/ giọng nói cho đến việc xử lý ngôn ngữ, phân tích và theo dõi hoạt động,… Tuy nhiên, quan điểm cho rằng AI có thể thay thế con người là không thể. AI thiếu nhiều đặc điểm thiết yếu của con người, như sự sáng tạo, trí tuệ cảm xúc, hiểu biết theo ngữ cảnh, và trực giác.
Xem thêm:
AI marketing là gì? Lợi ích của trí tuệ nhân tạo AI trong marketing online
Trí tuệ nhân tạo AI có vai trò như thế nào với Marketing trong thời đại mới